![]() | “Đánh thức” các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp (Kỳ 1) |
Kỳ 2: Củng cố điểm tựa cho doanh nghiệp
Đã đến lúc phải cơ cấu lại
Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có những buổi gặp mặt trực tiếp, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước, trọng tâm là bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bên cạnh duy trì các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như giãn, hoãn, miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, chi phí cho người lao động ngừng việc… Chính phủ cũng lưu ý tới việc có giải pháp hỗ trợ vốn cho DNNVV thông qua Quỹ Phát triển DNNVV để tạo điều kiện cho đối tượng doanh nghiệp này tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
Có thể nói, vai trò của các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, trong đó có Quỹ Phát triển DNNVV nói riêng rất quan trọng, là điểm tựa cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn. Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, vai trò của các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp cần phải được bật lên sau đại dịch Covid-19. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để thổi một luồng sinh khí mới cho các quỹ hỗ trợ này; có giải pháp then chốt để hiệu quả từ các quỹ mang lại phải được phát huy tối đa, không cầm chừng và khiêm tốn như thực tế diễn ra lâu nay.
![]() |
Các quỹ hỗ trợ phát huy đúng vai trò của mình sẽ là một điểm tựa cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn |
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, chưa nên bàn tới việc thành lập hay xây dựng một quỹ mới, vì thực tế số lượng quỹ hiện nay đã là quá lớn rồi. Cốt yếu chúng ta phải xem xét có thể tái cơ cấu lại các quỹ này sao cho hợp lý nhất. Trường hợp tập hợp nhiều quỹ thành một quỹ chung lớn thì phải đưa ra những tiêu chuẩn, điều kiện chung, đưa ra tiêu chí công bằng, thẩm định chỉ tiêu, yêu cầu cấp vốn là đúng đắn để thuyết phục các quỹ đồng ý sáp nhập tự nguyện, hỗ trợ phải ra tấm ra món thì mới có hiệu quả và có ích lợi thực tế cho các doanh nghiệp.
Chung quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những quỹ nào hoạt động không hiệu quả nên mạnh dạn loại bỏ, tổ chức lại những quỹ có quy mô nhỏ, tập hợp lại như hình thức một Hiệp hội các quỹ, có quy định chung. Cho rằng Quỹ phát triển DNNVV (SMEDF) với cơ quan chủ quản là Bộ Kế hoạch - Đầu tư là một trong những giải pháp hiệu quả, song theo ông Hiếu, quỹ cũng nên chuyển đổi mô hình hoạt động chủ yếu từ cho vay gián tiếp sang cho vay trực tiếp thì hiệu quả mang lại sẽ rõ nét hơn. Bên cạnh đó, cần tập trung rót vốn nhiều hơn cho quỹ này, vì với nguồn lực mỏng như hiện nay thì rất khó để hỗ trợ rộng rãi cho các DNNVV.
Việc cơ cấu để có đội ngũ nhân viên có năng lực, kinh nghiệm trong hoạt động cho vay; nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; bồi dưỡng bộ phận kinh doanh; gia tăng quản lý rủi ro… đều là những công việc mà giới chuyên gia cho rằng phải tập trung thực hiện để củng cố cơ cấu tổ chức và hoạt động của các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nói chung.
Chiến lược ngắn hạn và dài hơi
Rõ ràng là cần thiết phải nâng cao hơn nữa vai trò của các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường như hiện tại. Tuy nhiên theo các chuyên gia, để làm được điều đó cần phải có giải pháp ngắn, trung và dài hạn.
Với giải pháp ngắn hạn, TS. Châu Đình Linh cho rằng nên chọn lọc ngay những quỹ nào đang hoạt động hiệu quả để tiến hành các chương trình hỗ trợ DNNVV bị tổn thương bởi đại dịch, hướng tới phục hồi sản xuất. Việc thực hiện ra sao, lộ trình xét duyệt thế nào… quỹ hỗ trợ này phải có những cam kết giải quyết trong vòng bao lâu để kịp thời cung cấp vốn cho doanh nghiệp. Nguồn vốn này đảm bảo lãi suất thấp, có kỳ hạn cơ cấu phù hợp, hướng tới hỗ trợ DNNVV nói chung và doanh nghiệp siêu nhỏ nói riêng.
