![]() | Công nghệ trong quản trị nhân sự |
![]() | Quản trị nhân sự thời khủng hoảng |
![]() | Mô hình mới về quản trị nhân sự |
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hầu hết các DN, cơ sở sản xuất cố gắng duy trì sản xuất, nhiều DN đã áp dụng phương án “3 tại chỗ”, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ giãn cách.. để đảm bảo an toàn.
Theo Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội, thời gian qua, các DNNVV chịu tác động mạnh hơn rất nhiều bởi dịch Covid-19 do lực lượng này có quy mô sản xuất nhỏ và tích lũy vốn không bền vững. Trong khi đó, việc giãn cách xã hội càng khiến cho DN giảm nguồn thu do không bán được hàng; đứt gãy các nguồn cung ứng nguyên liệu; thiếu nguồn lao động; nhiều đơn hàng bị hủy…
Tất cả những điều đó đã tạo nên một sự bấp bênh cho DN trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, dịch bệnh cũng tạo ra một bối cảnh mới, vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để DN nhìn nhận các vấn đề trong bộ máy, trong quy trình quản trị và ứng dụng công nghệ để đổi mới tổ chức, tối ưu hiệu quả hoạt động.
Đây chính là thời điểm để mọi DN tìm ra giải pháp số áp dụng vào cách thức vận hành DN, biến thách thức thành cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng bền vững trong thời kỳ dịch bệnh. Trong đó, quản trị nhân sự luôn là vấn đề bức thiết.
![]() |
Các DN ở làng nghề truyền thống cũng đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số |
Bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc CTCP MISA cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay khi các DN chuyển hướng sang làm việc luân phiên và làm việc online thì vấn đề quản lý nhân viên luôn là bài toán mà mọi DN đều trăn trở. Do làm việc từ xa nên sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất và giảm sút về doanh số. Chính vì vậy, đòi hỏi các DN phải nhanh chóng thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh trong quá trình làm việc.
Hiện MISA đang có những chương trình hỗ trợ các DNNVV trong quá trình chuyển đổi số, nhất là việc chia sẻ Bộ giải pháp quản lý nhân sự trên Nền tảng Quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. Nền tảng quản trị DN hợp nhất đang được hơn 12.000 DN ứng dụng để đổi mới phương thức làm việc, chuyển đổi số một cách toàn diện, từ tài chính – kế toán, kinh doanh – marketing, nhân sự cho tới điều hành – quản lý chung. Việc này giúp nhân lực được sử dụng tập trung cho các hoạt động mang lại giá trị cao và duy trì hiệu suất khi làm việc tại nhà.
Những chính sách kịp thời
Trên thực tế, sau các đợt thực hiện giãn cách của thành phố Hà Nội, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn hơn. Riêng trong tháng 8/2021 đã có 833 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 9%. Trong khi đó DN đăng ký thành lập mới trong tháng 8/2021 chỉ có 1.293 DN, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 8 tháng năm 2021, Hà Nội có 16,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước; thực hiện thủ tục giải thể cho 2,2 nghìn DN, tăng 36% và 9,3 nghìn DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 19%... Đây đang là thách thức không nhỏ đối với DN nói riêng và kế hoạch phát triển kinh tế của thành phố nói chung.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay, khi các DN chuyển hướng sang làm việc luân phiên và làm việc online thì vấn đề quản lý nhân viên luôn là bài toán mà mọi DN đều trăn trở. Do làm việc từ xa nên sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất và giảm sút về doanh số. Chính vì vậy, đòi hỏi các DN phải nhanh chóng thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh trong quá trình làm việc. |
Từ đầu năm đến nay, công tác hỗ trợ cho các DNNVV vượt qua đại dịch được cả Chính phủ và thành phố đặc biệt quan tâm. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngành Ngân hàng Hà Nội triển khai quyết liệt các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định, xem xét cho khách hàng vay mới, tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm phí các dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và DN.
Đến nay, trên địa bàn thành phố, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 57,7 nghìn khách hàng với dư nợ 74,9 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 178,1 nghìn khách hàng với dư nợ 254,2 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 965,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 97,7 nghìn lượt khách hàng.
Theo UBND TP. Hà Nội, trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, các cơ quan chức năng Hà Nội cũng gấp rút triển khai, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN do dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tính đến 31/8/2021, đã có gần 19.000 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất của các DN, cá nhân kinh doanh trên địa bàn được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó Hà Nội đã tiếp nhận giấy gia hạn đối với DN nộp thuế giá trị gia tăng là 29.084 người nộp thuế với số tiền đề nghị gia hạn là 8.278 tỷ đồng (tăng 30% so với thời điểm ngày 28/7/2021, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020 - gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP). Đối với tiền thuê đất, đã tiếp nhận đề nghị gia hạn là 1.351 người nộp thuế với số tiền đề nghị gia hạn là 1.044 tỷ đồng (tăng 17% so với thời điểm ngày 28/7/2021, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2020)…
Hiện thành phố đã xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tế và sẽ nỗ lực, cố gắng để đạt được mức tăng trưởng cao nhất. Đặc biệt tại Chỉ thị số 20/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội mới đây cũng đặt ra vấn đề hỗ trợ các DN, đơn vị trên địa bàn duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn bảo đảm quy định phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/quan-tri-nhan-su-thoi-covid-119062.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.