Hàng trăm sàn môi giới bất động sản khủng hoảng, tâm lý bỏ cuộc

“Hàng nghìn nhà môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Chưa dừng lại tại đó, từ khó khăn về kinh tế, COVID-19 cũng kéo theo tâm lý khủng hoảng, tâm lý bỏ cuộc của nhiều cá nhân, hàng trăm đơn vị môi giới bất động sản”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.

Từ đầu năm 2020 nến nay, đại dịch COVID-19 khiến cho nền kinh tế Việt Nam phải chịu ảnh hưởng nặng nề chưa từng có trong lịch sử. Kể từ đợt dịch đầu tiên diễn ra, thị trường bất động sản ngay lập tức hứng chịu hàng loạt khó khăn, thiệt hại nghiêm trọng bởi quy định giãn cách.

Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó do ảnh hưởng COVID-19: Giải pháp và kiến nghị”, ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, cho biết hiện nay, rất nhiều sàn giao dich gặp khó khăn, đặc biệt là những sàn tại TP.Hồ Chí Minh khi họ đã sống chật vật trong suốt 2 tháng giãn cách vừa qua. Nếu không có sự hỗ trợ, rất có thể thị trường bất động sản sẽ chứng kiến hàng loạt giao dịch phá sản, đặc biệt là những sàn giao dịch yếu.

hang tram san moi gioi bat dong san khung hoang tam ly bo cuoc

Qua khảo sát của DKRA Việt Nam, có 50% doanh nghiệp có mức doanh thu đạt dưới 10% so với hoạt động trước dịch, có nguy cơ ngừng hoạt động rất cao; 30% doanh nghiệp có mức doanh thu từ 30-50%, có nguy cơ ngừng hoạt động cao; 10% doanh nghiệp có mức doanh thu từ 50-70%, hoạt động tạm ổn; 10% doanh nghiệp có doanh thu ổn định và hoạt động ổn định.

Các khó khăn của doanh nghiệp bất động sản, ngoài việc dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch kinh doanh còn đảo lộn mọi kế hoạch, các mục tiêu trong năm và mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng bị tác động đáng kể khi dịch bệnh kéo dài khiến lượng môi giới chuyển nghề rất lớn, qua đó gây khó khăn về nhân lực.

Theo ông Phạm Lâm, vấn đề lớn nữa mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt là dòng tiền. Dịch bệnh đã khiến doanh thu của doanh nghiệp bị sụt giảm nghiêm trọng, tuy nhiên việc thu hồi công nợ từ trước dịch cũng gặp các khó khăn. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi trả các khoản chi phí vận hành như mặt bằng, lãi vay hay đảm bảo lương cho cán bộ công nhân viên.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS Group cho hay, tại Việt Nam có khoảng 20% doanh nghiệp môi giới bất động sản lớn, đã có tích lũy từ trước, có kinh nghiệm vượt qua các thời kỳ khủng hoảng. Các sàn này đã xây dựng được hệ thống, đặc biệt là hệ thống nhân sự cũng như hệ thống các phòng ban bộ máy đã hoạt động rất chuyên nghiệp, thì đang có những sự chuẩn bị rất tốt cho thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bên cạnh đó, khoảng 80% các sàn nhỏ, chưa có nhiều tích lũy, bị ảnh hưởng nặng do khó khăn về dòng tiền, khó duy trì hoạt động thường xuyên trong thời kỳ dài, nhân viên bán hàng hoang mang không biết có bán được hàng hay không, dẫn tới việc nhân sự rời bỏ công ty. Các sàn có quy mô nhỏ và không có tích lũy tài chính thời điểm đang gặp những khó khăn cực kỳ lớn. Thời gian tới sẽ có những sàn phải dừng cuộc chơi và nhường lại sân chơi cho các sàn khác.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Đại Phúc Land cho biết, đối mặt với đại dịch lần này, các sàn môi giới bất động sản bị thiệt hại nặng nề do đa số có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực mỏng, không đủ dự phòng. Khi thị trường ngưng trệ kéo dài, không có sản phẩm để bán dẫn đến doanh thu không có, trong khi các chi phí khó giảm.

Ngoài ra, số lượng nhân viên càng lớn thì áp lực chi phí duy trì hoạt động càng cao, vì vậy nhiều sàn môi giới bất động sản buộc phải chọn giải pháp thu gọn quy mô, đóng cửa tạm thời, tạm dừng hoạt động để chờ đợi cơ hội thị trường phục hồi. Tuy nhiên thiệt hại là không tránh khỏi vì ít nhất có khoảng 30% các sàn môi giới bất động sản sẽ không trụ nổi trong đợt đại dịch lần thứ tư này.

Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, có 3 giải pháp cứu các sàn giao dịch bất động sản. Theo đó, muốn sàn tốt cần phải có thị trường tốt, phải cần có vắc-xin. Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nên thành lập quỹ vắc-xin để nhân viên kinh doanh tiếp cận sớm, để "dễ thở" hơn khi thị trường quay trở lại.

Ông Tuyển đề nghị giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT đến cuối 2022. Chính phủ cũng đã có chủ trương giãn, giảm thuế doanh nghiệp nhưng đối với thuế VAT nếu giãn được về cuối năm mới phải thanh toán một lần thì gánh nặng của các công ty kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản sẽ được giảm đi rất nhiều.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Lâm kiến nghị Chính phủ giảm thuế VAT, giảm 70% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong 3 quý cuối năm 2021, hoãn nộp các loại thuế này 6 tháng kể từ khi doanh nghiệp hoạt động lại.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/hang-tram-san-moi-gioi-bat-dong-san-khung-hoang-tam-ly-bo-cuoc-118273.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.