Thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao báo động

Báo cáo tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 12/10 cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III/2021 là 49,1 triệu người, giảm 2,0 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm 1,4 triệu) và ở nữ giới (giảm 1,1 triệu người).

So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm gần 2,3 triệu người) và lực lượng lao động nam (giảm hơn 1,2 triệu người).

“Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm lực lượng lao động ở mức thấp nhất kể từ khi dịch xuất hiện”, Tổng cục Thống kê lưu ý.

that nghiep va thieu viec lam tang cao bao dong
Tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua - Ảnh: ST
Lao động thiếu việc làm cao nhất trong 10 năm

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III/2021 là 65,6%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 59,4%, thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với nam (72,2%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 62,8%, khu vực nông thôn là 67,4%.

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như thường thấy trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này.

Trong quý III/2021, số lao động có việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 468,9 nghìn người so với quý trước và giảm 657,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông lâm nghiệp thủy sản là 18,0 triệu người, giảm 2,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III/2021 là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý III/2021 là 4,46%, tăng 1,86 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%).

Ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Quý III/2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề nhất với mức thu nhập bình quân tháng là 6,2 triệu đồng, giảm 1,0 triệu đồng, tương ứng giảm 14,3% so với quý trước; lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân là 5,8 triệu đồng, giảm 906 nghìn đồng, tương ứng giảm 13,5% so với quý trước.

Những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động tới khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là khu vực có nhiều yếu tố khởi sắc và ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định về thu nhập bình quân người lao động tương trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đến quý III/2021 thu nhập bình quân của người lao động chỉ là 3,4 triệu đồng, giảm 340 nghìn đồng, tương ứng giảm 9,2% so với quý trước.

Thu nhập bình quân của người lao động trong một số ngành kinh tế vốn đã chịu tác động từ các đợt dịch Covid-19 lần trước, quý III/2021 tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn với mức thu nhập bình quân giảm sâu so với quý trước. Trong đó, lao động ngành vận tải, kho bãi có thu nhập bình quân giảm 20,3%, tương ứng giảm 1,6 triệu đồng; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có thu nhập bình quân giảm 21,2%, tương ứng giảm 1,2 triệu đồng so với quý trước.

Thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương quý III/2021 là 6,0 triệu đồng, giảm 795 nghìn đồng so với quý trước và giảm 525 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, người lao động tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn với mức thu nhập bình quân giảm sâu, giảm 2,6 triệu đồng (giảm tương ứng 31,0%) so với quý trước và giảm 2,5 triệu đồng (giảm tương ứng 30,3%) so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động TP Hồ Chí Minh chỉ là 5,8 triệu đồng, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

So với lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh, lao động ở Hà Nội chịu tác động nhẹ hơn rất nhiều. Mức thu nhập bình quân của người lao động Thủ đô là 7,0 triệu đồng/người, giảm khoảng 1,0 triệu/người, (giảm tương ứng 12,5%) so với quý trước và giảm 342 nghìn đồng, giảm tương ứng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn 1,7 triệu người thất nghiệp

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp quý III/2021 vượt xa con số 2% như thường thấy. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,60 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi trong quý III/2021 là 8,89%, tăng 1,42 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,75 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới thị trường lao động, tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tuyến mới đây, PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đề xuất một số nhóm giải pháp liên quan đến lao động và an sinh xã hội.

Thứ nhất, Chính phủ cần yêu cầu các địa phương khi thành lập Tổ tư vấn phục hồi kinh tế hoặc Tổ chống đại dịch thì phải có sự tham gia đại diện của các doanh nghiệp chủ chốt trên địa bàn để có thể có thông tin chính xác, kịp thời về các hoạt động/khả năng đáp ứng của doanh nghiệp để từ đó điều chỉnh chính sách kịp thời với tình hình thực tế.

Thứ hai, xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài.

Thứ ba, cần xem xét tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội vì phạm vi hỗ trợ trong gói thứ hai không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội (mà chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em).

Thứ tư, việc xác định lao động tự do bị mất việc là đối tượng hỗ trợ là hết sức đúng đắn. Ngoài việc tăng cường rà soát ở địa phương thì cần tăng cường sử dụng mã số định danh cá nhân (qua thẻ căn cước công dân) để người dân tự đăng ký nhận gói an sinh qua các ứng dụng công nghệ phổ biến để vừa xác định đúng đối tượng, vừa thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả.

Thứ năm, các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đã được mở rộng (như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh…) và rất thiết thực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang phải chịu nhiều chi phí cho việc vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất cũng như chống nguy cơ thiếu hụt lao động sau khi đại dịch được kiểm soát (vì người lao động có thể di chuyển đi nơi khác, tìm kiếm công việc khác).

Thứ sáu, tăng cường việc chăm lo sức khỏe tinh thần và theo dõi sức khỏe thể chất cho người lao động.

Thứ bảy, sử dụng quyền mà Quốc hội trao cho Chính phủ trong xử lý tình trạng khẩn cấp để tạm thời sử dụng các quỹ an sinh xã hội đang kết dư (như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ khám, chữa bệnh…) để hỗ trợ các đối tượng cần. Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan (đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam) triển khai các chính sách tới đúng đối tượng và đủ mức hỗ trợ.

9 tháng năm 2021, tình hình lao động việc làm khá ảm đạm với nhiều chỉ số đáng báo động: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 9 tháng năm 2021 đạt 50,4 triệu người, giảm 250 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; Thiếu việc làm trong độ tuổi 9 tháng năm 2021 là hơn 1,3 triệu người, tăng 187,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2021 là 49,0 triệu người, giảm 388,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,9 triệu đồng, gần như tương đương so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 34 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019; Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong 9 tháng năm 2021 là hơn 1,3 triệu người, tăng 126,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/that-nghiep-va-thieu-viec-lam-tang-cao-bao-dong-120319.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.