Cần chuẩn bị gì cho sự trở lại của ngành "công nghiệp không khói"?
15:51 | 14/10/2021
Du lịch là ngành đóng góp trực tiếp 9,2% GDP và đóng góp gián tiếp, lan tỏa khoảng 18% vào tổng GDP (số liệu năm 2019), đón hàng trăm triệu lượt du khách trong nước và quốc tế, trong năm 2020 và phần lớn năm 2021, với các đợt giãn cách, sự đình trệ về giao thông, đi lại, ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch lâm vào khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử.
Là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam vẫn đang khắc phục khó khăn, thách thức để chờ ngày quay trở lại. Làm thế nào để mở cửa ngành du lịch an toàn, hợp lý, hiệu quả? Đâu là những nút thắt chính sách cần được cơ quan quản lý tháo gỡ? Rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp tại tọa đàm “Mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả” giúp tháo gỡ nút thắt do dịch bệnh thời gian qua.
![]() |
Thời điểm này, sau hơn 5 tháng hoành hành, làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam đang từng bước được kiểm soát. Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực xây dựng các giải pháp để vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa đưa hoạt động sản xuất kinh doanh thích nghi với điều kiện bình thường mới. Nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm soát tốt tình hình, các điểm nóng như tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… đang có những chuyển biến tích cực trong kết quả phòng chống dịch.
Ngày 12/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với 4 cấp độ dịch bệnh, tương ứng với các hoạt động kinh tế xã hội được phép triển khai.
Ngày 13/10, Thành phố Hà Nội ban hành Công điện số 21/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới. Theo đó, riêng lĩnh vực du lịch, các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành du lịch.
Đây là những tín hiệu vui cho thấy, ngày trở lại của ngành công nghiệp không khói đã không còn xa.
Sớm tái định vị ngành du lịch
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), theo nghiên cứu của TAB, thời gian tới, khách du lịch Việt Nam có 5 xu hướng chính:
Thứ nhất, sự hồi phục nhanh chóng nhu cầu đi du lịch: Hơn 83% số người trả lời sẵn sàng đi du lịch ngay trong vòng vài tháng tới. Hơn 69% lựa chọn đi du lịch bằng máy bay.
Thứ hai, ưu tiên an toàn và khả năng tài chính: 58% số người trả lời ưu tiên cho an toàn dịch bệnh, an ninh với 52% số người trả lời và khả năng tài chính chiếm 52% số người trả lời; Chính sách linh hoạt của doanh nghiệp trong hoãn hủy tour được nhiều người lựa chọn (với 44% số người tham gia khảo sát) nhiều hơn tiêu chí giảm giá tour (chỉ chiếm 32% số người trả lời).
Thứ ba, ưu tiên du lịch biển và du lịch khám phá thiên nhiên: Nhu cầu du lịch biển vẫn ở mức cao với 67% số người tham gia khảo sát; nhu cầu khám phá thiên nhiên với 48% số người trả lời và du lịch nghỉ dưỡng núi với 36% số người trả lời là xu hướng mới. Nhu cầu khám phá và thưởng thức ẩm thực với tỷ lệ số người tham gia khảo sát trả lời cao 63%, luôn là ưu tiên của du khách Việt.
Thứ tư, ưu tiên đi ngắn ngày hơn và nhóm nhỏ với 49% số người trả lời lựa chọn tour từ 2-3 ngày; 77% số người trả lời lựa chọn đi theo nhóm gia đình/bạn bè.
Thứ năm, ưu tiên đặt dịch vụ trực tiếp và trực tuyến: Đặt dịch vụ trực tuyến (42%) đã tăng hơn so với khảo sát trước (36%), đặt dịch vụ trực tiếp (35%) có giảm hơn so với trước (40%), nhưng vẫn là xu hướng chính.
Trao đổi về chiến lược tái định vị ngành du lịch và những thay đổi cần thiết để sống an toàn, phát triển tốt trong bối cảnh thế giới và khu vực “sống chung” với Covid-19, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng giám đốc Vietsense Travel cho biết, ngành du lịch Việt Nam cần xác định rõ tiêu chí an toàn đối với công tác tổ chức du lịch, khách du lịch xanh, điều kiện để tổ chức kinh doanh an toàn về mặt dịch vụ. Doanh nghiệp chờ đợi thông tin từ ban quản lý ngành.
“Doanh nghiệp mong muốn xác định rõ tiêu chí với du khách có thẻ xanh. Thứ hai, nắm rõ thông tin về các điểm đến được coi là xanh và chính sách các địa phương đang áp dụng với du khách và doanh nghiệp kinh doanh du lịch”, ông Tài đề xuất.
Còn ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Flamingo, Tổng giám đốc Flamingo Redtours lại cho rằng, dịch Covid-19 đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có cái nhìn chính xác về những hạn chế, cũng như những thế mạnh của ngành du lịch nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng, qua đó sẽ có điều chỉnh cho phù hợp.
