Kỳ vọng tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra chủ trương hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Phát triển, hình thành doanh nghiệp Việt Nam quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho giai đoạn 2021-2026.
PGS. TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam kỳ vọng, trong giai đoạn này sẽ hình thành một “đàn sếu Việt”, trong đó có những con sếu đầu đàn - những con đại bàng Việt - là những doanh nghiệp lớn, không phân biệt DNNN hay tư nhân, sẽ đóng vai trò dẫn dắt lực lượng doanh nghiệp để cùng tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ trong 25 năm tới, hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển và rút ngắn khoảng cách với các cường quốc trên thế giới. Khi có được “đàn sếu Việt” sẽ tạo nên bức chân dung mới của Việt Nam, sẽ xóa bỏ được sự phụ thuộc vào khu vực FDI, tăng tự chủ của nền kinh tế.
![]() |
Doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tham gia vào nhiều lĩnh vực sản xuất có công nghệ phức tạp |
Hiện Việt Nam cũng đã có một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Vingroup, Massan, THACO, Vinamilk, Hòa Phát… Không ít doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện các công trình lớn, tham gia công đoạn phức tạp trong công nghệ như sân bay, cảng biển, hàng không... Nhiều tập đoàn tư nhân đảm nhận vai trò đầu tàu ở một số lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như công nghiệp điện tử viễn thông, tự động hóa, ô-tô, sắt thép, hóa chất…
Nhưng số này còn quá ít và cũng chỉ mới mấp mé ngưỡng của khu vực. “Chúng ta vẫn còn thiếu những tập đoàn kinh tế thật sự có quy mô lớn, năng lực tài chính, công nghệ, quản trị mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế”, ông Thiên nói và nhấn mạnh: Chúng ta cần tạo nên những con sếu đầu đàn, những tập đoàn kinh tế lớn, tiềm lực mạnh, khả năng cạnh tranh cao để làm trụ cột, đi tiên phong, mở đường và tạo sự đột phá về năng lực sản xuất quốc gia trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, làm trụ cột, tập hợp, dẫn dắt lực lượng doanh nghiệp Việt, tập hợp và liên kết doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gia tăng sức cộng hưởng các năng lực sản xuất, kinh doanh và kết nối nền kinh tế với thế giới.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc hình thành các tập đoàn kinh tế là xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế thị trường. Muốn vậy, cần có một tầm nhìn tổng thể cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp quốc gia và cần một chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt để bên cạnh những tập đoàn kinh tế nhà nước là có được những tập đoàn kinh tế tư nhân mang tầm quốc tế.
Không phân biệt DNNN hay tư nhân
Cũng khẳng định cần phải có “đàn sếu Việt”, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Sếu đầu đàn không phân biệt DNNN hay tư nhân. Theo ông, có phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp Việt, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân trong nước, thì kinh tế Việt Nam mới có tăng trưởng cao như kỳ vọng và tăng cường thêm được tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.
Tính đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 810.000 doanh nghiệp, trong đó 97% là doanh nghiệp khu vực tư nhân, DNNN chiếm 0,38% và số còn lại là doanh nghiệp FDI. Về quy mô, số doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 2,8%; doanh nghiệp vừa chiếm 3,5%; còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Các số liệu trên đây cho thấy doanh nghiệp tư nhân đông đảo về số lượng, nhưng quy mô chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, rất ít doanh nghiệp quy mô vừa và càng ít doanh nghiệp quy mô lớn”, ông Cung nói.
Việt Nam đang rất thiếu vắng những tập đoàn kinh tế lớn. Nguyên nhân một phần vì tiềm lực doanh nghiệp yếu. Một phần cũng do thể chế, cơ chế thì nhiều bất cập, pháp luật không rõ ràng, chồng chéo nên doanh nghiệp quy mô càng lớn, kinh doanh càng đa ngành càng phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý. Ngoài ra chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa hợp lý, chưa đủ lớn và đủ mạnh để các doanh nghiệp tư nhân tăng thêm nguồn lực, vượt qua các rào cản để yên tâm mở rộng đầu tư phát triển…
Bởi vậy theo TS. Cung, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có các tập đoàn, một cách cân đối, hiệu quả và bền vững phải là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, TS. Trần Đình Thiên cho biết, hiện các tập đoàn tư nhân không nhiều, lại phải lớn trong một môi trường thể chế phân biệt đối xử, bị trói buộc bằng vô vàn thủ tục hành chính và phải gánh nhiều khoản chi phí nặng nề, lớn lên chủ yếu nhờ “cơ chế xin cho”, vào các “chiêu thức” đầu cơ chứ không phải là cạnh tranh lành mạnh thì làm sao có thể “kết thành lực lượng” để trưởng thành, tạo thành sức mạnh quốc gia, nương tựa vào nhau trong cuộc cạnh tranh quốc tế.
Cho rằng nếu cứ để tự nhiên thì sau vài chục năm cũng sẽ có những tập đoàn Việt, nhưng theo TS. Thiên, do là nước đi sau nên Việt Nam lại càng cần doanh nghiệp tư nhân lớn lên nhanh. Muốn vậy phải có chiến lược phát triển doanh nghiệp và cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Khi doanh nghiệp tư nhân lớn nhanh, đủ sức làm trụ cột thì nền kinh tế đất nước cũng sẽ lớn rất nhanh”. Ông cũng nhấn mạnh mục tiêu hình thành và phát triển các doanh nghiệp quy mô lớn là trụ cột của nền kinh tế, tức là hình thành “sếu đầu đàn” không phân biệt DNNN hay tư nhân mà chỉ có tên gọi chung là doanh nghiệp Việt Nam.
Như vậy để trở thành một quốc gia phát triển, để sánh vai với các cường quốc năm châu Việt Nam cần có “đàn sếu Việt”. Muốn vậy, cần có cơ chế, và thể chế tốt và môi trường kinh doanh thông thoáng, quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản được bảo đảm. Cần xây dựng Chiến lược phát triển doanh nghiệp đến năm 2030, trong đó có việc hình thành các tập đoàn kinh tế của tư nhân và cần có hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển và hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dan-seu-viet-se-dua-viet-nam-thanh-quoc-gia-phat-trien-115781.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.