Du lịch và hàng không là những ngành nghề được xem là "tâm bão" trong làn sóng dịch thứ tư. Là doanh nghiệp đang hoạt động trong cả 2 lĩnh vực trên, khó khăn dường như được nhân đôi với Vietravel. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings cho biết, khi việc kinh doanh phải dừng 100%, chúng tôi phải giải quyết nhiều vấn đề kéo theo, về nội tại, về tác động…
![]() |
Ảnh minh họa |
Dịch Covid-19 khiến dòng tiền của doanh nghiệp bị dừng đột ngột, trước đây mỗi ngày Vietravel đạt doanh thu bán hàng từ 1-1,5 triệu USD, tuy nhiên khi dịch bệnh xuất hiện, con số này trở về 0. Có thể nói ngành du lịch đang gặp tổn thất về cơ sở vật chất cực kỳ lớn. Covid-19 để lại di chứng là kéo ngành du lịch, hàng không quay lại cả chục năm và có thể sẽ rất khó để phục hồi. Đầu tiên là lực lượng lao động bị sứt mẻ, tiếp theo là cơ sở vật chất. Máy bay của doanh nghiệp nằm sân suốt 4 tháng, phải bảo trì, bảo dưỡng để có thể đảm bảo các điều kiện về an toàn mới có thể hoạt động lại được và các vấn đề này đều đòi hỏi chi phí rất lớn.
Đại diện Vietravel cho rằng, để có thể phục hồi hoàn toàn như trước dịch hiện là điều không thể, nên doanh nghiệp xác định thực hiện phương án sống chung với dịch. Để có thể quay lại “đường đua”, vấn đề rất lớn mà ngành du lịch phải giải quyết được là tâm lý khách hàng, đảm bảo an toàn cho du khách và đây là ưu tiên số một. “Trước đây ưu tiên là khuyến mãi, là doanh thu, là lợi nhuận, thì nay không còn là điều kiện hàng đầu nữa, mà là an toàn với trách nhiệm lớn nhất là doanh nghiệp và người làm du lịch. Để có thể trở lại, phải đánh giá và lên phương án rất kỹ những điều kiện an toàn phòng chống dịch, nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm cho khách hàng”, ông Kỳ khẳng định.
Trong khi đó, ngành bán lẻ lại vấp phải khó khăn khác. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết tại Việt Nam, thương mại hiện đại chỉ chiếm tỷ trọng từ 22-25%, việc phải "chia lửa" với các kênh truyền thống một khối lượng khách khổng lồ là điều vô cùng khó khăn khi chợ truyền thống ngưng hoạt động. Hơn thế, thời gian giãn cách vừa qua, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt...
Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết trong 9 tháng vừa qua, lần đầu tiên chỉ số CPI với ngành tiêu dùng và dịch vụ, du lịch âm tới gần 30%. Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa càng gặp nhiều khó khăn hơn. Để vượt qua giai đoạn này, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả những doanh nghiệp lớn như Saigon Co.op cũng phải thực hiện những biện pháp đổi mới mạnh mẽ.
Chính vì vậy, ông Đức cho rằng doanh nghiệp cần phải tìm kiếm, xây dựng những kế hoạch mới, phải khởi động lại và tái cơ cấu doanh nghiệp. Bên cạnh đó phải gắn bó doanh nghiệp của mình với đội ngũ lao động để vận hành tốt hơn sau cơn bão dịch… Ngoài ra, cấu trúc hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp bán lẻ cũng phải thay đổi, từ hình thức offline sang online. Đặc biệt, các doanh nghiệp bán lẻ cũng sẽ phải đi theo xu hướng điện toán hóa - số hóa…
Để doanh nghiệp có thể phục hồi, TS. Nguyễn Thanh Mỹ (Chủ tịch Rynan Technologies) cho rằng giai đoạn vừa qua là một bài học lớn cho doanh nghiệp trong việc ứng phó với những rủi ro bất ngờ. Doanh nghiệp cần phải kiên trì để theo dõi tình hình và sự thay đổi của chính sách để có thể bám sát quy trình, duy trì sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, phải có lộ trình điều chỉnh tốc độ và có kế hoạch lâu dài hơn, phải có chiến lược cho 5 năm, 10 năm. Đồng thời, doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư vào các công cụ giám sát rủi ro.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-can-manh-dan-xoay-chuyen-de-thich-nghi-120350.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.