Tiếp tục nâng cao nội lực của hệ thống các TCTD
Riêng với cơ cấu lại hệ thống các TCTD, Chính phủ đặt mục tiêu: Nâng cao nội lực của hệ thống các TCTD trên cơ sở hoạt động minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, an toàn, hiệu quả, dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện với chi phí phù hợp.
Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, hỗ trợ tiến trình cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu một cách thực chất; nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các TCTD, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và hệ thống thanh toán, đa dạng hóa và nâng cao tiện ích các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dựa trên công nghệ hiện đại; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hệ thống các TCTD; phát triển hệ thống các TCTD theo hướng các TCTD trong nước đóng vai trò chủ lực, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
![]() |
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ tư |
Đồng thời, tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các TCTD yếu kém để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống; hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch, đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật và tiệm cận với thông lệ quốc tế; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu (đặc biệt nợ xấu lĩnh vực bất động sản) của các TCTD nhằm tạo điều kiện cho TCTD lành mạnh hóa tình hình hoạt động, nâng cao chất lượng tín dụng, năng lực tài chính và bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD ở dưới mức 3%.
Ngoài ra, tiếp tục nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng kinh tế xanh.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm giữ an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống, tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới.
Cụ thể, Chính phủ sẽ xây dựng tiêu chí phân loại, xếp hạng các TCTD và hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát thích hợp đối với từng loại; nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, bao gồm: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, trong đó nghiên cứu trình Quốc hội ban hành một luật riêng quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, khả thi để xử lý có hiệu quả các tồn tại, khó khăn, vướng mắc khi TCTD xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ, theo hướng luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42); thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đối với các TCTD; thực hiện các giải pháp về nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của VAMC; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và cơ quan liên quan trong việc xử lý nợ xấu của các TCTD; kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại nâng cao sức cạnh tranh của ngành ngân hàng: Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ hiện đại của Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, nâng cao trải nghiệm, mang lại tiện ích cho người sử dụng; tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các TCTD cung ứng; tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Đặc biệt, Chính phủ cũng theo đuổi các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các TCTD; tăng cường năng lực tài chính và chất lượng tín dụng của các TCTD, đặc biệt là các ngân hàng thương mại; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; chuyển dịch cơ cấu tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, chuyển nhanh và mạnh từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro, gắn kết chặt chẽ với giám sát trên cơ sở rủi ro; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô trên cơ sở triển khai các công cụ, phương pháp giám sát rủi ro mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao khả năng cảnh báo sớm, can thiệp sớm của NHNN đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành ngân hàng.
Phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu về vốn cho các thành viên quỹ tín dụng nhân dân, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, góp phần cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và địa bàn có nhiều khó khăn.
Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng...
Mục tiêu hàng đầu là giữ vững ổn định và củng cố nền tảng vĩ mô
Trước đó, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025, Chính phủ cho biết: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế nhằm tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh...
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Kế hoạch này còn phải đạt mục tiêu giữ vững ổn định và củng cố nền tảng vĩ mô, tạo dư địa chính sách và cơ chế điều chỉnh linh hoạt để ứng phó hiệu quả với những những biến động trong và ngoài nước. Đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và năng suất cao. Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.
Thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2021-2025, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và nhiều đại biểu tán thành với kế hoạch và cho rằng, kết quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế dù còn những hạn chế nhất định nhưng đã mang lại nhiều yếu tố tích cực cho nền kinh tế. Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ rà soát, cập nhật tác động của đại dịch Covid-19 để làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ đó có giải pháp đột phá để giải quyết các vướng mắc các hạn chế hiện nay và các vấn đề mới phát sinh.
"Nền kinh tế có phục hồi không phụ thuộc vào cách chống dịch có hiệu quả hay không. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tất cả các Quốc gia đều không tránh khỏi suy giảm kinh tế, cái khác là cách lựa chọn chính sách tương ứng trong ứng phó với dịch bệnh để phục hồi kinh tế. Thời gian tới, các nước chạy đua nước rút để phát triển và tung ra các gói gỗ trợ kích thích kinh tế. Điều này dự báo sẽ có khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng lạm phát mới. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp để đối phó và tận dụng xu hướng này", Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu đồng thời đề nghị Chính phủ cần ưu tiên tập trung cơ cấu lại nền kinh tế trong từng giai đoạn, đảm bảo gắn nguồn lực, cải thiện công tác dự báo gắn với các giải pháp chống dịch. Cần có giải pháp đột phá để tái cơ cấu DNNN, tập trung giải pháp xuyên suốt cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy công nghệ, thu hút vốn đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng.
Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thì đề nghị Chính phủ cần bổ sung nội dung huy động, phân bổ nguồn lực trong nước, trong nhân dân. Bà cho rằng, tín dụng vẫn còn dư địa, giải pháp hiện nay là làm thế nào để huy động được nguồn lực để kết hợp với huy động nguồn lực nước ngoài, tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá cao kết quả tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng tái cơ cấu đạt 17/22 chỉ tiêu là khá toàn diện và có nhiều dấu ấn nổi bật. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, Chính phủ cần tập trung phát triển các loại thị trường, nhất là thị trường vốn và thị trường khoa học công nghệ. Bên cạnh, Kế hoạch này cũng cần tính đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vốn đang gặp nhiều trở ngại, đầu tư công giải ngân rất chậm, có tiền mà không thể tiêu...
Đồng tình với các giải pháp của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Kế hoạch tái cơ cấu cần gắn với chương trình phục hồi tổng thể và gắn với tính tự chủ của nền kinh tế.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/co-cau-lai-nen-kinh-te-la-nhiem-vu-trong-tam-xuyen-suot-120332.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.