Vì sao phải sửa Thông tư 52?
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), Thông tư 52 đã đi vào cuộc sống được hơn 2 năm và cũng đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, Thông tư cũng bộc lộ ra những vấn đề vướng mắc. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định tại Thông tư 52 là cần thiết nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xếp hạng các TCTD thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, theo Tổng Thư ký VNBA, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 52 cũng là bước đi hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về xếp hạng các TCTD nhằm phản ánh đầy đủ thực trạng và mức độ rủi ro trong hoạt động của các TCTD. Từ đó tăng cường hiệu quả của công tác giám sát ngân hàng, giúp kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý đối với từng TCTD nhằm đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD. Bởi, các chỉ đạo, định hướng của các cấp có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực ngân hàng đều tập trung vào việc tăng cường hiệu quả công tác giám sát hoạt động của các TCTD.
![]() |
TS. Nguyễn Quốc Hùng chủ trì Toạ đàm tại trụ sở Hiệp hội Ngân hàng |
Từ thực tiễn cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2015-2020 cho thấy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực, quyết liệt của ngành Ngân hàng và sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, đến nay công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả.
Trong quá trình triển khai Quyết định số 1058/QĐ-TTg, một số cơ chế đặc thù như cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ, phân bổ/hoãn trích lập dự phòng rủi ro, thoái lãi dự thu… đã được cấp có thẩm quyền cho phép TCTD thực hiện nhằm hỗ trợ công tác cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD này.
NHNN cũng xác định công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD là một quá trình, do ảnh hưởng phát sinh khó lường từ dịch bệnh COVID-19 gây ra, thực hiện nhiệm vụ của NHNN trong năm 2021 tại Phụ lục số 04, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Chính phủ về việc: “Xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 (Nhiệm vụ số 59)” và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo NHNN về vấn đề này, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đang tham mưu trình cấp có thẩm quyền xây dựng Đề án nêu trên cho giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, để có đầy đủ cơ sở, thông tin để thực hiện nhiệm vụ trên cần nắm được đầy đủ thực trạng hoạt động, mức độ rủi ro của TCTD thông qua kết quả xếp hạng theo quy định tại Thông tư 52. Do đó, yêu cầu phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định tại Thông tư 52 nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xếp hạng các TCTD thời gian vừa qua là cần thiết.
Trong đó, các chỉ tiêu phục vụ xếp hạng cần được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực trạng hoạt động, rủi ro của các TCTD trong trường hợp không được chấp thuận thực hiện các cơ chế đặc thù (cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ, phân bổ/hoãn trích lập dự phòng rủi ro, thoái lãi dự thu...).
“Do nội dung Thông tư ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng đồng thời căn cứ đề nghị của TCTD hội viên, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức hội nghị trực tuyến hôm nay để các hội viên có thể tham gia góp ý với dự thảo Thông tư, trao đổi về một số vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai và đề xuất, kiến nghị cơ quan soạn thảo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động”, TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ mục tiêu của Toạ đàm.
Nhiều vướng mắc về xếp hạng tín nhiệm chưa phù hợp thực tiễn
Đi vào cụ thể các vấn đề, ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế VNBA cho biết, trong thực tiễn thực hiện Thông tư 52, các ngân hàng gặp khá nhiều vướng mắc. Cụ thể, về phương pháp xếp hạng, thời gian qua, kết quả đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, Fitch Ratings, Standard&Poor’s đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam rất sát với thực tế.
Còn tại quy định tại Thông tư 52 chia các mức xếp hạng chỉ gồm A, B, C, D, E. Việc xếp hạng như vậy theo các ngân hàng đánh giá là đang quá rộng. Dải điểm trong một hạng cũng khá lớn khiến nỗ lực của các ngân hàng trong việc cải thiện điểm số chưa được ghi nhận đúng khi các ngân hàng đạt điểm 4.49 sẽ đạt được xếp hạng tương tự ngân hàng đạt điểm 3.5.
Vì vậy, các ngân hàng đề nghị NHNN xem xét xây dựng quy định xếp hạng các NHTM Việt Nam như đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế theo hướng xem xét chia nhỏ xếp hạng trong các xếp hạng lớn A, B, C, D, E thành các mức nhỏ hơn như A1, A2, B1, B2,… để đảm bảo ghi nhận việc phân loại được chính xác và đầy đủ nhất cũng như có sự so sánh tốt hơn giữa các NHTM, so sánh TCTD qua các thời kỳ.
