![]() | Công ty tài chính đã hết thời “gà đẻ trứng vàng”? |
![]() | Công ty tài chính “hy sinh” lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng |
![]() | Dư địa cho tài chính tiêu dùng còn khá lớn |
![]() |
Bán vốn công ty tài chính để ngân hàng "tăng sức" đón cơ hội |
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 16 công ty tài chính được cấp phép và đang hoạt động, trong đó có 6 công ty là thành viên của ngân hàng thương mại như: Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM), Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance)…
Tuy nhiên, trong thời gian qua, lần lượt các ngân hàng đã đưa ra thông báo bán vốn các công ty tài chính. Gần đây nhất, sau nhiều ngày đàm phán, Ngân hàng TCMP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan. Trong lần này, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ tại SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ký kết thỏa thuận với Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui để bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD. Điều này cho thấy ngay cả công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường, chiếm đến 50% thị phần như FE Credit, cũng không nằm ngoài xu hướng nhượng vốn.
Cũng trong lúc này, nhiều ngân hàng khác đang gấp rút hoàn thiện việc đàm phán và ký kết hợp đồng chuyển chượng vốn tại các công ty tài chính. Thông tin tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích và nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), cho biết sẽ bán toàn bộ công ty tài chính FCCOM, thay vì bán 50% như kế hoạch trước đây. Hiện tại, 2-3 đối tác đang làm việc với ngân hàng để trao đổi về thương vụ này. Dự kiến, MSB sẽ hoàn tất bán vốn trong năm 2022, phụ thuộc vào việc cấp phép của Ngân hàng Nhà nước.
Xu hướng chuyển nhượng vốn này không phải mới xảy ra mà đã có từ vài năm trở lại đây. Vào giữa năm 2015, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đã chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại HD Finance cho Tập đoàn Credit Saison. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) sau đó cũng đã bán 49% vốn tại Mcredit cho ngân hàng Shinsei Bank. Tiếp đó, năm 2018, Ngân hàng TMCP KỸ Thương Việt Nam (Techcombank) đã hoàn tất chuyển nhượng 100% vốn tại TechcomFinance cho Tập đoàn Lotte Hàn Quốc dù chưa đi vào hoạt động.
Sự sôi động trong các giao dịch mua bán công ty tài chính, mảng cho vay tiêu dùng giữa các ngân hàng nội địa và tập đoàn tài chính nước ngoài đã phản ánh tiềm năng và tính hấp dẫn của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam với quy mô dân số hơn 98 triệu người, dân số trẻ ở độ tuổi trung bình 32,9 tuổi.
Theo TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tiềm năng của tài chính tiêu dùng Việt Nam là khá lớn khi mà so với các nước trong khu vực ASEAN tỷ trọng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn khá thấp. Có thể giai đoạn này kinh tế khó khăn nhu cầu vay vốn tiêu dùng giảm, nhưng khi kinh tế hồi phục sau thời kỳ hậu COVID-19, thu nhập của người dân Việt Nam được cải thiện, nhu cầu vay tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng hiện nay, Chính phủ có chính sách kích cầu phát triển kinh tế, các tổ chức tín dụng có định hướng đẩy mạnh cho vay cá nhân. Bên cạnh đó, văn hóa cho vay của người dân cũng đang thay đổi. Vì vậy, thời gian tới, mảng cho vay tiêu dùng sẽ rất phát triển.
Nhưng, vì sao các ngân hàng lại bán đi mảng kinh doanh hấp dẫn với nhiều triển vọng như vậy?
Có ý kiến cho rằng, ngân hàng không còn đủ tiềm lực để đầu tư và duy trì hoạt động của các công ty tài chính. Đồng thời, kết quả kinh doanh của nhiều công ty tài chính ko tốt đã tạo gánh nặng chi phí hoạt động cho ngân hàng. Tuy nhiên, đại diện nhiều ngân hàng khẳng định, việc bán vốn sẽ giúp cho cả công ty tài chính và cả ngân hàng có thể bước sang một chương mới trong quá trình phát triển.
Đại diện SHB cho biết, thỏa thuận bán vốn công ty tài chính đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của ngân hàng, nâng cao năng lực tài chính và vị thế, mở ra cơ hội phát triển mang tầm khu vực.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB chia sẻ, thỏa thuận với đối tác phù hợp với chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng, góp phần mang lại giá trị cộng hưởng trên nhiều khía cạnh như trình độ quản trị, công nghệ, nâng cao năng lực tài chính, phát triển khách hàng, sản phẩm cũng như mở rộng hợp tác đầu tư quốc tế, nâng cao uy tín, hình ảnh ngân hàng trên khu vực và thế giới.
Cùng chung nhận định này, nhiều chuyên phân tích, việc thoái vốn tại các công ty tài chính của các ngân hàng thực ra là chỉ bán bớt vốn nhằm tăng “sức mạnh” về tài chính, giúp ích cho khả năng mở rộng quy mô, trong khi ngân hàng vẫn nắm giữ phần lớn cổ phiếu để chi phối hoạt động. Do đó, việc bán vốn để có thêm đối tác chiến lược, để cùng nhau “đi đường dài” sẽ là hướng phát triển có lợi hơn đối với các ngân hàng.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ban-von-cong-ty-tai-chinh-ngan-hang-tang-suc-don-co-hoi-118685.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.