“Trái ngọt” từ các phong trào thi đua
07:18 | 29/09/2021
Nỗ lực không ngừng đổi mới, sáng tạo với ngày càng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) ngành Ngân hàng đã trở thành động lực cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong toàn Ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Dấu ấn đậm nét qua từng phong trào
Gắn liền với chặng đường phát triển của ngành Ngân hàng, qua từng giai đoạn, phong trào thi đua trong toàn Ngành cũng đã không ngừng đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tiêu chí thi đua cụ thể, nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và của Ngành, gắn với yêu cầu chung trong từng giai đoạn và từng năm.
Từ đó, ngành Ngân hàng đã trở thành một trong những bộ, ngành luôn tích cực hưởng ứng và đi đầu trong các phong trào thi đua theo chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ phát động, điển hình như: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp phù hợp, sát với thực tế.
Cụ thể, NHNN đã chỉ đạo, đôn đốc các TCTD tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay, thực hiện các giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần xoá đói giảm nghèo. Kết quả đến 30/6/2020 dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đạt 1.248.441 tỷ đồng, gấp 2,13 lần so với thời điểm kết thúc giai đoạn một năm 2015 với hơn 9,5 triệu khách hàng.
![]() |
Những hoạt động thi đua sôi nổi được tổ chức luôn thu hút cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong toàn Ngành nhiệt tình tham gia |
Với kết quả trên, NHNN đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn một phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Hay phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng được triển khai thực hiện rất hiệu quả. Trong giai đoạn 2015-2020, NHNN đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và trực tiếp ban hành 17 văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ cho đối tượng nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 226.197 tỷ đồng, tăng 19.391 tỷ đồng 9,4% so với cuối năm 2019.
Với kết quả nêu trên, NHNN đã được 10 bộ, ngành trong Khối thi đua các bộ, ngành tổng hợp suy tôn, đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và hai cá nhân trong ngành Ngân hàng đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
NHNN cũng đã tích cực triển khai phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm nay khi đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, NHNN tiếp tục thể hiện được vai trò quan trọng trong hỗ trợ trực tiếp, tích cực, kịp thời cho hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam thông qua một loạt thông tư. Gần đây nhất là Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động cũng đã được NHNN cụ thể hóa bằng phong trào thi đua “Cán bộ ngân hàng rèn đức, luyện nghề, sáng tạo, lập thành tích chào mừng 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam”. Những hoạt động thi đua sôi nổi được tổ chức đã thu hút cán bộ, công chức, viên chức người lao động nhiệt tình tham gia, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ.
Ngoài ra, các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua theo chuyên đề do Thống đốc phát động cũng được các đơn vị trong Ngành triển khai sâu rộng, với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt với đặc thù của Ngành, công tác TĐKT còn được tổ chức thực hiện ở từng khu vực.
Đơn cử như tại các đơn vị trong hệ thống NHNN Việt Nam, nổi bật với các phong trào như “Kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp - Cơ quan văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp”; “Cơ quan văn minh hiện đại, cán bộ công chức công tâm, chuyên nghiệp”… Các phong trào này đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của các cơ chế, chính sách mà NHNN đã ban hành và triển khai.
Phong trào thi đua của các đơn vị thuộc khối TCTD cũng trở thành động lực thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch kinh doanh hàng năm của từng đơn vị. Có thể kể tới như phong trào “Phát huy sáng kiến cải tiến nghiệp vụ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ”, “Lao động giỏi - sáng tạo - quản lý tốt”… Nhờ đó đã ghi dấu với một số thành tựu nổi bật: Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm, chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao.
Cùng với đó, phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” được coi là phong trào xuyên suốt trong giai đoạn 2016-2020 của các đơn vị làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Ngành. Việc triển khai phát động và duy trì thường xuyên các phong trào thi đua tạo bước đột phá trong công tác khen thưởng như: Cuộc vận động mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; cuộc vận động “Hai không”: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu của xã hội...
