![]() | Giá thành thức ăn chăn nuôi kéo giá thịt lên cao |
![]() | Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó |
![]() | Thức ăn chăn nuôi: Thị trường dẫn dắt cuộc chơi |
Thời điểm hiện nay, giá thịt gà, thịt lợn trên thị trường đang giảm sâu. Thế nhưng thức ăn chăn nuôi lại đang tăng giá mà nguyên nhân là do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chính vì thế, để giải bài toán trên, ngành nông nghiệp phải tính cách chủ động sản xuất, cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ngay ở trong nước.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, từ tháng 11/2020 đến nay, giá thức ăn cho lợn có 9 lần tăng, bình quân một lần tăng 300-600 đồng/kg. Do vậy, mỗi con lợn đến khi xuất bán chi phí tăng thêm 1 triệu đồng. Thị trường giá thức ăn ngày càng tăng, giá lợn hơi giảm nên hiện người nuôi đang lỗ, nhiều hộ chăn nuôi không dám tái đàn.
![]() |
Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần được quan tâm hơn trong thời gian tới để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu |
Tỉnh Đồng Nai được xem là “thủ phủ” của ngành chăn nuôi vùng Đông Nam bộ với tổng đàn gia súc khoảng 2,6 triệu con, gia cầm khoảng 26,4 triệu con cũng đang rơi vào tình trạng đó. Người chăn nuôi phải mua giá thức ăn cao nhưng giá thịt lợn, thịt gà giảm mạnh khiến cuộc sống rất khó khăn. Một hộ chăn nuôi ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) tính đơn giản với chuồng lợn 200 con của mình thì mỗi ngày phải chi thêm 200.000 đồng - 300.000 đồng tiền thức ăn chăn nuôi trong khi giá lợn trên thị trường đang giảm so với trước rất nhiều. Cũng vậy, một đại lý bán thức ăn chăn nuôi tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, các loại thức ăn chăn nuôi cho lợn, gà, vịt từ đầu năm đến nay đều tăng ít nhất 20% đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương hiệu uy tín hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho biết, hiện giá gà, vịt đang xuống rất thấp. Ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến thị trường tiêu thụ khó khăn, nguyên nhân chính khiến người chăn nuôi thua lỗ, liên tục đối mặt rủi ro vẫn là do giá thức ăn thế giới tăng cao. Bởi vì lâu nay Việt Nam vẫn đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nên khi xảy ra biến động của giá nguyên liệu thế giới thì giá trong nước cũng tăng.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam dự báo nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới cần khoảng 28 - 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12 - 13 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm. Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 3,75% và chỉ tính sơ bộ riêng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tăng là 36,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trước tình trạng đó, theo các chuyên gia, để giải bài toán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp cần tận dụng nguồn nguyên liệu phụ phẩm các ngành sản xuất, chăn nuôi trong nước, như ngành thủy hải sản, ngành công nghiệp chế biến... Giải thích về tình trạng giá thức ăn tăng cao, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn, nhất là các nguyên liệu chính như ngô, đỗ tương, lúa mì… Hơn thế, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào nguồn nước ngoài quá nhiều, như ngô năm 2020, nước ta nhập khẩu gần 10 triệu tấn cho cả chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, trong khi trong nước chỉ sản xuất được 3 triệu tấn làm thức ăn chăn nuôi… Do sản xuất ít nên ngô của Việt Nam không thể cạnh tranh với ngô nhập khẩu cả về giá, chất lượng và sản lượng để sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi.
Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục nguy cơ khan hiếm, thiếu thức ăn chăn nuôi như tận dụng nguồn nguyên phụ phẩm của các ngành sản xuất, chăn nuôi trong nước như thủy hải sản, công nghiệp chế biến nông thủy sản… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cần tối đa hóa nguồn nguyên, nhiên vật liệu trong nước và dần thay thế nguồn nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, giảm giá thành bằng cách tận dụng các nguồn cung nguyên liệu từ địa phương. Đại diện Vụ Thống kê giá cho rằng, phát triển của ngành thủy sản đã tạo ra một lượng phụ phẩm lớn nhưng chưa được khai thác. Đây cũng là một nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần được quan tâm hơn trong thời gian tới để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu. Doanh nghiệp cần tối đa hóa nguồn nguyên liệu trong nước và xem xét thay thế được nguồn nhập khẩu, giảm các chi phí sản xuất để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi và giữ được mức độ hợp lý và tận dụng được nguồn nguyên liệu cung ứng từ các địa phương.
“Để phát triển ngành chế biến thức ăn chăn nuôi hiệu quả, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, cần áp dụng triệt để, hiệu quả các giải pháp, như chính quyền địa phương cần mở rộng diện tích trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi trong nước để làm thức ăn cho gia súc. Đặc biệt cần ưu tiên chuyển đổi nhanh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả và phần lớn diện tích cây vụ đông ở miền Bắc, miền Trung sang trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ; khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, thỏ gắn với trồng, chế biến cỏ, phụ phẩm công, nông nghiệp làm thức ăn; điều chỉnh cơ cấu các loại vật nuôi hợp lý, giảm tương đối các loại vật nuôi sử dụng nhiều ngũ cốc, như lợn và gia cầm...”, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thuc-an-chan-nuoi-tao-nguon-nguyen-lieu-de-giam-gia-thanh-118320.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.