Được biết, để tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, HĐND TP. HCM đã ra Nghị quyết số 10/2020 ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn thành phố (gọi chung là phí hạ tầng) áp dụng từ ngày 1/7/2021.
Mức thu phí cảng biển tối đa là 4,4 triệu đồng/container cho hàng quá cảnh và 1 triệu đồng/container đối với hàng hóa nhập khẩu.
![]() |
Thêm chi phí, lợi nhuận doanh nghiệp bị bào mòn, sức cạnh tranh của hàng Việt giảm xuống |
Tuy nhiên, mới đây, UBND TP.HCM đã vừa có văn bản đề nghị Hội đồng Nhân dân TP.HCM lùi thời hạn thu phí theo Nghị quyết trên thêm 3 tháng, đến 1/10/2021. Nhưng điều này chưa làm nguôi bức xúc của doanh nghiệp cùng các hiệp hội doanh nghiệp và không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia.
Vấn đề là chính khoản phí hạ tầng này sẽ đè nặng lên các doanh nghiệp, trong khi họ đang dần đuối sức sau hơn một năm chống chọi trong đại dịch, có nguy cơ đứt dòng tiền. Vì thế, việc lùi thu phí thêm 3 tháng cũng chẳng có ý nghĩa mấy trong nỗ lực giảm khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiện ở TP.HCM 4 cảng biển chính: Khu bến cảng Cát Lái (sông Đồng Nai), Khu bến cảng Nhà Bè (sông Nhà Bè), Khu bến cảng trên sông Sài Gòn, Khu bến cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp). Các cảng này có sản lượng hàng hóa lưu thông cao nhất nước. Riêng khu cảng Cát Lái, thuộc nhóm khoảng 20 cảng biển lớn nhất thế giới, đã đảm nhận 33% khối lượng hàng container xuất nhập khẩu của cả nước.
“Hiện các doanh nghiệp đang phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các trạm BOT. Một doanh nghiệp thủy sản đưa hàng từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái hiện phải đi qua 7 trạm thu phí BOT, với lượng xuất khẩu 3.000 container/năm thì hàng năm doanh nghiệp phải trả thêm 7,5 tỷ đồng/năm phí BOT”, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết.
Vasep lên tiếng còn vì sự bất bình đẳng. Mức phí với hàng xuất, nhập khẩu không mở tờ khai ở TP.HCM cao gấp đôi hàng mở tờ khai tại TP.HCM.
“Nếu phải gánh thêm khoản phí hạ tầng, một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở ngoài TP.HCM sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng mỗi năm”, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Vasep ước tính.
Còn đại diện Hiệp hội Logicstic cho biết chi phí logistics ở Việt Nam đã rất cao, doanh nghiệp đang khó khăn chồng chất trong đại dịch, giá cước vận chuyển container trên thế giới tăng đột biến.
Còn ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương nhấn mạnh: “Trong lúc dịch bệnh Covid-19 vẫn đang ngày một phức tạp, khó khăn ngày một nhiều thêm, sức chống chịu của doanh nghiệp đang đuối dần thì nên dừng các quy định làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp”.
Trước thực tế đó, UBND TP.HCM đã đề nghị lùi thực hiện góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Theo tính toán, nếu thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/7 thì số thu dự kiến trong 3 tháng (từ ngày 1/7 đến 30/9) là 723 tỷ đồng.
"Trường hợp TP.HCM chưa thu phí trong 3 tháng này thì khoản thu dự kiến này xem như là một khoản hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu "kép" vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội", theo UBND TP.HCM.
Nhưng việc lùi thời hạn thực hiện thu phí thêm 3 tháng, theo ông Nguyễn Hoài Nam thì chưa thực sự chia sẻ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Vasep cho rằng ít nhất phải lùi đến hết 31/12/2021 và mức phí cũng phải giảm.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác thậm chí còn cho rằng, ít nhất cần lùi thực hiện thêm 1 năm, tức là đến 1/7/2021.
“Do tác động kéo dài của dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, vận hành các chuỗi cung ứng. Việc thu phí này dù diễn giải ra sao cũng đi ngược với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đang rất nỗ lực, và làm ảnh hưởng tới động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp”, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cơ sở thu phí và mức thu phí cũng chưa rõ ràng.
Cùng với đó, có thể thấy thêm là gần đây quy định về gắn camera trên phương tiện vận tải cũng gặp phải phản ứng mạnh mẽ vì làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, và Cục Đường bộ cũng đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải lùi thời hạn thực hiện đến hết năm 2021.
Ban Nghiên cứu kinh tế tư nhân cũng đã có nhiều lần kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề này.
“Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi Covid-19 mà lại có những quy định khiến doanh nghiệp phải bỏ thêm tiền đầu tư, phải tăng thêm phí là đang đi ngược chủ trương hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, đi ngược lại với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh giảm gánh nặng thuế phí cho doanh nghiệp”. Ban IV nêu quan điểm.
Một hệ lụy nữa là chi phí tăng sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, ông Phan Đức Hiếu nói thêm.
Những quy định như gắn camera và thu phí hạ tầng là những dấu hiệu lo ngại về hiện tượng cơ quan chức năng cứ ban hành những quy định “tiện” cho công tác quản lý của mình mà không tính đến tác động của nó tới người chịu tác động của chính sách và tác động tới cả nền kinh tế và tạo thêm khó khăn, thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nen-dung-nhung-quy-dinh-khien-doanh-nghiep-ton-them-chi-phi-115999.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.