![]() | Nỗ lực đảm bảo mục tiêu xuất khẩu |
![]() | 7 tháng, Việt Nam có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD |
![]() | Đẩy mạnh cấp thư tín dụng trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp |
Trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú đưa ra kế hoạch tiếp tục duy trì vị thế của công ty xuất khẩu thủy sản hàng đầu, giữ vững thị trường xuất khẩu hiện có cũng như không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Dù trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, công ty cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu thuần năm 2021 hơn 15.774 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm trước, kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm nay 1.092 tỷ đồng, tương đương 47,3 triệu USD.
Ở lĩnh vực xuất khẩu có vị thế khác, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa có tổng kết tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm. Theo đó, nửa đầu năm 2021 thị trường ghi nhận những phục hồi tích cực của tổng cầu trên thị trường thế giới, lực cầu tăng đã làm cho lưu lượng giao dịch hàng hoá dệt may tăng cao, đem lại nguồn đơn hàng dài, số lượng lớn cho phần lớn doanh nghiệp sau thời gian khó khăn nặng nề bởi ảnh hưởng dịch bệnh.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Công thương, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tác động đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, tuy nhiên kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58%). Trong đó, mặt hàng điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 25,1 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,7 tỷ USD, tăng 22,1%, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 17 tỷ USD, tăng 63,4%, hàng dệt và may mặc đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9%, giày dép đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,8%...
Một số chuyên gia cho rằng, nhu cầu và giá hàng hóa xuất khẩu đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Đồng thời, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc xin, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.
“Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố là khu vực sản xuất hàng hóa lớn như TP.HCM, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới”, chuyên gia nhận định.
Mặc dù vậy, Bộ Công thương cũng dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Song để giữ vững được vị thế đối với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp rất cần các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành như xúc tiến thương mại, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, tiêu thụ hàng hoá trong và ngoài nước trên môi trường số trong điều kiện giãn cách xã hội, giúp doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường sang các nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ những mặt hàng Việt Nam có sản lượng lớn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.
Theo số liệu của Cục Hải quan TP. HCM, đến ngày 15/7 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá lũy kế đạt 12.916 tỷ USD, tăng 37,14% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 4.589 tỷ USD, tăng 5,54% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 8.327 tỷ USD, tăng 64,24%. Mặc dù TP.HCM đang đối mặt với khó khăn của đợt bùng phát dịch bệnh nhưng tổng số lượng tờ khai xuất nhập khẩu đạt 251.569 tờ, tăng 8,43% so với kỳ trước. Trong đó số lượng tờ khai xuất khẩu là 116.229 tờ, tăng 10% và số lượng tờ khai nhập khẩu là 135.340 tờ khai, tăng 7% so với kỳ trước. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-day-manh-xuat-khau-117543.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.