Doanh nghiệp vận tải: Gồng mình vượt qua bão Covid

Hiện các DN vận tải đang phải chịu sức ép về các khoản thuế, phí, nợ ngân hàng và đảm bảo đời sống cho người lao động.
doanh nghiep van tai gong minh vuot qua bao covid Giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải

Năm 2021 tiếp tục là thời gian khó khăn của ngành vận tải khi sản lượng vận chuyển đều giảm sâu. Riêng làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu từ tháng 4/2021 đến nay đã khiến nhiều DN trong các ngành đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không… phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng. Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, từ khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, doanh thu của các DN vận tải giảm 80-90%. Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị phá sản. Tính đến nay đã có 540 DN vận tải, kho bãi đã hoàn tất thủ tục giải thể. Nhiều DN vận tải cầm cự mong sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

doanh nghiep van tai gong minh vuot qua bao covid
Các DN vận tải đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn

Trong những tháng gần đây, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và các ca nhiễm tăng cao, nhất là ở các tỉnh phía Nam, nhiều địa phương trên cả nước đã áp dụng giãn cách xã hội, dẫn đến đứt gãy các tuyến vận tải, thậm chí cả vận chuyển đường dài Bắc-Nam. Vì vậy hoạt động kinh doanh của các DN vận tải đều thường xuyên bị gián đoạn, có thời điểm bị dừng hoạt động. Trên địa bàn Hà Nội, thành phố cũng thực hiện giãn cách, buộc tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ và đường thủy, trừ các trường hợp phục vụ công tác phòng chống dịch. Điều này khiến các DN vận tải lâm vào tình cảnh khốn khó, nhiều công nhân lao động cũng mất việc, gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, việc thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-CP của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 khiến các DN vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách công cộng phải dừng hoạt động. Tất cả các lĩnh vực kinh doanh của DN như xe buýt, xe hợp đồng, khai thác bến xe, điểm đỗ… đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt với hơn 1.000 phương tiện xe buýt phải dừng hoạt động trong những tháng qua khiến doanh thu của DN tụt giảm mạnh. Trong khi đó, các khoản chi phí về bến bãi, lãi vay, đăng kiểm... DN vẫn phải tự xoay xở để lo chi trả. Bên cạnh doanh thu tụt giảm, Tổng công ty còn đối mặt với việc lo cho lực lượng lao động lớn lên tới hơn 6.500 nhân viên là lái xe, nhân viên bán vé. Trong thời gian này, Tổng công ty phải thực hiện phương án tạm hoãn hợp đồng lao động và thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động. Trước thực trạng này, DN mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như thành phố để giúp các DN vận tải duy trì hoạt động.

Trên thực tế, đây là những thách thức rất lớn và DN có nguy cơ phá sản cao nếu tình trạng này kéo dài. Hiện các DN vận tải đang phải chịu sức ép về các khoản thuế, phí, nợ ngân hàng và đảm bảo đời sống cho người lao động.

Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, đây là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với các ngành và các DN vận tải. Trước những phản ánh của DN, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cũng kiến nghị thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư phương tiện. Đề nghị Cục Thuế Hà Nội giảm thuế hoặc giãn thời gian đóng thuế cũng như có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh phục vụ phòng, chống dịch cho các đơn vị vận tải. Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ đối với đơn vị kinh doanh vận tải trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Nhằm hỗ trợ các DN vận tải, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021 do nguyên nhân bất khả kháng, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đề xuất của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội. Đối với các DN vận chuyển, lưu thông hàng nông sản, TP. Hà Nội đã ban hành các văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ tối đa trong hoạt động vận chuyển hàng hóa của Hà Nội và các tỉnh, thành phố lưu thông trên địa bàn. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt thông tin khó khăn, vướng mắc của DN sản xuất, phân phối trên địa bàn thành phố về vận chuyển hàng hóa, từ đó để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt.

Số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội cho thấy, hoạt động vận tải tháng 8/2021 trên địa bàn giảm mạnh so với tháng trước và cùng kỳ năm 2020. Theo đó, số lượt hành khách vận chuyển trong tháng 8/2021 ước tính đạt 1,8 triệu lượt hành khách, giảm 82,7% so với tháng trước và giảm 91,1% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước tính đạt 63 triệu lượt hành khách.km, giảm 81,7% và giảm 92,7%; doanh thu ước tính đạt 130 tỷ đồng, giảm 82,1% và giảm 89,8%. Tính chung 8 tháng, số lượt hành khách vận chuyển đạt 185,9 triệu lượt hành khách, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 5.038 triệu lượt hành khách.km, giảm 17,2%; doanh thu đạt 9.376 tỷ đồng, giảm 10,4%.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-van-tai-gong-minh-vuot-qua-bao-covid-119361.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.