Doanh nghiệp bán lẻ chủ động xây dựng kịch bản tiêu thụ hàng hóa

Mặc dù trong giai đoạn dịch bệnh, các doanh nghiệp bán lẻ luôn sẵn sàng đồng hành cùng các nhà sản xuất, nhà cung cấp trong việc cung ứng hàng hóa vào hệ thống phân phối, phục vụ đời sống người dân.

Ngày 5/10/2021, Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Cung cầu thiếu kết nối, chuỗi cung ứng tiêu thụ xuất khẩu bị gián đoạn đứt gẫy do thiếu lao động thu hoạch, chế biến sản xuất.

doanh nghiep ban le chu dong xay dung kich ban tieu thu hang hoa

Theo Bộ Công Thương, do tác động của dịch bệnh COVID-19, doanh thu các ngành du lịch, dịch vụ ăn uống đều giảm mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu. 9 tháng năm nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời gian qua, Bộ Công Thương tập trung chủ động triển khai rất quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ hoạt động lưu thông tiêu thụ sản phẩm hàng hóa bền vững, hiệu quả hơn. Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa về mặt cơ chế trong phạm vi chức năng thẩm quyền của mình để hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước và xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng, nhất là mặt hàng nông sản của các địa phương.

Ông Khúc Tiêu Hà - Giám đốc Vận hành miền Bắc chuỗi siêu thị VinMart đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt và hết sức hiệu quả của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công Thương, chính quyền các tỉnh, thành phố có tình hình dịch bệnh phức tạp kéo dài đã nhanh chóng được kiểm soát, qua đó đẩy nhanh tiến trình phục hồi nền kinh tế, đưa thành phố về trạng thái “bình thường mới”.

Với những hành động cả trong khâu hỗ trợ xúc tiến giao thương, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cũng như giải quyết triệt để được vấn đề y tế, an sinh xã hội tại thời điểm dịch bệnh, các tỉnh, thành phố hiện tại đã kích hoạt lại dần các hoạt động kinh doanh với thành tích đáng ghi nhận trong việc đưa nền kinh tế sớm khôi phục trong giai đoạn “bình thường mới”.

“Điều này đã tạo niềm tin rất lớn đối với không chỉ người dân mà còn là động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp bắt tay vào công cuộc hợp tác giao thương kết nối cung cầu, tạo ra liên kết chuỗi giá trị, hướng tới phát triển bền vững”, ông Khúc Tiêu Hà chia sẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thùy Linh - Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư, Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho hay, mặc dù trong giai đoạn dịch bệnh, hệ thống siêu thị Big C, Go!, Top Markets luôn sẵn sàng đồng hành cùng các nhà sản xuất, hợp tác xã, nhà cung cấp trong việc hỗ trợ cung ứng hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, cũng như chủ động tham gia các chương trình kích cầu tiêu dùng của chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Trong suốt thời gian qua, kể cả lúc cao điểm về khó khăn vận chuyển, chúng tôi vẫn luôn duy trì được sự đầy đủ và đa dạng của hàng hóa với 90% tỷ lệ hàng việt trên cơ cấu hàng hóa”, bà Phạm Thùy Linh chia sẻ.

Theo bà Phạm Thùy Linh, Central Retail đã luôn chú trọng đến việc duy trì ổn định giá cả và chương trình khuyến mại. Một trong những điểm mạnh của hệ thống bán lẻ của Central Retail là việc thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại một cách rộng rãi kích thích nhu cầu mua sắm của người dùng và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm để đa dạng hóa và tạo thói quen mới cho khách hàng khi tham gia mua sắm trực tiếp và trực tuyến.

Dịch bệnh đã phần nào thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng, Central Retail đã nhanh chóng thay đổi, tăng cường cho kênh bán hàng trực tuyến và đa kênh (omni channel), tuân thủ an toàn phòng dịch tại các trung tâm thương mại, siêu thị mà vẫn đảm bảo doanh thu cho các cửa hàng.

“Chúng tôi thực hiện song song bán hàng trên các siêu thị trực tiếp và trên nền tảng thương mại điện tử: thông qua các kênh của chính hệ thống siêu thị của tập đoàn như: App GO! và Big C; zalo; fanpage Big C/Go/ Top Markets và qua kênh đối tác giao hàng như Tiki, GrabMart, NowFresh”, bà Phạm Thùy Linh cho biết.

Để kịp thời tiêu thụ hàng hóa, Central Retail đã duy trì kết nối trực tiếp với các địa phương, thậm chí cả tâm dịch như Hải Dương, Bắc Giang... để thực hiện các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản qua đó góp phần gìn giữ giá trị đích thực và nâng tầm cho các thương hiệu Việt.

Central Retail tăng cường dự trữ các mặt hàng thiết yếu, sẵn sàng với các nhu cầu tăng đột biến trong ngắn hạn. Đặc biệt trong bối cảnh mở cửa lại nền kinh tế sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, giúp bình ổn thị trường để người dân yên tâm khi mua sắm.

Còn theo ông Khúc Tiêu Hà, trong suốt thời gian phòng chống đại dịch COVID-19 vừa qua, WinCommerce tích cực thu mua và hỗ trợ tiêu thụ một lượng lớn hàng nông sản, trái cây địa phương như Vải Thanh Hà, Vải Lục Ngạn, Nhãn lồng Hưng Yên.

Bên cạnh đó, nhanh chóng bổ sung các kịch bản vận hành, kinh doanh như chuyển bán hàng từ offline sang online để phục vụ người dân thuận tiện, tiếp cận tới các khu cách ly để đưa thực phẩm thiết yếu cho người dân. Liên tục tổ chức các tuần lễ nông sản, đặc sản, hàng hóa của các địa phương trên cả nước.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-ban-le-chu-dong-xay-dung-kich-ban-tieu-thu-hang-hoa-120069.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.