Tích cực đưa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào cuộc sống
15:54 | 01/07/2021
Đây là chỉ đạo của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú tại Hội nghị công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) và đầu tư xây dựng năm 2021 trong ngành Ngân hàng, diễn ra ngày 1/7 tại Hà Nội.
![]() |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, THTK, CLP trong các lĩnh vực là hoạt động quanh năm, trách nhiệm triển khai nhiệm vụ là thường xuyên, nhất là các lĩnh vực sử dụng công quỹ của Nhà nước. Trong ngành Ngân hàng, những năm trước nhiệm vụ này đã được quán triệt đầy đủ, chặt chẽ nhưng trong năm nay cần phải quyết liệt hơn, buộc các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc hơn.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tài Chính - Kế toán Phạm Thị Minh Nghĩa cho biết, năm 2020, NHNN và các đơn vị đã đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế định mức, tiêu chuẩn về quản lý tài chính, tài sản, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý lao động để làm cơ sở triển khai thực hiện THTK, CLP.
Về quản lý, điều hành kinh phí khoán, NHNN đã ban hành 5 văn bản yêu cầu các đơn vị NHNN và các đơn vị sự nghiệp chủ động rà soát, triệt để tiết kiệm chi hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước, tiết kiệm chi phí đoàn ra, đoàn vào... theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhờ đó, chênh lệch thu chi của NHNN đạt trên 15.132,001 tỷ đồng; 100% đơn vị thực hiện chi tiêu trong mức khoán; một số khoản chi phí quản lý tiết giảm nhiều so với năm 2019 như chi nghiên cứu khoa học giảm 22,5%, chi công tác phí giảm 51,7%, chi xăng dầu giảm 38,1%...
THTK, CLP trong quản lý, sử dụng, mua sắm tài sản của NHNN cũng được tích cực triển khai. Thông qua khâu thẩm định kế hoạch năm 2020 của các đơn vị, NHNN đã tiết giảm 133 tài sản với giá trị 155,7 tỷ đồng; tiếp tục quán triệt, chỉ đạo các đơn vị rà soát, dừng triển khai mua sắm đối với các gói thầu chưa cần thiết, cấp bách để dành nguồn phòng, chống COVID-19.
Đối với các đơn vị sự nghiệp, NHNN tiếp tục chỉ thực hiện phê duyệt danh mục mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ cần thiết phục vụ hoạt động được giao; chỉ đạo các đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh tìm kiếm, gia tăng nguồn thu, tiết kiệm chi, nâng cao tỷ lệ tự chủ tài chính, giảm mức hỗ trợ kinh phí. Kết quả cho thấy, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc NHNN đã hoạt động đúng định hướng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao... góp phần nâng cao vai trò và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của NHNN.
Bên cạnh đó, công tác THTK, CLP tại các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp có vốn nhà nước trong ngành Ngân hàng cũng được đặc biệt quan tâm. Trong năm 2020, nhiều đơn vị đã tiết giảm các khoản chi phí, đặc biệt là chi dịch vụ thanh toán, ngân quỹ, chi cho hoạt động quản lý công vụ, chi về tài sản, chi về tiền lương so với năm 2019. Một số đơn vị có chi phí quản lý tiết kiệm so với kế hoạch đề ra như VietinBank 13,6%, Agribank 5,7%...
Công tác tự kiểm tra THTK, CLP cũng được các đơn vị NHNN thường xuyên tổ chức. Thường xuyên rà soát lại quy chế chi tiêu nội bộ, quy trình tổ chức, mua sắm tài sản, việc cung cấp, sử dụng tài sản, trang bị, tiết giảm điện nước, văn phòng phẩm... tại nơi làm việc.
![]() |
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Về quan điểm chỉ đạo, NHNN xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang còn nhiều khó khăn do dịch bệnh.
"Việc tiết kiệm để hỗ trợ cho nền kinh tế, cho đất nước, cho Chính phủ và cho bản thân ngành Ngân hàng cần được quán triệt mạnh mẽ hơn nữa. Người đứng đầu các đơn vị phải đặc biệt quan tâm, không chỉ thực thiện trên giấy tờ mà phải đi vào cuộc sống, đi vào hành động ở từng công việc cụ thể", Phó Thống đốc nói.
Phó Thống đốc đề nghị Vụ Tài chính - Kế toán là đơn vị đầu mối cùng với tất cả các đơn vị có liên quan sớm hoàn thiện quy chế về quản lý tài chính, chi tiêu nội bộ của NHNN để đảm bảo đúng cấp, đúng phân quyền, thủ tục và quy trình. Khẩn trương xây dựng các quy định, hướng dẫn thuộc thẩm quyền của NHNN để ban hành sớm ngay trong 6 tháng cuối năm, tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị thực hiện cũng như đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, góp phần THTK, CLP...
Các cơ chế khác có liên quan đến an toàn kho quỹ của NHNN và các NHTM phải rõ ràng, đầy đủ, xây dựng kinh phí thỏa đáng, tránh lãng phí. Cơ chế mua sắm tài sản, công cụ lao động, đầu tư công nghệ phải hoàn thiện rõ ràng cả về trách nhiệm của Trung ương, địa phương.
Các đơn vị THTK, CLP triển khai ngay từ khâu lập kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư xây dựng, kế hoạch mua sắm tài sản, kế hoạch lao động, tiền lương... Chủ động rà soát các nhiệm vụ trùng lặp, kém hiệu quả, sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong năm 2021 để đảm bảo hoàn thành các kế hoạch, nhiệm vụ đã đặt ra.
Đồng thời, phải có trách nhiệm lập kế hoạch cho từng nội dung chi theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 117/QĐ-NHNN ngày 22/01/2020 của Thống đốc NHNN quy định về tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm trong chi thường xuyên như chi điện, nước, hội nghị, hội thảo, khánh tiết, công tác phí, kinh phí nghiên cứu khoa học... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện chương trình THTK, CLP.
Đối với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có vốn nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu tiếp tục coi trọng quản lý, sử dụng chi phí hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh, hạn chế tối đa các chi phí không phục vụ lợi ích kinh doanh, tiết giảm chi phí, tạo điều kiện hạ lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn và khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19.
Tất cả chi phí quản lý hoạt động kinh doanh của mình phải rà soát lại trong một số lĩnh vực như mua sắm các dự án công nghệ tin học; quy trình, thủ tục mua sắm đảm bảo khách quan, minh bạch, rõ ràng.
Về chính sách an sinh xã hội, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng phải phối hợp chặt chẽ với NHNN để đảm bảo sự hài hòa, THTK, CLP, tiết giảm chi phí nhưng không cắt giảm quyền lợi chính đáng của người lao động.
Hương Giang - Hoàng Giáp