Nhiều biện pháp bình ổn thị trường

Nhiều chợ đầu mối, chợ dân sinh cùng một số siêu thị phải đóng cửa do có liên quan đến ca nhiễm Covid-19 khiến giá thực phẩm tại Hà Nội trong những ngày gần đây tăng cao. Ngay lập tức thành phố đã triển khai nhiều biện pháp để ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ người dân.

Giá thực phẩm thay đổi theo ngày

Vừa đi chợ để mua đồ ăn cho gia đình trong 3 ngày tới, chị Vũ Thị Phượng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết rất bất ngờ vì giá thực phẩm đã tăng cao hơn hẳn so với vài hôm trước.

Cụ thể, giá thịt lợn loại ngon mới tuần trước bán 160.000 đồng/kg thì nay lên 190.000-200.000 đồng/kg, thịt gà 120.000 đồng/kg thì tuần này lên 150.000 đồng/kg, các loại rau cũng đều tăng giá gấp hai, gấp ba lần. Chỉ mua đồ đủ ăn trong vài ngày cho gia đình 4 người, chị Phượng đã phải bỏ ra cả triệu bạc.

Đặc biệt, giá trứng gia cầm các loại vài hôm trước đã tăng gấp đôi nay lại tăng thêm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo một số người dân, nếu trứng gà công nghiệp trước dịch có giá 20.000 đồng/chục thì giờ đã có giá 40.000 đồng, trứng vịt loại ngon đã tăng lên 50.000 - 60.000 đồng/chục.

nhieu bien phap binh on thi truong
Hàng hóa tại các siêu thị vẫn dồi dào để phục vụ nhu cầu của người dân

Được phát phiếu đi chợ vào các ngày chẵn trong tuần, tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Hằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết chỉ đi chợ một lần cho cả tuần để hạn chế tối đa việc ra ngoài, nếu thiếu đồ gì chỉ cần gọi điện sẽ có người mang tới. Việc mua hàng hóa không có gì khó khăn nhưng điều làm chị Hằng đau đầu đó chính là giá thực phẩm những ngày này đang tăng “phi mã”. Lấy ví dụ, rau muống từ 7.000 đồng nay đã tăng lên 10.000 đồng/mớ. Tăng giá cao nhất là các loại hành lá, từ 25.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg. Cà chua từ 20.000 đồng tăng lên 30.000-40.000 đồng/kg tùy loại. Hay cá trắm to loại cắt khúc giá đã tăng từ 90.000 đồng/kg lên 110.000-120.000 đồng/kg.

Theo nhiều tiểu thương, giá thực phẩm tại chợ trong những ngày gần đây tăng một phần do chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội là chợ Long Biên đang đóng cửa do có liên quan đến ca nhiễm Covid-19, hàng hóa cũng hạn chế. Bên cạnh đó, việc kiểm soát xe vào thành phố chặt chẽ, chỉ những xe luồng xanh mới được vào khiến chi phí vận chuyển tăng lên, hàng về cũng ít hơn.

Khảo sát tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm online, giá thực phẩm cũng có mức tăng nhẹ so với một tuần trước đó. Theo Sở Công thương Hà Nội, trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã bị đóng cửa dừng hoạt động.

Vốn là một lao động tự do, anh Nguyễn Văn Niệm (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã phải ngừng việc ở nhà gần 3 tuần nay. Nghỉ việc không có thu nhập, anh đành phải dùng số tiền tích lũy ít ỏi để trả tiền thuê phòng và chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, giá thực phẩm không ngừng tăng trong những ngày gần đây khiến anh lo lắng. Vừa đi ra chợ mua một mớ rau mồng tơi để nấu canh với giá 20.000 đồng, anh Niệm cho biết giá đã tăng gấp 3 lần so với khi trước dịch.

Đảm bảo bình ổn thị trường

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 127 siêu thị chủ yếu tập trung tại các quận nội thành, 458 chợ, trên 1.800 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm... hầu hết đều được mở cửa phục vụ người tiêu dùng, giá hàng hóa tại các siêu thị đều ổn định.

Trước tình trạng nhiều điểm bán thực phẩm tươi sống (chợ, siêu thị) ngừng kinh doanh cùng một thời điểm, hàng hóa nhiều nơi bị thiếu, mới đây UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND về việc đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn TP. Hà Nội phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, thành phố thiết lập phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân phòng, chống dịch trên địa bàn. Cùng với đó, tiếp tục triển khai ngay 2.500 điểm bán lưu động đã bố trí tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, các khu vực đất trống, 472 điểm giao dịch của hệ thống bưu điện, các địa điểm tập kết trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về, đa dạng hình thức bán lưu động.

Việc một số chợ có biểu hiện tăng giá, một phần do tự phát, một phần do các chi phí phát sinh, 2 ngành NNPTNT và công thương Hà Nội sẽ phối hợp đẩy mạnh kiểm tra, xử lý.

Tính đến nay trên địa bàn thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công thương niêm yết công khai trên địa bàn thành phố để phục vụ nhân dân.

Ngoài các giải pháp tăng cường điểm bán bù vào các điểm bị phong tỏa, tìm thêm các vị trí đất trống để triển khai các điểm bán hàng, Sở Công thương Hà Nội cho biết, đang tiếp tục kết nối với các tỉnh, thành phố cung cấp hàng hóa cho Hà Nội qua các kênh phân phối nhằm cân đối cung cầu, đảm bảo đủ nhu cầu phục vụ nhân dân trên địa bàn. Sở Công thương Hà Nội cũng rà soát nguồn hàng các tỉnh đang cung cấp trọng tâm là với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong Ban điều phối chuỗi cung ứng rau, thịt, thực phẩm an toàn cho TP. Hà Nội.

Sở tập trung khai thác nguồn hàng gần 800 chuỗi, các doanh nghiệp chế biến lớn, các doanh nghiệp, hộ sản xuất các sản phẩm OCOP, các hợp tác xã… của các tỉnh, thành phố để đưa về Hà Nội.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, các mặt hàng thực phẩm có dấu hiệu tăng giá trong những ngày gần đây ở chợ dân sinh do chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian giãn cách đã tăng lên, nguồn hàng về cũng hạn chế hơn, nhu cầu của người dân cao hơn. Nhiều chợ đầu mối, chợ dân sinh đóng cửa tạm thời cũng khiến việc cung ứng hàng hóa bị gián đoạn. Theo ông Phú, thành phố nên có phương án điều chỉnh phù hợp, chuyển hàng từ nơi thừa sang nơi thiếu, triển khai các điểm bán hàng lưu động hiệu quả và thực hiện các biện pháp để bình ổn thị trường, giúp người dân an tâm chống dịch.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhieu-bien-phap-binh-on-thi-truong-117946.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.