Trong trung hạn, việc cơ cấu lại hoạt động của các quỹ phải gắn với tái lập lại quy trình cho vay, quy trình hỗ trợ, xem xét lại mục tiêu hoạt động của quỹ, khoanh vùng những đối tượng hỗ trợ lại… Theo đó, những quỹ nào có thế mạnh liên quan đến một đối tượng hỗ trợ từ trước tới nay thì tập trung đẩy mạnh hỗ trợ đối tượng đó…
Còn về dài hạn cần phải tính tới việc hợp nhất các quỹ này lại. Bởi khi có quy mô lớn thì rất có lợi thế, lợi thế về chi phí hoạt động cũng như phạm vi hỗ trợ, nguồn lực phục vụ khách hàng, từ đó vốn sẽ lưu thông tốt hơn. Nếu manh mún nhỏ lẻ thì doanh nghiệp lúc khó khăn cũng không biết phải tìm đến đâu.
Đề xuất mô hình hoạt động giống như một công ty quản lý quỹ, TS. Linh cho biết, một công ty quản lý lớn sẽ có nhiều quỹ nhỏ bên trong, những quỹ nhỏ này đích đến vẫn là hỗ trợ DNNVV, nhưng sẽ phân loại theo lĩnh vực như DNNVV hướng tới đổi mới sáng tạo, DNNVV hướng tới sản xuất công nghiệp phụ trợ, hay sản xuất liên quan ngành nghề dịch vụ như ăn uống, nhà hàng, khách sạn…
“Công ty quản lý quỹ này hướng tới mục tiêu là hỗ trợ và thúc đẩy phát triển DNNVV tại Việt Nam, có tiêu chí hoạt động, quy định về nguồn sinh lợi của quỹ, danh mục sản phẩm, dịch vụ mà quỹ này cung cấp, danh sách quỹ bên trong… như vậy sẽ hiệu quả hơn so với việc chúng ta có quá nhiều quỹ khác nhau”, TS. Châu Đình Linh cho biết.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần sớm hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê về DNNVV, xếp hạng tín dụng của những doanh nghiệp này để nâng cao tính minh bạch, giúp cho các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp bớt e dè khi đưa ra quyết định cho vay hay bảo lãnh vay vốn tại các TCTD.
Bản thân các quỹ cũng cần phải tự cơ cấu lại, củng cố nguồn nhân lực, vật lực và nâng cao chất lượng hoạt động. Đặc biệt “quỹ hỗ trợ doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là nguồn vốn, mà đi cùng với đó là hỗ trợ về giải pháp, các chương trình đào tạo, là nhịp cầu nối để hình thành mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, tạo cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh ra các thị trường mới…”, một chuyên gia nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Phát huy vai trò Quỹ bảo lãnh tín dụng
Tôi cho rằng đề xuất lập Quỹ bảo lãnh cho vay DNNVV với mức vốn 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo là khó khả thi. Vì theo Luật Quản lý nợ công, Chính phủ không được bảo lãnh nợ doanh nghiệp nữa. Theo tôi, thay vì lập quỹ mới, cần vực dậy và phát huy vai trò của các Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV ở các địa phương. Các quỹ này cần sẵn sàng đứng ra bảo lãnh DNNVV vay vốn như một số quốc gia vẫn làm. Để các quỹ bảo lãnh tín dụng này sớm phát huy đúng vai trò của mình, Chính phủ nên chỉ đạo địa phương tăng nguồn lực tài chính cho các quỹ. Đồng thời sửa đổi cơ chế vướng mắc như: quy định phải có tài sản đảm bảo, bảo toàn vốn... Từ đó mới có thể tạo động lực cho quỹ mạnh dạn bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV. Song song với việc này, để gỡ khó cho doanh nghiệp, theo tôi nên xem xét triển khai gói hỗ trợ lãi suất với các điều kiện cụ thể. Đơn cử, có cơ chế cho phép cho vay đối với cả doanh nghiệp không thể chứng minh khả năng tài chính của mình có thể do bị thua lỗ, có thể thiếu tài sản đảm bảo, nhưng có triển