Cá nhân làm từ thiện: Làm sao để tránh thị phi?
08:33 | 04/10/2021
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, có 3 yếu tố quan trọng để làm từ thiện hiệu quả, đó là: Đạo đức, pháp luật và phương pháp tốt.
Dư luận những ngày vừa qua xôn xao quanh chuyện các nghệ sĩ, người nổi tiếng kêu gọi từ thiện với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Áp lực từ cộng đồng khiến nhiều nghệ sĩ đã làm việc với ngân hàng để thực hiện sao kê. Vậy nên làm thiện nguyện thế nào để tránh thị phi? Làm sao để không vi phạm luật pháp?
![]() |
Làm thiện nguyện thế nào để tránh thị phi là câu hỏi cần có lời giải thấu đáo và thỏa đáng |
Tại cuộc tọa đàm “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?” vừa được tổ chức tại Hà Nội, TS luật Lưu Bình Nhưỡng (đại biểu Quốc hội khóa XIV) cho biết, chúng ta cũng đã có các quy định liên quan đến việc làm từ thiện, như Nghị định 64. Nghị định này cho phép các tổ chức, đơn vị kêu gọi vận động cứu trợ bao gồm MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Trung ương và địa phương, các quỹ xã hội từ thiện và các cơ quan thông tin đại chúng bao gồm báo, đài truyền thanh, truyền hình... Nghị định cũng quy định về cơ quan tiếp nhận bao gồm MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Trung ương và địa phương và các đơn vị, tổ chức được MTTQ cho phép đứng ra tiếp nhận. Như vậy theo quy định không có một tổ chức cá nhân nào khác ngoài quy định này được kêu gọi từ thiện. Ngoài ra, còn một nghị định rất quan trọng nữa là Nghị định 93 quy định về quỹ xã hội từ thiện, theo đó các tổ chức có thể được vận động các quỹ từ thiện xã hội. “Ở đây, nhìn lại các quy định đã đưa ra trong Nghị định 64, có thể thấy rõ việc cá nhân thành lập quỹ từ thiện đã là không đúng pháp luật rồi, chưa bàn đến việc có trục lợi hay không. Lòng tốt nếu thiếu lý trí sẽ trở nên nguy hiểm”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo TS luật Lưu Bình Nhưỡng, không nên cấm cá nhân làm từ thiện, nhưng quan trọng là cần phải có cơ chế pháp lý để kiểm soát việc làm đó. Bên cạnh đó, phải quy định những người đủ năng lực để làm và làm theo cách nào, chứ không để cho người ta tự mò mẫm. Phải xã hội hóa để toàn xã hội được làm từ thiện. Đặc biệt, phải có cơ sở pháp lý để xử lý, để những người làm từ thiện bám vào đó thực hiện, chứ không phải thích làm kiểu gì thì làm. Như vậy để tránh tình trạng trục lợi. Còn cũng không nên cấm cá nhân làm từ thiện.
Trong khi đó, MC Phan Anh cho rằng: “Cá nhân đứng lên kêu gọi từ thiện là những việc pháp luật không cấm, được pháp luật khuyến khích, chỉ có điều làm thế nào cho đúng thôi. Nếu làm không đúng, vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm về những điều vi phạm”.
MC Phan Anh ủng hộ tuyệt đối việc minh bạch trong làm từ thiện. Theo anh, minh bạch không chỉ bảo vệ mình mà bảo vệ niềm tin của mọi người, rằng điều tử tế trong xã hội này vẫn tồn tại. “Chuyện minh bạch, sao kê là chuyện đương nhiên”, Phan Anh khẳng định và cho biết, anh đã sao kê tất cả những sự ủng hộ của người hâm mộ chuyển vào tài khoản của anh hồi năm 2016 và đã lập 1 website để lưu trữ. “Điều này một phần để bảo vệ mình và để mọi người muốn tìm hiểu thì hãy tìm hiểu”, MC Phan Anh nói.
