![]() |
Tập sách chia làm hai phần. Phần đầu bao gồm hơn 20 bài viết tiểu luận, phê bình đưa ra những nhận định chuyên sâu của tác giả về các chủ đề lớn trong âm nhạc Phạm Duy. Phần hai là phần tạp bút, bao gồm những bài viết mang nặng cảm xúc về những ca khúc Phạm Duy mà tác giả yêu thích.
Trong lời mở đầu giới thiệu tập sách, tác giả khẳng định: Từ những ca khúc ông tự viết lời cho đến những bài thơ được ông phổ nhạc đều làm cho tiếng Việt thăng hoa. Lời ca trong nhạc Phạm Duy mãi còn theo năm tháng lòng người yêu nhạc. Với người đời, Phạm Duy được xưng tụng là “phù thủy âm nhạc”. Riêng tôi, qua những lời ca, Phạm Duy là người yêu tiếng Việt khôn cùng.
Ca từ trong các tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy thể hiện rõ tính cách có đủ 3 yếu tố. Trước tiên, đó là Cái Tôi yêu nước. Hầu như mọi người đều công nhận trong một số bài hát, cũng như một số trường ca, Cái Tôi yêu quê hương, đất nước của ông cất lên cùng tiếng lòng của người dân Việt. Đâu phải một mình Phạm Duy mới thể hiện tình yêu quê hương, đất nước trong âm nhạc. Nhưng qua lời ca, nghe lời ca ấy cất lên, người yêu nhạc lại thổn thức, trầm trồ có một nhạc sĩ viết lời ca với những giai điệu làm xao xuyến lòng người, khơi dậy cái tình yêu quê hương, đất nước ấy trong bản thể của người nghe. Cái tình yêu ấy bắt nguồn từ tiếng khóc đầu đời, từ lời ru của mẹ, của bà… Không thể không xúc động khi nghe lời ca: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời!Người ơi!/Mẹ hiền ru những câu xa vời/À à ơi!Tiếng ru muôn đời/Tiếng nước tôi!Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi! Nước ơi!”…(Tình Ca).
Ngoài ra, trong lời ca của Phạm Duy bộc lộ Cái Tôi khát vọng tự do. Bởi “Tự do đáng để trả giá” (Jules Verne), tự do là thứ quý nhất trên đời. Khát vọng tự do có trong lời ru con: “À ơi, con ngủ u ù cho muồi/À ơi, cười vui trong giấc mộng/À à ơi! Yêu đời tự do/À à ơi, à à ơi! À à ơi, à à ơi!” (Vợ Chồng Quê). Cũng có cả trong lời xưng tụng ngợi ca: “Việt Nam đây miền xinh tươi/Việt Nam đem vào sông núi/Tự do công bình bác ái muôn đời” (Việt Nam! Việt Nam!).
Bên cạnh, Phan Trang Hy cho rằng, trong nhạc Phạm Duy, lời ca còn thể hiện Cái Tôi ước mơ. Mơ ước giúp con người hy vọng vào cuộc sống, tin vào tương lai. Một cuộc sống buồn tênh bởi kiếp nghèo, bởi hoàn cảnh vẫn không ngăn được niềm ước mơ về cuộc sống an lành: “Đường về trong mơ đêm đêm phố lớn thênh thang/Ánh sáng kinh kỳ tràn lan/Đời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng Xuân sang/Yêu phố vui, nhà gạch ngon/Đèn đêm không soi bóng vắng/Kinh đô thắc mắc/Im nghe phố buồn/Người đi trong đêm tối ám/Nghe mưa thức giấc/Khuyên nhau chờ mong”. (Phố Buồn).
Nhắc đến Trường Ca “Con Đường Cái Quan”, tác giả viết: Tôi không thể không nói lời biết ơn có một nhạc sĩ đã nói hộ bao người dân Việt về một nước Việt Nam thống nhất. Thống nhất trong lịch sử từ thuở chia đôi trăm con, từ thuở mở rộng cõi bờ đến hoàn thành xứ sở; thống nhất từ điệu hò, điệu lý đến truyền thuyết, cổ tích, ca dao… Đặc biệt, trong bài Tình ca, tác giả nhấn mạnh: “Nghe cả bài Tình ca, hầu như mọi người đều có chung cảm xúc tự hào về đất Mẹ Việt Nam. Cái Tôi yêu nước, thương nòi trong bài hát này đâu còn của riêng Phạm Duy, mà trở thành Cái Tôi chung của mọi người. Mỗi khi nghe lại bài hát này, tôi thấy yêu vô cùng tiếng nói Việt Nam”.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/pham-duy-va-loi-ca-lang-dong-117642.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.