vọng phục hồi. Đây là điểm khác biệt lớn so với gói hỗ trợ năm 2009 vì khi đó Luật Các TCTD cũ chưa quy định cụ thể điểm này. Một số điều kiện khác cần xem xét để đảm bảo gói hỗ trợ lãi suất triển khai thành công, đó là tiền hỗ trợ từ ngân sách phải xác định rõ lấy từ đâu, nguồn nào; thời hạn hỗ trợ tối đa một năm vì ngân sách cũng có hạn và cũng phù hợp với dự báo dịch Covid-19 có thể cơ bản được kiểm soát trong năm nay khi tỷ lệ người dân được tiêm chủng ngừa Covid cao… Nếu không triển khai gói hỗ trợ lãi suất như thế này thì chỉ có hai cách. Một là các TCTD tiếp tục giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, kể cả DNNVV. Song cách này sẽ khó vì các TCTD không thể giảm lãi suất mãi được vì các TCTD cũng là doanh nghiệp, cũng đang gặp nhiều khó khăn như nợ xấu đang tăng, đặc biệt các TCTD không thể cho vay nếu doanh nghiệp bị thua lỗ, thiếu tài sản đảm bảo như quy định tại Luật Các TCTD. Cách thứ hai là giải pháp bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên như trao đổi ở trên, giải pháp này chưa thể thực hiện được ngay do mất thời gian để vực dậy các quỹ bảo lãnh này. Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam: Cần tái cơ cấu Quỹ Phát triển DNNVV
Quỹ Phát triển DNNVV được thành lập theo Luật Hỗ trợ DNNVV để thực hiện cho vay, tài trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV. Nhưng phải thừa nhận là đến nay hiệu quả triển khai chưa đạt được như kỳ vọng. Chỉ cần nhìn vào doanh số hoạt động, số lượng hỗ trợ không được nhiều, nên quỹ này chưa chứng minh được vai trò của mình trong việc thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, không tạo ra được sức lan toả, kết quả đủ lớn để xác định được vị thế của nó. Trong khi đó thì nhu cầu của doanh nghiệp luôn cần và rất lớn. Theo tôi, nếu giữ mô hình hoạt động của quỹ như hiện nay là không phù hợp bởi quy mô vốn thì nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, nội dung hoạt động, quyền hoạt động trong lĩnh vực cũng nhỏ. Với toàn bộ chức năng đó không cần thiết phải có một đơn vị nhà nước chủ quản, mà hoàn toàn có thể giao về cho một ngân hàng khác, ví dụ như Ngân hàng Phát triển thực hiện. Còn nếu vẫn muốn duy trì thì tư duy và mô hình của Quỹ Phát triển DNNVV phải thay đổi. Nếu muốn Quỹ phát triển DNNVV hoạt động theo đúng ý nghĩa của Luật Hỗ trợ DNNVV, chuyên biệt phục vụ cho DNNVV, cần phải mở rộng ra bằng nhiều hình thức: tăng quy mô vốn bằng vốn ngân sách, hoặc cho các quỹ một cơ chế để theo cơ chế thị trường nhằm huy động các nguồn vốn khác. Các quỹ này sẽ hoạt động như một doanh nghiệp để phù hợp với cơ chế thị trường, tăng cường khả năng huy động vốn, tăng trách nhiệm của họ cũng như những quyền liên quan đến nội bộ, chất lượng hoạt động cán bộ… Phải áp dụng theo nguyên tắc đó thì mới phát triển được. Theo quan điểm của tôi nên giữ lại quỹ này, tái đầu tư, cơ cấu lại để phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi đây là quỹ chuyên biệt cho DNNVV, thiết kế phù hợp với bối cảnh, điều kiện cụ thể của DNNVV tại Việt Nam. Nếu đưa ra một quy định hỗ trợ không phù hợp với đối tượng được nhận hỗ trợ thì dù có “hay” đến mấy cũng chỉ là trên giấy, không triển khai được. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/danh-thuc-cac-quy-ho-tro-doanh-nghiep-ky-2-120260.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.