Về phân nhóm các NHTM để xếp hạng, theo quy định tại Thông tư 52, các NHTM được phân thành 2 nhóm để xếp hạng: Nhóm NHTM có quy mô tổng tài sản trên 100 nghìn tỷ đồng và nhóm NHTM có quy mô tổng tài sản từ 100 nghìn tỷ đồng trở xuống. Tuy nhiên, trong hệ thống TCTD hiện nay, quy mô tổng tài sản của các NHTM không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn về cấp độ, các NHTM chênh lệch lớn về quy mô tổng tài sản từ 200-300 nghìn tỷ đồng, cách thức hoạt động, quản trị điều hành và hiệu quả kinh doanh rất khác nhau.
Đặc biệt là đối với các NHTM có quy mô tổng tài sản từ 1 triệu tỷ đồng trở lên cũng là những NHTM có tầm quan trọng lớn, đóng vai trò trụ cột trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Do đó, các quy định về tiêu chí, điểm số và trọng số tại Thông tư 52 là chưa phù hợp để đánh giá, xếp hạng đối với các NHTM lớn. Để tăng cường hiệu quả trong đánh giá, xếp hạng TCTD và làm cơ sở để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tương ứng phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét phân nhóm các NHTM theo các cấp độ chi tiết hơn, trong đó các NHTM có quy mô tổng tài sản từ 1 triệu tỷ đồng trở lên cần có phương thức đánh giá phù hợp.
Về chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh, năm 2020, các TCTD đã chủ động giảm thu nhập để chung tay chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp trong cả nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Năm 2021, các TCTD tiếp tục cắt giảm thu nhập để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong cả nước theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. Việc giảm thu nhập này ảnh hưởng lớn đến thu nhập lãi cận biên (NIM) và lợi nhuận trước thuế của các TCTD, dẫn đến giảm điểm các chỉ tiêu trong nhóm tiêu chí Kết quả hoạt động kinh doanh. Do đó, đề nghị NHNN xem xét cho phép các TCTD ghi nhận lại khoản thu nhập đã giảm để đánh giá chính xác kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ, tạo động lực cho các ngân hàng tiếp tục ủng hộ, thực hiện theo các chủ trương chia sẻ, hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ và NHNN.
Cũng liên quan đến tác động của dịch bệnh, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu gia tăng. Do vậy, các TCTD đề nghị Ban soạn thảo loại trừ nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và các văn bản sửa đổi, bổ sung khỏi nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu.
Tiêu chí về vốn được đánh giá chủ yếu dựa trên chỉ tiêu tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1; tuy nhiên, quy định về tính điểm, ngưỡng tính điểm và tỷ trọng của các chỉ tiêu này chưa phù hợp. Cụ thể, mức quy định hiện tại quá cao, các TCTD khó có khả năng đáp ứng. Để đạt được 5 điểm tối đa thì tỷ lệ CAR phải lớn hơn hoặc bằng 15% và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 phải lớn hơn hoặc bằng 12%. Đây là mức rất khó để có thể đạt được xét trên tỷ lệ CAR bình quân chung của toàn hệ thống.
Theo thống kê của NHNN đến ngày 28/2/2021, tỷ lệ CAR bình quân của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN là 11,16%, trong đó nhóm NHTM Nhà nước 9,08%, nhóm NHTM cổ phần 10,99%; Tỷ lệ CAR bình quân của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 22/2019/TT-NHNN là 10,86%, trong đó nhóm NHTM Nhà nước 11,1%, nhóm NHTM cổ phần 9,48%. Theo quy định của NHNN, các NHTM áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN phải duy trì tỷ lệ CAR tối thiểu 8%, các NHTM áp dụng Thông tư 22/2019/TT-NHNN phải duy trì tỷ lệ CAR tối thiểu 9%.
Việc quy định ngưỡng điểm thấp trong khi các NHTM vẫn đảm bảo tuân thủ tỷ lệ CAR theo quy định là chưa phù hợp. Do đó, các TCTD đề nghị Ban soạn thảo xem xét chỉnh sửa quy định về điểm đối với tiêu chí vốn theo hướng tính điểm tối đa đối với các NHTM tuân thủ tỷ lệ CAR theo quy định của NHNN; xem xét có cơ chế cộng điểm nếu tỷ lệ CAR cao hơn một mức nhất định để khuyến khích các NHTM thực hiện các giải pháp nâng cao mức độ an toàn vốn; đồng thời xem xét đánh giá, xếp hạng mức độ an toàn vốn của các NHTM theo các cấp độ gắn với quy mô tổng tài sản như đã nêu trên.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ mong muốn Ban soạn thảo Dự thảo Thông tư ghi nhận ý kiến của các Hội viên VNBA để ban hành Thông tư mới phù hợp với quy định pháp luật, thực tiễn đảm bảo TCTD hoạt động hiệu quả, an toàn.
“VNBA tiếp tục đồng hành các vụ, cục NHNN hoàn thiện Dự thảo thông tư để ban hành trong thời gian sớm nhất”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/con-nhieu-vuong-mac-ve-xep-hang-to-chuc-tin-dung-118562.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.