Tuy nhiên, theo Đại tá, TS, luật sư Lê Ngọc Khánh - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, “sao kê” là chưa đủ đảm bảo sự minh bạch. “Sao kê ngân hàng thì tiền vào ngân hàng và tiền ra ngân hàng. Nhưng khi đã ra khỏi ngân hàng rồi thì làm sao có thể kiểm soát được. Ví dụ một cá nhân vận động quyên góp được 100 tỷ đồng, rút ra 100 tỷ đồng từ ngân hàng nhưng sau khi rút ra thì tiêu vào việc gì, tiêu cho ai? Thì ai biết. Vì vậy chi cho ai, chi việc gì cần có danh sách, cần có sự ký nhận đầy đủ”, ông Khánh nêu quan điểm.
Một vấn đề quan trọng khác, làm sao để tránh thị phi. TS luật Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cá nhân làm từ thiện, muốn tránh thị phi là khó. “Làm từ thiện tức là phải cầm tiền, mà tiền thì dễ gây thị phi. Bởi vậy, theo tôi, với những người làm từ thiện cần phải rõ ràng, anh làm từ thiện dựa trên nhu cầu của người nhận sẽ hiệu quả hơn”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói, đồng thời cho rằng, khi làm từ thiện, cần đề cao tinh thần đạo đức, đi làm từ thiện mà không có đạo đức thì không làm được. Thứ hai phải dựa vào pháp luật để làm. Thứ ba, phải có phương pháp làm từ thiện, không phải muốn làm thế nào cũng được. Như vậy có 3 yếu tố quan trọng để làm từ thiện hiệu quả, đó là: Đạo đức, pháp luật và phương pháp tốt.
Là người có gần 10 năm làm từ thiện với nhiều chương trình lớn, nhỏ khác nhau, ca sĩ Thái Thùy Linh cho rằng, làm thiện nguyện không hiệu quả thì không nên làm. Làm hiệu quả mà không minh bạch thì cũng không được. Bên cạnh đó, phải đóng góp chia sẻ cho cộng đồng bằng thay đổi cách tư duy về thiện nguyện. “Chúng ta đang sống trong một cộng đồng thích thị phi. Chỉ khi cùng nhau xây dựng cộng đồng thích những hoạt động thiện nguyện minh bạch thì mới không còn thị phi. Mỗi người phải góp sức thay đổi cộng đồng đó”, ca sĩ Thái Thùy Linh nói.
Luật sư Lê Ngọc Khánh cho rằng, muốn làm từ thiện tốt chúng ta có thể phối kết hợp, giám sát giữa các cá nhân và các tổ chức xã hội. Ví dụ vừa rồi ở Phong Thổ, Lai Châu bị giông bão, chúng tôi điện lên cho Hội Chữ thập đỏ của huyện của tỉnh để hỏi người dân cần gì. Như vậy chúng ta hoạt động cá nhân nhưng thông qua các tổ chức địa phương để làm thiện nguyện một cách cụ thể. “Còn nếu chưa minh bạch, chúng ta phải đối diện với dư luận. Đòi hỏi của dư luận là rất đúng. Vấn đề chúng ta có trong sáng hay không, có công tâm hay không? Nếu chúng ta đủ cả sự trong sáng, cả sự công tâm thì đừng có sợ thị phi”, luật sư Khánh nhấn mạnh.
Trong khi đó TS luật Lưu Bình Nhưỡng lưu ý, hiện nay có rất ít chế tài về công tác thiện nguyện. Bởi vậy, theo ông, cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh việc cá nhân làm từ thiện. Tiếp theo về việc giữ tiền lâu thì nên có chế tài thế nào? “Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện các hoạt động từ thiện dựa trên các nền tảng, cơ sở pháp lý rõ ràng. Chúng ta có thể vận dụng các chính sách thiện nguyện dựa trên các nền tảng đó vào hoàn cảnh của chúng ta để xây dựng đạo luật về từ thiện”, ông Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị.
Thanh Xuân