Nông dân điêu đứng vì bệnh hại cây trồng

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng thời tiết nắng mưa thất thường, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang bùng phát bệnh hại trên nhiều loại cây trồng như cây sắn, cây mía, hồ tiêu... Trước tình hình này, chính quyền địa phương và người nông dân đang oằn mình tìm giải pháp phòng, chống để giảm thiểu thiệt hại đối với các loại cây trồng của người nông dân.

Hàng ngàn hecta cây trồng bị thiệt hại

Từ nhiều tháng nay, người trồng sắn ở các huyện Ia Pa, Phú Thiện, Kbang, Krông Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Chư Prông, thị xã Ayun Pa và An Khê (Gia Lai) căng mình tìm biện pháp xử lý bệnh khảm lá vi rút hại cây sắn. Hiện bệnh dịch này lan rộng ra nhiều địa phương, gây hại hàng ngàn hecta cây trồng của người nông dân địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, hiện đây là địa phương có diện tích trồng sắn lớn nhất cả nước, với 78.880ha. Người nông dân chủ yếu sử dụng các loại giống như KM94, KM419, KM140, KM98-5. Đây là cây trồng góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động với hơn 75.500 hộ. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện bệnh bệnh khảm lá vi rút hại cây sắn đang có diễn biến phức tạp và lan rộng ra tại nhiều huyện. Hiện Gia Lai có hơn 1.236ha diện tích trồng sắn tại nhiều huyện, thị xã bị nhiễm bệnh.

nong dan dieu dung vi benh hai cay trong
Hàng ngàn hecta cây trồng của nông dân trên địa bàn Gia Lai bị thiệt hại do sâu bệnh

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Pa, vụ sắn mùa năm 2018, bệnh khảm lá vi rút hại sắn xuất hiện lần đầu tiên tại địa phương, toàn huyện có 44ha sắn bị nhiễm bệnh. Năm 2019, dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng với hơn 2.587ha. Riêng vụ Đông Xuân 2020-2021 có 125ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá.

Hay như tại huyện Krông Pa - địa phương có diện tích sắn lớn nhất Gia Lai, năm 2018, bệnh xuất hiện trên 7ha. Tuy nhiên, những vụ sau đó, bệnh đã lây lan ra hơn 50% diện tích. Theo cơ quan chức năng địa phương, bệnh khảm lá sắn do vi rút tồn tại trong đất và chưa có thuốc đặc trị. Mặc dù, cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền nhưng một số hộ nông dân vẫn ỉ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, đa số người dân vẫn lấy hom sắn bị nhiễm bệnh từ vụ sản xuất trước để làm giống cho năm sau. Dẫn đến mầm bệnh lây lan nhanh và khó xử lý triệt để...

Không riêng bệnh hại trên cây sắn, tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai được xác định là vựa mía đường của khu vực Tây Nguyên. Thế nhưng, nhiều diện tích trồng mía của nông hộ xuất hiện bệnh trắng lá. Riêng tại huyện Ia Pa bệnh trắng lá mía gây hại rất nặng, hàng trăm hecta mía của nông dân bị mất trắng.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn huyện Ia Pa có 4.274ha mía. Đến nay, 393ha mía bị nhiễm bệnh trắng lá. Trong đó, có 45,8ha được phòng trừ tiêu hủy nguồn bệnh, 347,2ha đang nhiễm bệnh, tập trung tại các xã Pờ Tó, Kim Tân, Chư Răng, Ia Ma Rơn. Bệnh trắng lá mía gây hại chủ yếu trên các giống KK3, Uthong 7, K95-84, K84-200.

Thời tiết nắng nóng kèm theo mưa xen kẽ được xác định là nguyên nhân tạo môi trường thuận lợi để vi rút gây bệnh trắng lá mía bùng phát. Một nông dân trồng mía ở xã Kim Tân, huyện Ia Pa cho hay, gia đình trồng mía hơn chục năm nay nhưng niên vụ này cây mía bị bệnh trắng lá gây hại nặng nhất. Thời gian đầu, mía phát triển bình thường nhưng khi có vài cơn mưa xuống là bệnh xuất hiện. Lúc đầu chỉ có vài bụi nhưng dần lây lan đến khoảng 80% diện tích. Vậy nên gia đình đành phải cày bỏ để trồng loại cây khác. Thiệt hại là khá nặng, vì 1ha trồng mía, người trồng phải đầu tư khoảng 20-25 triệu đồng. Tiền giống, phân bón, cày đất được Nhà máy Đường Ayun Pa cho tạm ứng, giờ hưa biết làm thế nào để trả nợ...

Chính quyền địa phương vào cuộc

Khi phát hiện bệnh hại trên cây sắn và cây mía, UBND huyện Ia Pa chỉ đạo UBND các xã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng trừ bệnh. Người dân đã dần nhận thức được tác hại và chủ động trong công tác chọn, kiểm soát nguồn giống trước khi đưa vào trồng. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa cao.

Riêng đối với cây mía, cơ quan chức năng địa phương dự báo thời gian tới, bệnh trắng lá mía tiếp tục gây hại trên các diện tích đang bị nhiễm do mầm bệnh còn trên đồng ruộng. Khi gặp thời tiết nắng nóng kèm theo mưa xen kẽ, bệnh sẽ phát sinh gây hại. Để hạn chế bệnh trắng lá mía, người trồng nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và kịp thời tổ chức tiêu hủy nguồn bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Điều đáng nói, hiện bệnh này chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Chỉ có các biện pháp phòng ngừa chủ yếu là sử dụng giống sạch bệnh, kiểm dịch thực vật, tiêu hủy nguồn bệnh. Đối với diện tích mía bị nhiễm bệnh ở mức độ nặng (trên 60%) thì người dân nên cày bỏ, tiêu hủy toàn bộ và chuyển sang trồng cây khác...

Trước diễn biến phức tạp của bệnh hại các loại cây trồng chủ lực của địa phương, mới đây, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 1100/UBND-NL về việc tập trung đẩy mạnh công tác phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng trên địa bàn.

Để chủ động phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả, hạn chế thiệt hại cho sản xuất, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân nhận biết về đặc điểm phát sinh gây hại của từng đối tượng dịch hại và phương pháp phòng trừ có hiệu quả đối với bệnh khảm lá vi rút hại sắn, bệnh trắng lá mía, sâu keo mùa thu… kiên quyết không dùng giống nhiễm bệnh kéo dài. Đồng thời hướng dẫn nông dân dùng giống kháng sâu bệnh có năng suất và chất lượng tốt. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật…

Cùng với đó, yêu cầu các nhà máy chế biến đường, tinh bột sắn trên địa bàn có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí, đồng hành cùng người nông dân trồng sắn, mía phòng trừ bệnh; tiêu hủy nguồn bệnh đúng quy định, bảo vệ vùng nguyên liệu an toàn, bền vững. Chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện, cấp xã có vùng nguyên liệu của nhà máy tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về quy trình kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, thực hiện có hiệu quả phòng-chống bệnh; chấp hành nghiêm công tác kiểm dịch thực vật theo quy định...

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nong-dan-dieu-dung-vi-benh-hai-cay-trong-118039.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.