Phong trào thi đua do các tổ chức đoàn thể, đơn vị trong Ngành như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam… cũng đã khơi dậy được tinh thần tự chủ, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên trong các đơn vị; phát huy tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều mô hình mới, sáng tạo, nhiều điển hình tiên tiến được suy tôn, tạo sự lan tỏa…
Có thể nói, các phong trào thi đua của NHNN và ngành Ngân hàng thực sự tạo ra những điểm sáng, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần duy trì ổn định chính trị xã hội của đất nước.
Cùng với các phong trào thi đua, công tác xét khen thưởng cũng đi vào thực chất hơn, trở thành đòn bẩy trong thực hiện nhiệm vụ được giao, phát huy được trí tuệ của toàn thể cán bộ, công nhân viên toàn Ngành. Khen thưởng chính là nguồn động viên kịp thời các tập thể, cá nhân, đặc biệt là các tập thể nhỏ và cá nhân là người lao động trực tiếp đã lập được thành tích, đóng góp cho sự phát triển chung của ngành Ngân hàng.
Tạo sức bật từ công tác thi đua khen thưởng
Những “trái ngọt” từ các phong trào thi đua suốt chặng đường vừa qua là kết quả của sự chỉ đạo, sâu sát của Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, tổ chức quán triệt và triển khai chính sách về công tác TĐKT của Thủ trưởng các đơn vị. Đó cũng là kết tinh của trí tuệ, là ý chí quyết tâm, tinh thần lao động sáng tạo của hơn 352.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng.
Tất cả những nỗ lực trên đã giúp cho công tác TĐKT ngành Ngân hàng ngày càng thiết thực, sáng tạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những hạn chế còn tồn đọng.
Cụ thể, tại một số phong trào, công tác vận động, tuyên truyền về phong trào thi đua ở cấp cơ sở tuy đã được thực hiện nhưng triển khai trên diện rộng còn gặp nhiều khó khăn. Sự phối hợp giữa đơn vị và các địa phương còn thiếu kịp thời, chặt chẽ. Một số đơn vị còn chậm trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Ở một số đơn vị vẫn chưa nhận thức đúng vai trò của công tác TĐKT, việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua chưa hiệu quả, chưa đưa ra được các tiêu chí thi đua phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, chưa nêu cao được vai trò của các tổ chức đoàn thể trong phối hợp triển khai công tác thi đua.
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc họp xét khen thưởng chưa được thực hiện kịp thời, dẫn đến hồ sơ đề nghị khen thưởng nộp chậm so với quy định, ảnh hưởng đến tiến độ khen thưởng. Chất lượng thẩm định hồ sơ của một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Để phong trào thi đua đạt hiệu quả cao thì phải có sự đánh giá, tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó rút ra những kinh nghiệm và đề ra những nội dung phù hợp, sát với thực tiễn của phong trào. “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích cổ động, xem xét kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người) trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi…”.
Chính vì vậy, công tác TĐKT phải thường xuyên được cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt là người đứng đầu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Cần đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với các tổ chức, đoàn thể trong tổ chức triển khai, giám sát các phong trào thi đua.
Việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng bảo đảm nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ và kịp thời. Thi đua thực sự phải là động lực, là biện pháp quan trọng xây dựng con người mới; kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Coi trọng chất lượng, không chạy theo hình thức, không chạy theo số lượng. Biểu dương, khen thưởng cần tiến hành thường xuyên, liên tục.
Trong quá trình triển khai các phong trào thi đua, cần chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt tạo không khí thi đua sôi nổi nhằm cổ vũ và phát huy tối đa khả năng, phẩm chất tốt đẹp của cán bộ, công nhân viên trong toàn Ngành. Tăng cường kiểm tra công tác TĐKT để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế góp phần thực hiện hiệu quả công tác này thời gian tới.
Quỳnh Trang