Sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2021 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt nhiều DN đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Khó khăn là thế nhưng ngành công nghiệp Hà Nội vẫn có sự tăng trưởng bất chấp dịch bệnh đang lan rộng.
Theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên từ trước khi thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND đã có một số DN dừng hoạt động và nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, bình quân chỉ còn khoảng 80% so với trước đây... Tuy nhiên, với những nỗ lực vượt bậc, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2021 của Hà Nội đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020. Thành phố quyết tâm vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
![]() |
Cần ưu tiên hoàn thành tiêm chủng vắc xin cho công nhân lao động |
Đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố đã chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp, kịch bản phòng chống dịch, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Hiện thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng số 4.169 DN và cơ sở sản xuất, tổng số lao động khoảng 62 nghìn người; có 18 cụm công nghiệp tập trung, thu hút khoảng 1.500 DN có quy mô vừa và lớn; còn lại là cụm công nghiệp làng nghề với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các DN và hộ sản xuất cá thể.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 4.306 DN thành lập tổ an toàn Covid-19 trong DN. Trong đó, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã thành lập 2.116 tổ an toàn Covid-19 tại 408 DN với 8.705 người tham gia… Những biện pháp chống dịch hiệu quả đã giúp các DN vẫn đảm bảo được hoạt động sản xuất và giữ vững “vùng xanh” an toàn tại các nhà máy, xí nghiệp.
Hiện nay, hầu hết các DN đều chủ động xây dựng phương án sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm trong từng giai đoạn cụ thể. Qua đó nhiều lĩnh vực vẫn có mức tăng trưởng khả quan. Số liệu của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, trong 8 tháng năm 2021, chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3%. Trong đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số IIP đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất xe có động cơ tăng 21,6%; sản xuất trang phục tăng 18,2%; sản xuất đồ uống tăng 16,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 10,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,5%; sản xuất thuốc lá tăng 9,5%; in, sao chụp bản ghi tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 8,2%; sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8%. Bên cạnh đó, một số ngành giảm so với cùng kỳ: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 5,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 2,9%; sản xuất kim loại giảm 0,9%...
Đại diện CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, ngay khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, công ty luôn chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch ở mức cao nhất. Theo đó, các công nhân đến làm việc đều phải kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào xưởng sản xuất, không cho công nhân ra khỏi nhà máy, không tiếp xúc với người ngoài, tuân thủ đeo khẩu trang và nghiêm túc thực hiện 5K… Đồng thời, công ty sử dụng hệ thống truyền thanh nội bộ để hàng ngày tuyên truyền các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt thực hiện Chỉ thị về giãn cách xã hội của UBND thành phố, công ty đã thành lập “Tổ An toàn Covid-19” để thực hiện kiểm tra, giám sát, hỗ trợ phòng, chống dịch. Tiến hành khử khuẩn nhà máy, phân khu vực làm việc độc lập, xét nghiệm PCR tần suất 3 ngày/lần cho người lao động, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ giãn cách... để phòng tránh lây lan dịch bệnh. Trong thời gian tới, để đảm bảo an toàn trong sản xuất, công ty mong muốn toàn thể cán bộ, công nhân được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng chống covid giúp người lao động yên tâm sản xuất.
Để hỗ trợ cho các DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay, thành phố đã thực hiện triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, vốn, lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng… Bên cạnh đó, thành phố tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp. Thực hiện các đề án hỗ trợ kết nối DN chế biến - chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn... với hệ thống phân phối, tiêu thụ. Hỗ trợ lao động tại các DN… Trong thời gian tới, để đảm bảo cho DN sản xuất an toàn, Sở Công thương kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, ưu tiên hoàn thành tiêm chủng vắc xin cho công nhân lao động trong các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian sớm nhất.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khong-de-dut-gay-chuoi-san-xuat-cung-ung-118973.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.