Hỗ trợ lao động tự do: Làm sao để nhanh và hiệu quả?

Các địa phương cần chủ động vào cuộc và quyết tâm làm đến cùng để hỗ trợ nhanh và kịp thời nhất cho các lao động tự do.
ho tro lao dong tu do lam sao de nhanh va hieu qua Hỗ trợ nhanh nhất cho người sử dụng lao động vay vốn theo Nghị quyết 68

TP. Hồ Chí Minh - mẫu hình tham khảo

Chỉ sau 1 tuần triển khai thực hiện Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND TP. Hồ Chí Minh về triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (trong thời gian phải giãn cách theo Chỉ thị 15 từ 31/5 - 29/6), trong số 230.000 lao động tự do trên địa bàn, đã có gần 220.000 người được nhận hỗ trợ. Tổng số tiền đã hỗ trợ là 330,220 tỷ đồng.

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong triển khai hỗ trợ, chế độ nào mà Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP. Hồ Chí Minh chưa có hoặc không bằng mức trong Nghị quyết 68 thì thành phố sẽ bổ sung và bù đủ. Đồng thời, mỗi người chỉ nhận một mức hỗ trợ, tức nếu đã nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 09 thì sẽ không được nhận thêm hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

ho tro lao dong tu do lam sao de nhanh va hieu qua
Ảnh minh họa

Quan sát cách làm của TP.Hồ Chí Minh và kết quả bước đầu, ông Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam nói: “TP. Hồ Chí Minh thực hiện chính sách hỗ trợ này với tâm thế chủ động, mục tiêu đối tượng rõ ràng, cách thức hỗ trợ rành mạch, điều kiện thủ tục dễ dàng và chuẩn bị tốt về mặt ngân sách. Chính vì vậy khi đi vào triển khai hỗ trợ được thực hiện rất nhanh, thể hiện qua những kết quả đạt được. Dù mức hỗ trợ không phải là nhiều nhưng rất có ý nghĩa đối với các lao động tự do nhất là trong bối cảnh toàn thành phố đang phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16”.

Cách làm của TP.Hồ Chí Minh là chủ động, nhanh gọn, thủ tục đơn giản, điều kiện nhận hỗ trợ rõ ràng, thời gian xử lý ngắn, ngân sách sẵn sàng và linh hoạt về cách thức chi tiền hỗ trợ như đưa tiền tận nhà, lập các điểm “dã chiến” để hỗ trợ…

Chuyên gia Lê Duy Bình cho rằng, từ hiệu quả triển khai nhanh của TP. Hồ Chí Minh sẽ có nhiều bài học và kinh nghiệm quý rút ra và có thể coi đây hình mẫu tốt cho các địa phương khác học hỏi. “Tất nhiên là mỗi tỉnh, địa phương sẽ có những điều kiện, hoàn cảnh và cách làm khác nhau nhưng kết quả thực hiện từ TP. Hồ Chí Minh chứng minh một điều là những lý do mà trước đến nay chúng ta thường đưa ra để diễn giải cho việc không thực hiện được là không có cơ sở. Vấn đề là có sự chuẩn bị hay không; có quyết tâm làm và làm đến cùng hay không”, TS. Bình nói.

Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia cho rằng thực hiện chính sách hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh là nhanh, hiệu quả và các tỉnh thành khác có thể tham khảo. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề đặt ra như do TP. Hồ Chí Minh đã có danh sách các đối tượng từ lần hỗ trợ trước đây nên quá trình xác định đối tượng sẽ dễ dàng hơn. Trong khi đó, việc thống kê lao động tự do có thể sẽ không dễ và mất nhiều thời gian hơn với các tỉnh thành khác. Hay có nên mở rộng ra hỗ trợ cho tất cả các nhóm việc làm khác nhau của người lao động tự do?...

Cần chủ động, linh hoạt trong triển khai

Nhìn lại gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ năm 2020, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai thiếu hiệu quả là do thiếu quy định rõ ràng về trách nhiệm thực thi của các bộ, ngành, các địa phương, điều kiện quá chặt chẽ và thiếu tính khả thi, thủ tục hỗ trợ phức tạp. Nhiều địa phương không khảo sát đầy đủ, bỏ sót nhiều người lao động tự do đang gặp khó khăn trong khi các kênh thông tin về chính sách hỗ trợ đến đối tượng là lao động tự do vẫn còn chưa phù hợp. Vì tỷ lệ lao động tự do biết về gói hỗ trợ này còn rất hạn chế và nhiều người trong diện được hỗ trợ không nhận được hỗ trợ.

