Quyết tâm lớn
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, Chính phủ đã quyết nghị áp dụng phụ cấp đặc thù với mức 7.500 đồng/liều tiêm (tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày) đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong Chương trình tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế công lập; áp dụng chế độ bồi dưỡng chống dịch (300.000 đồng/người/ngày), chế độ hỗ trợ tiền ăn và chi phí (120.000 đồng/người/ngày) cho lực lượng tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 không hưởng lương ngân sách. Kinh phí để thực hiện là từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương.
Đáng chú ý, một trong những nguồn để bổ sung cho dự phòng ngân sách này đến từ việc Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại trong năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Bên cạnh đó, sẽ báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nếu đến ngày 30/6 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết khác.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia, các quyết nghị này một mặt cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong phòng, chống dịch trong khi các bộ, ngành, địa phương phải trách nhiệm hơn với các khoản kinh phí thường xuyên đã được phân bổ, nhưng mặt khác khi nhìn dưới góc độ ngân sách và cải cách còn cho thấy một vấn đề quan trọng hơn là Chính phủ đang quyết tâm cắt giảm chi phí thường xuyên về mức hợp lý và cân bằng hơn trong tương quan với chi cho đầu tư phát triển, đồng thời sẽ nỗ lực tinh gọn, tăng hiệu lực bộ máy.
Con số dự kiến cắt giảm được bao nhiêu từ chi kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương sẽ được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cụ thể vào nửa cuối tháng này. Các chuyên gia cho rằng, con số cắt giảm cụ thể có thể không quá lớn nhưng quan trọng hơn đây là bước có thể tạo nên nền tảng, cơ sở để cắt giảm chi thường xuyên mạnh hơn ở những hạng mục khác trong tương lai.
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển luôn trong tình trạng mất cân đối từ nhiều năm qua, do đó yêu cầu giảm chi thường xuyên ngày càng trở lên cấp bách. “Việc giảm chi hội họp, công tác nước ngoài… trong tổng chi thường xuyên không phải là lớn nên sẽ cần phải có các biện pháp cắt giảm mạnh mẽ ở những hạng mục chi thường xuyên khác nữa, qua đó dần giúp cân đối giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách”, ông Bình nêu quan điểm.
Quan trọng hơn theo các chuyên gia, đây là động thái cho thấy Chính phủ muốn gắn với cải cách thể chế, bộ máy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. “Tôi rất kỳ vọng động thái này cho thấy Chính phủ muốn đẩy mạnh cải cách thể chế, bộ máy. Đây là hai việc gắn liền với nhau, bởi nếu không cải cách, tinh gọn bộ máy thì cũng khó có thể giảm được chi thường xuyên một cách triệt để”, chuyên gia này khuyến nghị.
Quan trọng là hướng đến bộ máy hiệu lực, hiệu quả hơn
Một ví dụ rất rõ cho động thái trên là vào ngày 10/6, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 154/TB-VPCP truyền đạt Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của Bộ Giao thông - Vận tải giai đoạn 2016-2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, giai đoạn 2021-2025. Trong đó có nội dung yêu cầu bộ này rà soát, tinh gọn tổ chức bộ máy; khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý và cắt giảm các đầu mối trung gian.
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia Tài chính Công cho rằng, việc cắt giảm chi thường xuyên đã được thực hiện trong những năm gần đây nhưng thực ra vẫn chỉ là giải pháp tình thế, ngắn hạn. “Mấu chốt của vấn đề là phải giải quyết được hai điều: Sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính để làm sao không còn chồng chéo, tránh được lãng phí; đồng thời cải thiện mạnh cơ chế quản lý hành chính”, ông Cường nói.
Chuyên gia này phân tích, phải cơ cấu tổ chức, sắp xếp bộ máy hợp lý, tinh gọn để mức chi thường xuyên đấy là phù hợp. Ví dụ thay vì cần 10 người, giờ chỉ cần 3 người vẫn có thể hoàn thành các công việc. Tức là khi bộ máy thích hợp, năng lực phục vụ tăng lên và mức chi thường xuyên đã phù hợp thì cũng không cần nói đến câu chuyện cắt giảm nữa. Trong khi đó về cơ chế quản lý, cần đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, vì nếu không giảm được, thậm chí còn “đẻ” ra thủ tục thì lại cần thêm người vào bộ máy để giải quyết và như thế sẽ làm chi phí tăng lên.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng, cần đặc biệt coi trọng gắn kết chi đầu tư và chi thường xuyên. “Đây là vấn đề rất lớn của Việt Nam hiện nay. Chúng ta chỉ quan tâm đến chi đầu tư cho các công trình mà chưa gắn kết nhiều với chi thường xuyên cho nó. Điều này dẫn tới việc nhiều công trình công cộng rất nhanh hỏng, xuống cấp vì không được sắp xếp kịp thời nguồn chi thường xuyên để duy tu, bảo dưỡng”, ông Cường nhận định.
Để giải quyết vấn đề này, khi lập dự toán chi thường xuyên phải tính phần chi cho duy tu, bảo dưỡng hàng năm cho các công trình đã đầu tư. Hiện nay chúng ta đang không tính đến hoặc không tính đủ (cắt giảm bớt) phần ngân sách phải dành cho duy tu, bảo dưỡng. Ngoài ra, việc lập kế hoạch chi đầu tư trung, dài hạn hầu như cũng chưa gắn với lập chi thường xuyên kèm theo. “Đây là thách thức lớn hiện nay và cần giải quyết trong thời gian tới. Ví dụ khi chúng ta dự kiến trong trung hạn đầu tư xây một ngôi trường hay một con đường thì cũng phải dự kiến hàng năm sẽ chi bao nhiêu tiền cho việc bảo dưỡng, duy tu cho những công trình đó”, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường gợi ý.
Có một kỳ vọng rất lớn rằng, với tinh thần “Ba không” (“không nói không”, “không nói khó” và “không nói có mà không làm”) mà Chính phủ đang nhấn rất mạnh hiện nay, lĩnh vực ngân sách nói chung, chi thường xuyên nói riêng sẽ có những chuyển biến rất tích cực trong thời gian tới. Đồng thời, gắn với đó là việc tinh gọn bộ máy ở mỗi bộ, ngành, địa phương dù rất khó khăn, thách thức song cũng phải được làm quyết liệt, lượng hóa ra những kết quả cụ thể để nâng cao năng lực bộ máy và tiến tới loại bỏ hoàn toàn tình trạng một bộ phận công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cat-giam-chi-thuong-xuyen-phai-gan-voi-tinh-gon-bo-may-115551.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.