“Thứ nhất, chúng ta phải đa dạng nguồn khách, trong đó thị trường khách trong nước rất quan trọng. Thứ hai, nhu cầu khách hàng ngày càng đa dạng và có sự phân hóa cao cho nên sản phẩm tour du lịch cần đa dạng, cá biệt hóa cho từng đối tượng. Thứ ba, năng lực cạnh tranh không thể chung chung, cần có sự khác biệt. Yếu tố về chất lượng, giá trị gia tăng sẽ quan trọng hơn là chúng ta đơn thuần về giá. Thứ tư, chúng ta không thể kỳ vọng thị thị trường phát triển toàn diện ngay như giai đoạn trước dịch mà cần có sự phục hồi từng bước”, ông Hoan cho hay.
![]() |
Thẻ xanh Covid-19 trở thành một yếu tố trong cuộc đua mở cửa biên giới, đón khách du lịch quốc tế của nhiều quốc gia. Ảnh: Gettyimage |
Bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) cho rằng, khi mở lại các hoạt động, cần tái định vị lại ngành du lịch theo những hướng sau. Trước tiên, yếu tố an toàn và điều tiên quyết phải thực hiện.Thứ hai, phải chú trọng thị trường du lịch nội địa, bởi đây là thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, có nhiều dư địa để khai thác. Thứ ba, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Cuối cùng là việc nâng cấp sản phẩm cần được đầu tư, chú trọng nhiều hơn đến trải nghiệm, thiên nhiên, cảnh đẹp.
“Ngoài ra, cần đầu tư nghiêm túc và không ngừng làm mới sản phẩm để thu hút du khách trở lại thêm nhiều lần nữa. Đơn cử, tại các Khu du lịch của Sun Group tại Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh,, Tây Ninh, Phú Quốc… mỗi năm đều có ít nhất một công trình hoặc sản phẩm mới để du khách cảm thấy luôn bị hấp dẫn.
Các điểm đến cần có những sản phẩm mới, giàu cảm xúc để nâng cao chất lượng và cung cấp cho khách hàng những dịch vụ xứng tầm, từ tâm, từ trái tim chạm đến trái tim”, bà Nguyện gợi ý.
Đối với thị trường quốc tế, theo bà Nguyện, ngành du lịch cũng cần định hướng lại các tập khách, dòng khách. Cần quan tâm đến những tập khách của mình để xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhu cầu, thị hiếu. Đặc biệt, cần bỏ cách làm theo hướng Việt Nam là điểm đến giá rẻ, hãy định hướng Việt Nam là điểm du lịch thân thiện và đang ngày càng hướng đến những trải nghiệm tốt cho du khách. Bởi, định hướng theo con đường giá rẻ sẽ không thể phát triển bền vững được.
Khi định vị lại ngành du lịch, cần nâng cao trải nghiệm cho du khách bằng sự liên kết. Ví dụ, tại mỗi điểm đến, chúng ta nên có sự liên kết theo hệ sinh thái của từng bên hoặc theo các bên với nhau. Bên cạnh đó còn có liên kết giữa hàng không với du lịch, khách sạn. Liên kết tại điểm đến của hệ thống ẩm thực, hệ thống khách sạn, hệ thống vui chơi,… để du khách có hành trình tốt nhất và thuận tiện nhất.
Để làm được những điều đó, cần có những kịch bản phục hồi của du lịch Việt Nam, góp phần tái định vị ngành kinh tế xanh.
Khả năng áp dụng “thẻ xanh Covid-19”
Hiện nay, nhu cầu đi du lịch sau đại dịch khi người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine là rất lớn và đây là dư địa tốt để ngành du lịch phục hồi. Trao đổi về khả năng áp dụng “thẻ xanh covid-19” để đón khách trong nước và quốc tế, ông Hoàng Nhân Chính thông tin, nghiên cứu gần đây dựa trên kết quả khảo sát khách du lịch cho thấy khách sẽ không muốn đến nếu họ phải thực hiện cách ly, do đó, ngành du lịch cần sẵn sàng có các tour không yêu cầu cách ly.
Du lịch trong nước cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân đi du lịch từ vùng xanh đến vùng xanh và sử dụng thẻ xanh Covid-19. Về du lịch quốc tế, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm đến xanh và có khả năng khống chế dịch sớm được mở cửa; lập danh sách các thị trường du lịch an toàn và công bố hàng tuần.
“Kế hoạch mở cửa cần phải được công bố công khai để các bên dễ dàng tiếp cận để tìm hiểu, đóng góp ý kiến và chuẩn bị thực hiện kế hoạch. Kế hoạch này cần được công bố bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Các thông tin được cập nhật thường xuyên hàng tuần hoặc vào thời điểm có diễn biến phức tạp của dịch Covid-19”, ông Chính nói.
Bên cạnh đó, ông Chính cho rằng Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, sớm áp dụng thẻ xanh theo lộ trình để người dân có thể: Tham dự các sự kiện ngoài trời hoặc trong nhà, như: lễ hội, thể thao, nhà hàng… trong nội vùng; Đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng, đi công tác, du lịch trong nước; Đi công tác hoặc du lịch nước ngoài theo thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước.
Thái Hoàng