Nghị quyết 68 của Chính phủ vừa ban hành đã thể hiện rõ tính nhân văn và bao trùm, sự hỗ trợ không bỏ sót những người lao động phi chính thức. Nhưng Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68 chưa có hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ với lao động tự do, nên để giải quyết các vấn đề như vậy cần có thêm văn bản hướng dẫn thực hiện. Ông Phạm Quang Tú - Phó giám đốc quốc gia, tổ chức Oxfam tại Việt Nam đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68 đối với nhóm lao động tự do, trong đó quy định trách nhiệm thực thi chính sách của các bộ, ngành và các địa phương.

Chuyên gia này cũng đề xuất cần mở rộng hỗ trợ tất cả các nhóm việc làm khác nhau của người lao động tự do và dựa trên một tiêu chí duy nhất đó là bị giảm hoặc mất việc làm do tác động của Covid-19. Đồng thời, yêu cầu UBND các tỉnh đơn giản hóa quy trình, thủ tục và quy định thời gian thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trong đó, việc rà soát nhóm người lao động tự do cần thực hiện theo nhiều kênh khác nhau (như người lao động tự do thực hiện đăng ký hỗ trợ trực tiếp tại tổ dân phố; tổ dân phố rà soát, lập danh sách lao động tự do trong địa bàn; chủ các cơ sở lập danh sách lao động không có hợp đồng lao động chính thức…) và nên bỏ yêu cầu người dân phải chứng minh cư trú hợp pháp, tức là không cần lấy xác nhận ở nơi thường trú hoặc tạm trú khi đăng ký nhận hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cân đối nguồn lực ngân sách để hỗ trợ cũng là vấn đề không dễ với nhiều địa phương. Để giải quyết vấn đề này, đại diện Oxfam đề xuất đối với lao động tự do không phải là người lao động di cư, Chính phủ sẽ hỗ trợ ngân sách thực hiện đối với các tỉnh, thành phố đang gặp khó khăn theo như quy định chung của Nghị Quyết 68. Đối với nhóm đối tượng lao động tự do di cư, Chính phủ hỗ trợ 100% từ ngân sách trung ương để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa tỉnh có lao động đi và tỉnh, thành phố có lao động đến.

Ngoài ra, với mỗi người lao động tự do, có thể chính họ cũng đang phân vân không biết mình có thuộc diện được hỗ trợ không, cần gặp ai, làm các thủ tục gì hay nhận hỗ trợ ở đâu. Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, những vấn đề như vậy về cơ bản có thể giải quyết bằng công nghệ qua việc xây dựng một nền tảng trực tuyến riêng cho gói hỗ trợ Covid, như thông qua một App hay một fanpage riêng chuyên về cứu trợ trong dịch Covid-19. Trong đó thông tin chi tiết về đầu mối liên lạc, đường dây nóng tiếp nhận thông tin ở cấp trung ương và địa phương. Người dân cũng có thể qua các kênh này để gửi thông tin của mình tới chính quyền nơi cư trú. Chính quyền dễ dàng tổng hợp và kiểm chứng thông tin, sau đó nếu đúng thuộc diện hỗ trợ sẽ chi nhanh chóng qua nhiều hình thức từ chuyển khoản, phát tiền mặt tùy theo yêu cầu của từng người.

Trong khi đó theo TS. Lê Duy Bình, để hỗ trợ lao động tự do, các địa phương cần sớm đưa ra hướng hỗ trợ, thống kê đối tượng, cân đối nguồn ngân sách, xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND (vì theo luật để chi ngân sách phải có Nghị quyết của HĐND). “Tôi nghĩ những công việc này các tỉnh, thành phố hoàn toàn có thể làm nhanh được vì thực tế ngoài TP. Hồ Chí Minh thì một số địa phương đã bắt đầu làm rồi, hơn nữa phải nhanh chóng để hỗ trợ được đúng thời điểm là điều rất quan trọng lúc này”, chuyên gia này nói.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ho-tro-lao-dong-tu-do-lam-sao-de-nhanh-va-hieu-qua-116903.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.