![]() |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú: Mở rộng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng
Tính đến ngày 7/10, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 5,48%). Mức tăng trưởng tín dụng kể trên là con số tích cực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã diễn biến phức tạp trong nhiều tháng qua, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương… Điều này cho thấy, trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch thì vẫn có những doanh nghiệp phát triển, cần vốn và các nhu cầu vốn này vẫn được đáp ứng.
NHNN sẽ tiếp tục bám sát tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ… để tăng trưởng tín dụng phù hợp, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh lực sản suất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng nếu nền kinh tế cần vốn nhưng không đặt ra vấn đề giảm chất lượng, điều kiện tiếp cận tín dụng. Tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu, không chỉ trung, dài hạn mà ngay tại nợ xấu trước mắt. Qua kinh nghiệm điều hành thực tế cho thấy nếu hôm nay chúng ta đưa vốn ra dễ dãi thì sẽ phải trả giá đắt gấp nhiều lần trong tương lai.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà: Chỉ tiêu tín dụng là phù hợp, giúp nền kinh tế phục hồi sớm
![]() |
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ |
Ngay từ đầu năm NHNN cũng đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống là 12%. Tính đến tuần đầu tháng 10/2021, tín dụng tăng khoảng 7,42%, như vậy chúng ta vẫn còn dư địa trên 4,5% cho những tháng còn lại của năm 2021. Chúng tôi đánh giá, chỉ tiêu định hướng là phù hợp.
NHNN sẽ tiếp tục theo sát diễn biến lạm phát, tăng trưởng tín dụng để cần thiết có thể điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng khi cần thiết. Dư địa tín dụng cho Quý 4/2021 còn trên 4,5% là phù hợp cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay.
Năm 2022, dự báo sẽ có nhiều thách thức cho kiểm soát lạm phát khi kinh tế toàn cầu cũng hồi phục, chính sách tiền tệ các nước giảm nới lỏng và bắt đầu thu hẹp dần... Tuy nhiên trong điều hành, một mặt NHNN vẫn theo sát diễn biến vĩ mô và lạm phát nhưng mặt khác tiếp tục dùng các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, chỉ tiêu tín dụng tiếp tục được điều hành phù hợp để góp phần giúp nền kinh tế phục hồi sớm.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng: Không có vướng mắc trong triển khai Mobile Money
![]() |
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán |
Hiện, NHNN đã nhận được hồ sơ về Mobile Money của 3 đơn vị doanh nghiệp viễn thông. Theo quy chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan, NHNN đã gửi hồ sơ và nhận được đầy đủ ý kiến phản hồi từ các bên, các ý kiến đã được NHNN gửi đến doanh nghiệp viễn thông để hoàn thiện. Theo đánh giá của chúng tôi, đến thời điểm hiện nay không có vướng mắc gì lớn trong quá trình triển khai Mobile Money. Khi nhận được sự đồng thuận từ các Bộ, NHNN sẽ cấp phép triển khai Mobile Money cho các doanh nghiệp viễn thông.
Đặc biệt, một trong những mục tiêu quan trọng của Mobile Money là cung ứng dịch vụ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo... chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính. Tất cả các Bộ, ngành đều triển khai theo Quyết định 316/QĐ-TTg của Chính phủ, và NHNN cam kết tuân thủ các quy định về Mobile Money mà Thủ tướng đưa ra.
![]() |
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Các ngành kinh tế |
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh: Kiểm soát chặt tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro
Trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng tín dụng tăng ngay từ đầu năm.
Hiện tín dụng ở các lĩnh vực ưu tiên có tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp nông thôn tăng 8,54%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,05%... Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định kiểm soát chặt các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, riêng tốc độ tăng trưởng của tín dụng BOT, BT giảm so với cùng kỳ.
Về đề xuất dùng ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế theo tôi thời điểm này nên có thêm những gói hỗ trợ như gợi ý của Quốc hội để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Theo đó, để xây dựng cơ chế chính sách cần tính toán đến 2 mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Bởi lẽ, lạm phát là gốc của ổn định vĩ mô, không đạt mục tiêu này thì không những các mục tiêu khác không hoàn thành mà còn tác dụng ngược.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Khi có Nghị quyết chính thức, NHNN sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để triển khai. Chúng tôi hy vọng, gói hỗ trợ này sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ho-tro-von-cho-doanh-nghiep-nhung-van-phai-dam-bao-chat-luong-tin-dung-120335.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.