“Share” đơn hàng để kịp tiến độ trong mùa dịch
08:14 | 17/09/2021
Việc làm này không chỉ giúp cho các doanh nghiệp cùng nhau san sẻ lợi nhuận, hỗ trợ tồn tại qua mùa dịch mà còn tránh chậm trễ trong khâu giao hàng, tránh được nguy cơ bị phạt, hủy hợp đồng có thể xảy ra.
Bà Đặng Thị Kim Huế, chủ doanh nghiệp chuyên may ba lô, túi xách xuất khẩu qua thị trường châu Âu (EU) cho biết, hồi đầu năm doanh nghiệp có ký một đơn hàng giá trị lớn với đối tác tại thị trường Canada, trong tháng 10/2021 phải giao những lô hàng đầu tiên. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 5, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội cho đến tận thời điểm hiện tại, khiến cho hoạt động sản xuất tại công ty gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện hợp đồng.
Đến nay, công ty chỉ có khoảng 30% công nhân hoạt động tại nhà máy nhằm duy trì sản xuất, còn lại toàn bộ công nhân đang phải nghỉ do không đáp ứng được các yêu cầu 3 tại chỗ. Vì vậy, ngoài việc cố gắng dồn sức để lo kịp tiến độ giao hàng đối với hợp đồng cũ đã ký, hiện công ty không dám ký thêm những đơn hàng mới, do không dám chắc sẽ đảm bảo được thời gian, năng suất lao động, khi đó rất dễ xảy ra nguy cơ bị đối tác hủy hoặc phạt hợp đồng, dẫn đến thiệt hại nặng nề cả về mặt tài chính lẫn uy tín trên thương trường.
![]() |
Nhiều DN dệt may đang "gồng mình" để kịp tiến độ giao hàng |
Tuy nhiên, “trong cái khó, ló cái khôn", để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, năng suất sụt giảm, công ty đã ký hợp đồng phụ với một doanh nghiệp cùng ngành khác để lo khâu hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng đúng thời gian mà đối tác đặt ra. Rất may, đây cũng là một doanh nghiệp lâu năm trong nghề nên đáp ứng được các tiêu chí bạn hàng đặt ra, bà Huế chia sẻ.
Thực tế thời gian gần đây, để tránh tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, nhựa, điện tử, chế biến nông thủy sản… trong cùng một chuỗi sản xuất, cung ứng đã chủ động liên kết, “share” (chia sẻ) đơn hàng với nhau. Việc làm này không chỉ giúp cho các doanh nghiệp cùng nhau san sẻ lợi nhuận, hỗ trợ tồn tại qua mùa dịch mà còn tránh chậm trễ trong khâu giao hàng, tránh được nguy cơ bị phạt, hủy hợp đồng có thể xảy ra.
Cụ thể, nếu như trước kia trong điều kiện hoạt động bình thường, doanh nghiệp có thể đảm bảo 100% lao động đi làm, đảm bảo năng suất, DN sẽ tự chủ toàn bộ từ A đến Z, từ khâu ký kết hợp đồng, sản xuất, cung ứng… và đương nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ hưởng 100% doanh thu, lợi nhuận đem về. Tuy nhiên, trong bối cảnh giãn cách hiện nay, doanh nghiệp thiếu lao động, không dễ gì duy trì 100% năng suất, nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giao hàng. Vì vậy, không ít doanh nghiệp lựa chọn bắt tay, liên kết với các nhà sản xuất phụ để tham gia cùng dây chuyền sản xuất nhằm tránh nguy cơ chậm tiến độ, bị phạt hợp đồng.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nếu dịch không được kiểm soát tốt, nhà máy phải đóng cửa, công nhân không có việc làm hoặc không trở lại nhà máy làm việc, đơn hàng không thực hiện được sẽ dẫn đến việc khách hàng phạt và nghiêm trọng hơn là chuyển dịch đơn hàng sang quốc gia khác trong các năm tiếp theo. Đối với các mặt hàng mang nặng tính mùa vụ như thời trang, quần áo, giày dép, túi xách… nhà máy sản xuất khi ký hợp đồng có thời gian giao hàng rất khắc nghiệt, nếu chậm tiến độ sẽ có hậu quả rất nặng nề. Đòi hỏi các doanh nghiệp sớm phải có phương án để cùng nhau chia sẻ đơn hàng, sớm hoàn thành tiến độ đơn hàng đặt ra.
Bàn về vấn đề này, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động cho biết, nếu đơn hàng may giao muộn phải chuyển bằng máy bay thì chi phí đội lên rất nhiều, kết quả là nhà máy sản xuất có thể sẽ phải làm không công rất lâu để có thể bù lại. Trong khi các hãng của nhiều nước trong khu vực hiện không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh rất có thể sẽ nhận được các đơn hàng này, doanh nghiệp của Việt Nam mất thị phần trong chuỗi cung ứng. Đó là những rủi ro rất lớn về chuỗi cung ứng trong ngành nhiều lĩnh vực sản xuất mà hiện nay tại một số tỉnh thành tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như TP. HCM, Đồng Nai hay Bình Dương đang gặp phải. Việc này khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, doanh nghiệp buộc phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu.
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 đợt 4 vẫn đang diễn biến phức tạp ở trong nước thì các DN phải đối mặt với việc các khách hàng sẽ cân nhắc lại, dừng việc ký tiếp hợp đồng đặt hàng cho quý IV/2021 và các năm tiếp theo. Đối với các DN quy mô vừa và nhỏ, do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như hiện tại thì doanh nghiệp không dễ để đáp ứng kịp tiến độ do nhiều khó khăn bủa vây. Vì vậy, phương án khả thi đặt ra lúc này là các DN cần hợp tác, liên kết để cùng nhau tồn tại, cùng hỗ trợ nhau đảm bảo tiến độ giao hàng, tránh bị kiện tụng, hủy hoặc phạt hợp đồng, vượt qua khó khăn mùa dịch.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Tuyết Anh