Hàng triệu người thất nghiệp, thiếu việc làm
Là nhân viên văn phòng cho một công ty du lịch trong nước, kể từ khi dịch bệnh tái bùng phát và lây lan nhanh từ đầu tháng 5, công việc của anh Quốc Tuấn (35 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) rơi vào tình cảnh bấp bênh khi công ty liên tục nợ lương và nhiều khả năng sẽ phải đóng cửa.
“Công ty tôi vừa gượng dậy sau đợt dịch năm ngoái với hy vọng sẽ dần hồi phục trong mùa Hè này thì làn sóng dịch mới lại bắt đầu. Tình hình ngày càng phức tạp nên chủ lao động đã phải cắt giảm phần lớn nhân viên. Sắp tới tôi cũng phải chuyển hướng tìm công việc khác để mưu sinh”, anh Tuấn than thở.
![]() |
Nhiều cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa do dịch bệnh |
Còn chị Ngọc Huyền (31 tuổi), giáo viên một trường tư thục ở Hà Đông, Hà Nội cũng đang phải chật vật lo từng bữa ăn sau khi trường học bị đóng cửa. Hơn 2 tháng qua, chị chỉ quanh quẩn trong phòng trọ, thu nhập không có lại cộng thêm chi phí sinh hoạt đắt đỏ, gia đình chị đành chấp nhận xa nhau. Chị cùng con nhỏ trở về quê ngoại ở với bố mẹ còn chồng chị tiếp tục bám trụ lại thành phố. Mọi khoản trang trải của cả gia đình đều trông chờ vào đồng lương khoảng 7 triệu đồng của chồng.
Không riêng gì chị Huyền, anh Tuấn, rất nhiều người lao động đã rơi vào tình cảnh thất nghiệp sau đợt dịch vừa qua khi một loạt công ty, doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, đóng cửa, thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công. Nhiều người thậm chí đã phải chuyển về quê sinh sống để cắt giảm chi phí, chờ đợi dịch bệnh qua đi.
Báo cáo Tình hình lao động, việc làm quý 2/2021 và 6 tháng đầu năm 2021 được Tổng cục Thống kê công bố mới đây đã cho thấy bức tranh ảm đạm của thị trường lao động bị tác động bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, quý 2/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
“Như vậy, so với quý 1/2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng”, Tổng cục thống kê nhận định.
Đáng chú ý, lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với hơn khu vực nông thôn. Có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, trong khi đó con số này ở nông thôn là 14,3%.
Gần một nửa (48,1%) tổng số người thất nghiệp cho biết công việc của họ bị bệnh dịch gây hại (tăng 11,8 điểm phần trăm so với quý trước). Khoảng một phần năm (22,6%) số người đang có việc làm cho biết họ chịu tác động xấu bởi đại dịch (tăng 7,1% điểm phần trăm so với quý trước).
Lao động có việc làm trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản ít chịu tác động xấu của đại dịch nhất, chỉ có với 8,9% lao động trong khu vực này cho biết họ chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Đứng thứ hai là lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng với 24,6% bị ảnh hưởng. Lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tỷ lệ 30,6%.
Với việc gia tăng số người “rơi” vào tình cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2/2021 tăng 87,1 nghìn người so với quý trước, lên gần 1,2 triệu người. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động quý 2/2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,36%.
Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tước đi hy vọng về khả năng tìm kiếm được việc làm của người lao động. Chính vì vậy, khi mất việc, thay vì tích cực đi tìm việc làm khác, người lao động lại tin là không thể tìm được việc làm và chấp nhận tạm thời rời khỏi lực lượng lao động, trở thành lao động không sử dụng hết tiềm năng trong nền kinh tế.
Nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường, Tổng cục Thống kê đã khuyến nghị tập trung vào 5 giải pháp:
![]() |
Lao động trong lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nhất với tỷ lệ 30,6% |
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Thứ hai, chủ động và tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.
Thứ ba, có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm, không tham gia học tập đào tạo tích cực học tập nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0.
Thứ tư, nâng cao vai trò của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động, tạo niềm tin cho người lao động về cơ hội có việc làm, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.
Thứ năm, tập trung hỗ trợ nhiều hơn đến đối tượng yếu thế trong xã hội (công nhân, buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức,…) vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương khi việc thực hiện giãn cách xã hội, bằng những hỗ trợ thiết thực; để giảm thiểu những tác động tiêu cực về mặt xã hội.
Ngày 1/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP trước đây, Nghị quyết số 68/NQ-CP được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.
Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỷ đồng. Quyết sách này thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của chính sách an sinh “không để ai bị bỏ lại phía sau” theo chủ trương chung của Chính phủ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/buc-tranh-thi-truong-lao-dong-phu-mau-xam-116477.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.