Trợ lực để doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách tín dụng và chính sách giảm, giãn, hoãn các loại thuế, phí trong thời gian qua đã trở thành một nguồn lực hỗ trợ vô cùng quý giá, phần nào giảm bớt gánh nặng về tài chính và giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra.

Những chính sách kịp thời, hiệu quả

Phát biểu tại Diễn đàn chính sách trực tuyến: “Hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19: Từ chính sách đến thực tiễn”, do Tạp chí Hải quan tổ chức sáng 1/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thông tin, ngay từ khi đại dịch xuất hiện, NHNN đã vào cuộc rất sớm, kịp thời ban hành hàng loạt thông tư hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp như: Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021.

Mới đây nhất là Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, trong đó sửa đổi các mốc giới hạn thời gian khoản nợ được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang diễn ra.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, trong thời gian vừa qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã rất nỗ lực, đẩy mạnh kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thêm lợi nhuận để củng cố nguồn lực, từ đó có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp. Dù bản thân các TCTD cũng là doanh nghiệp và không nằm ngoài những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch nhưng TCTD vẫn dùng chính lợi nhuận của mình để hỗ trợ doanh nghiệp.

tro luc de doanh nghiep vuot qua dai dich
Nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đã được ban hành kịp thời trong thời gian qua. Ảnh: ST

Ông Hùng cho biết, từ khi thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 01 đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ vào khoảng 530 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng. Theo tính toán, các TCTD đã trực tiếp miễn giảm lãi, phí cho doanh nghiệp với giá trị khoảng 28 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tháng 7/2021, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các TCTD, trong đó 16 TCTD đi đầu trong việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng từ ngày 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Về chính sách thuế, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2020, ngành Thuế đã triển khai hai nhóm chính sách từ công cụ thuế và thu ngân sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, có 97,5 nghìn tỷ đồng thực hiện theo chính sách gia hạn các khoản phải đóng vào ngân sách và 31,5 nghìn tỷ đồng các khoản miễn giảm trực tiếp cho người nộp thuế.

Sang năm 2021, đợt bùng phát dịch lần thứ 3 và lần thứ 4 tiếp tục gây những ảnh hưởng nặng nề, Nghị định 52/2021/NĐ-CP được ban hành về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, cũng như các chính sách hỗ trợ về thuế, phí khác đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế.

Tính đến hết tháng 9, chính sách trên đã hỗ trợ, gia hạn cho người dân khoảng 78 nghìn tỷ đồng với các loại thuế, tiền thuê đất phải nộp. Trong đó, tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) được hỗ trợ chiếm khoảng 60% trong tổng số tiền hỗ trợ, phần nào giảm bớt được áp lực, tạo cho doanh nghiệp nguồn tài chính để xoay vòng sản xuất, kinh doanh.

Bà Hà cũng thông tin, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét gói hỗ trợ miễn, giảm thuế lên tới 21.300 tỷ đồng, mang tính chất miễn, giảm trực tiếp vào số thuế phải nộp, bao gồm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất… với 4 nhóm chính sách.

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những chính sách về thuế, tín dụng đã góp phần giảm khó khăn khi nền kinh tế và doanh nghiệp đối mặt với những thách thức cực kỳ lớn. Cộng đồng doanh nghiệp đã phản ứng tích cực về chính sách.

Đối với các chính sách trong năm 2021, lần đầu tiên có chính sách miễn thuế VAT, dù chỉ trong một số nhóm ngành nhưng ông Tuấn cho rằng đây cũng sẽ là lực đẩy tốt để các ngành này phục hồi trong thời gian tới. Đặc biệt, việc hộ kinh doanh cũng có mặt trong các hỗ trợ cũng cho thấy cách tiếp cận rất mới trong thiết kế chính sách.

Cần trợ lực mạnh mẽ hơn

Dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, hầu hết các chính sách hỗ trợ mới được thiết kế ở mức hoãn, chứ không phải giảm. Vì vậy, trong thời gian tới, chính sách cần “tiền tươi thóc thật” hơn vì dù được hoãn, suy cho cùng gánh nặng tài chính vẫn tồn tại đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ được ban hành và áp dụng trong ngắn hạn, độ dài của chính sách còn chưa tương xứng với tình hình khó khăn của doanh nghiệp và tình hình kiểm soát dịch bệnh. Đơn cử, như một số chính sách về thuế chỉ áp dụng trong quý III, quý IV trong khi đó nhiều ngành nghề tính toán phải đến giữa năm sau mới có thể hồi phục.

Đại diện VCCI cũng cho rằng, quy mô của các gói hỗ trợ còn khiêm tốn. Nhìn trong khu vực, một gói hỗ trợ của Thái Lan chiếm 12,4% GDP, Indonesia chiếm 5,4% GDP, nhiều nhà kinh tế ước tính gói hỗ trợ của Việt Nam có thể mở rộng ra 4% GDP, tương đương với 250 nghìn tỷ đồng. Hiện nay tổng các gói hỗ trợ vẫn chưa cao, vì vậy trong thời gian tới cần những gói hỗ trợ có quy mô tương xứng với khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận định, trong bối cảnh khó khăn, “sức khỏe” tài chính là vấn đề đau đầu nhất của doanh nghiệp. Vì thế dù ít dù nhiều, chính sách hỗ trợ nào cũng đều quý giá, là “phao cứu sinh” với cộng đồng doanh nghiệp.

Liên quan đến góc độ về thuế, phí, bà Thủy cho rằng ngân sách cũng còn nhiều áp lực, không thể có những quyết sách quá mạnh như cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, nguồn lực vừa phải nhưng phải san đều nên không thể hỗ trợ lớn.

Theo bà Thủy, nguyện vọng lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là được hoạt động. Cùng với đó, bản thân doanh nghiệp là bài toán phục hồi kinh tế, là chủ thể chính của việc thực hiện mục tiêu kép, vì vậy doanh nghiệp mong được chủ động hơn trong việc phối hợp cùng các cơ quan nhà nước. Khi thiết kế chính sách, cần có sự tham vấn doanh nghiệp, đánh giá tình hình của doanh nghiệp, hoạt động đối thoại công tư cần được đẩy mạnh hơn.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tro-luc-de-doanh-nghiep-vuot-qua-dai-dich-119959.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.