Mưa trên miền cổ tích

Đã có một lúc tôi chỉ thèm thuồng một cơn mưa trắng trời lướt ngang qua vùng đất quê yên bình, trong mưa có tiếng ếch nhái kêu oải oạp, tiếng lá cây xạc xào, nước xối trắng xuống bờ ruộng làm rung rinh đám mạ…

Ai cũng có một miền quê để nhớ để thương, có một mùa ngủ yên trong hoài niệm để rồi khi xa cách lại thèm vụng ước ao được quay trở về đúng ngay mùa đó, được giao hòa với thiên nhiên, được thỏa sức chân trần rong ruổi trên mảnh đất quê mình mà chẳng đoái hoài đến chuyện áo cơm, tiền tài, danh lợi. Mảnh đất mà tôi gọi là “miền cổ tích” nép mình bên cạnh dòng sông nhỏ hiền hòa, giữa bốn bề đồng xanh, những mái nhà lúp xúp dưới bóng dừa, bóng sầu đâu, những đám ruộng mùa nào cũng rực rỡ sắc màu: mùa cấy mạ xanh, mùa lúa chín vàng đồng, mùa phơi đồng đất nâu sồng thoảng mùi phèn mặn.

Mưa trên miền cổ tích
Ảnh minh họa

Những ngày trời đổ mưa, tôi thường rong ruổi trên đồng bắt bù tọt cùng đám trẻ con trong xóm nhỏ. Hồi ấy chúng tôi chưa biết gì đến những thiết bị điện tử, không điện thoại, không Smartphone, chỉ biết bày những trò chơi dân gian, quẩn quanh từ đồng này sang đồng khác. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi yêu mảnh đất quê mình nhiều hơn, thiết tha hơn bọn trẻ con bây giờ. Ngày mưa, ếch nhái, bù tọt kêu râm ram, inh ỏi khắp ruộng đồng. Gặp con nào khum khum cứ mạnh tay chụp lại rồi bỏ vào trong cái giỏ má đan hình cổ lọ. Đứa nào đầy giỏ trước thì lấy làm oai chứ chẳng có bất kỳ phần thưởng nào, nhưng chuyện bắt bù tọt trên những bờ ruộng ngày mưa đã là vui rồi. Bờ ruộng trượt trơn, mưa ướt đẫm tóc tai, quần áo, bọn trẻ chúng tôi ướt sũng như chuột lột mà tiếng cười vẫn ríu ran khắp đồng. Vui hơn nữa là giở lờ cá sặc, cá rô, nhất là khi mưa dầm dề cá rô theo con nước trườn lên mặt đất. Chúng tôi thường đặt lờ cá ở chỗ dòng nước chảy, cá theo nước đi vào trong lờ, một lúc thôi đã hơn nửa lờ đủ loại cá. Má nói con nào to thì kho tiêu, nấu canh chua bông điên điển, con nào nhỏ thì thả xuống ao, xuống sông để nó sinh sôi.

Chiều mưa nào chúng tôi cũng được no nê, những món ngon má nấu có bù tọt, cá sặc, cá rô, rau đồng… là nguyên liệu chính. Những thứ đó gói trọn vào trong cái hương đồng gió nội, man mác ngọn gió lành lặn và cơn mưa dầm dả chốn quê nhà. Bù tọt má xào sả nghệ, bao giờ má cũng dành những cái đùi to nhất cho tôi ăn. Cá sặc má kho tiêu, chiên giòn chấm nước mắm tỏi ớt ăn kèm với rau vườn “ngon khó cưỡng”. Nhưng tôi thích nhất có lẽ là nồi canh chua bông điên điển má nấu với cá rô đồng. Bông điên điển ngọt ngây, cá rô đồng béo ngậy, nước canh chua ngọt hòa quyện vào nhau thấm vào trong tận ruột gan tôi. Ngoài trời lắc rắc mưa, trên mái nhà lá dây bầu cong mình uống nước. Dưới mái nhà, ông bà tôi, má con tôi quây quần bên nhau cùng thưởng thức những món ăn dân dã ngày mưa dầm. Không sang trọng, đắt tiền, tất cả đều là “cây nhà lá vườn” mà sao ngon như sơn hào hải vị. Mai này lớn lên tôi mới biết, hóa ra những gì gắn bó với ấu thơ của mình, với gia đình và những hồi ức thân thương trong khoảng trời tươi đẹp nhất của mình mới thật sự đáng quý.

Tôi trân trọng gọi nơi ấy là miền cổ tích. Và cho dù có đi đến phương nào, được ăn sơn hào hải vị nào thì trong lòng tôi món ăn quê vẫn là tuyệt vời nhất.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/mua-tren-mien-co-tich-115570.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.