Kết nối cung cầu để thúc đẩy tăng trưởng

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nên tận dụng kênh thương mại điện tử để tiêu thụ hàng hóa trong kỷ nguyên CMCN 4.0, trong khi hiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Ngày 5/10, Bộ Công thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội nghị “Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp theo, việc kết hợp thương mại điện tử (TMĐT) và kênh phân phối truyền thống sẽ là những giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, phát triển kinh tế...

Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại nhiều địa phương bị đình trệ; lưu thông hàng hóa bị ách tắc càng chất thêm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. Trong bối cảnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, thời gian qua bộ đã tập trung chủ động triển khai rất quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất cũng như lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa bền vững, hiệu quả.

ket noi cung cau de thuc day tang truong
Tiêu thụ nông sản qua kênh TMĐT đã đạt được nhiều kết quả tích cực

Nhấn mạnh lưu thông là huyết mạch của nền kinh tế, không giải được bài toán về lưu thông thì không thể phát triển kinh tế đất nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cũng thông tin, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Bộ Công thương đã khẩn trương vào cuộc, vừa trực tiếp tham gia các Tổ công tác tiền phương, thực địa tại các vùng dịch, vừa tổ chức nhiều cuộc họp, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để đẩy mạnh kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hỗ trợ nông dân, cung ứng đầy đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống…

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng chia sẻ, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở cả hai chiều cung cầu. Ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, bên cạnh vấn đề suy giảm tổng cầu, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung, bao gồm cả đầu vào nguyên liệu thô và nhân công không đủ đáp ứng. Một số ngành công nghiệp chế biến chịu tác động mạnh như ngành dệt may, da giày do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, cầu vào giảm mạnh và xuất khẩu giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là xuất khẩu tới các thị trường truyền thống như Mỹ, EU… Dịch bệnh cũng đã làm ảnh hưởng đến vận tải toàn cầu, đẩy chi phí vận tải biển tăng cao kỷ lục, gây ra hiện tượng mất cân bằng vỏ container và hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại các cảng biển…

“Sự lây lan của Covid-19 đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro. Covid-19 là phép thử mạnh với sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hải, mô hình phòng chống dịch Covid-19 hiện nay của chúng ta đang chuyển dần theo hướng sống chung an toàn dịch bệnh. Trọng tâm của công tác chống dịch bắt đầu chuyển cho các chủ thể khác là các khu công nghiệp và các doanh nghiệp. Vì vậy các doanh nghiệp nên có một chiến lược kinh doanh phù hợp và thích ứng.

Đặc biệt theo các chuyên gia, doanh nghiệp nên tận dụng kênh TMĐT để tiêu thụ hàng hóa trong kỷ nguyên CMCN 4.0, trong khi hiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (TMĐT) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, các chương trình do Cục TMĐT chủ trì nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng TMĐT đã hỗ trợ đắc lực việc vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa phòng chống dịch bệnh.

“Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại là TMĐT và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, bà Huyền nhấn mạnh.

Đặc biệt đối với việc mặt hàng nông sản, thời gian qua việc đưa nông sản hàng hóa lên các sàn TMĐT đã thu được nhiều kết quả hết sức tích cực. Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng, phát triển, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và có giá trị gia tăng cao cho nông sản hàng hóa. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, cục đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương cả nước tiêu thụ sản phẩm địa phương nói chung, nông sản tới vụ nói riêng qua việc phương thức phân phối kết hợp online - offline...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, ông Hoàng Minh Chiến cho biết, nhóm giải pháp ngắn hạn sẽ tập trung vào: Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; Hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh TMĐT. Theo đó, cục dự kiến sẽ tổ chức 60 phiên tư vấn về các thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu, mục tiêu hỗ trợ tối thiểu 600 lượt doanh nghiệp, HTX tiếp cận thông tin; Tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo từng khu vực/theo nhóm ngành hàng (trực tiếp kết hợp trực tuyến); Quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế…

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ket-noi-cung-cau-de-thuc-day-tang-truong-120083.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.