Nhiều “cửa sáng” cho xuất khẩu rau quả

Các doanh nghiệp cần hướng tới việc đồng bộ quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói để đáp ứng nghiêm tiêu chuẩn của từng thị trường và đặc biệt là nâng cao chất lượng của sản phẩm.
nhieu cua sang cho xuat khau rau qua Doanh nghiệp xuất khẩu lao đao, ngân hàng vào cuộc hỗ trợ
nhieu cua sang cho xuat khau rau qua Nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
nhieu cua sang cho xuat khau rau qua Bắc Giang xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên sang thị trường Nhật Bản

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong tháng 5 giá trị xuất khẩu rau quả cả nước đạt 400 triệu USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, bên cạnh thị trường chủ lực Trung Quốc, mặt hàng rau quả của nước ta còn đang có nhiều tín hiệu tích cực tại một số thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Australia… Đơn cử như Việt Nam hiện là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 13 cho Hoa Kỳ.

Ông Trần Hoàng Điệp - Tổng giám đốc Công ty TNHH New Green Way Việt Nam cho biết, chỉ riêng tháng 3 đã xuất khẩu 240 tấn cà rốt tươi sang Hàn Quốc, với thị trường Trung Đông kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi, trước đó vào tháng 1, 2 công ty này hầu như không xuất được hàng đi, tình hình được cải thiện và chuyển biến tích cực từ tháng 3 trở đi.

nhieu cua sang cho xuat khau rau qua
Ảnh minh họa

Ngay cả những địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh và trước đó là Hải Dương dù bị tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19, nhưng hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng rau quả, vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Gần đây nhất, lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên theo Hiệp định EVFTA đã xuất khẩu đi EU tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), mở đường cho các lô vải thiều của Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng sẽ được xuất vào thị trường này tuần tới. Thông tin từ Bắc Giang cho biết, hiện nay, trung bình mỗi ngày, hơn 1.000 tấn vải thiều được xuất đi, tính đến đầu tháng 6, gần 9.000 tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngoài ra, vải thiều của tỉnh Bắc Giang cũng đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia), đặc biệt vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang cũng đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Điều này là một tín hiệu cho các nông sản Việt được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nhiều thị trường khác.

Theo đánh giá từ Bộ Công thương, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Riêng với hoạt động xuất khẩu rau quả, Bộ Công thương đã yêu cầu các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai căn cứ tình hình thực tế, xem xét bố trí làm thêm giờ, kể cả làm việc vào Thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ để xử lý hồ sơ cấp C/O trong thời gian sớm nhất đối với nông sản xuất khẩu, đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng đang vào vụ, có thời gian thu hoạch ngắn như vải.

Mặc dù vậy, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VinaFruit), nhìn về lâu dài vẫn có nhiều thách thức đối với rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, do hạn chế về công nghệ bảo quản nên 62% rau quả xuất khẩu là sang thị trường Trung Quốc, đối với các thị trường xa hơn như EU, Mỹ… vẫn còn khiêm tốn. Ngay kể cả khi doanh nghiệp Việt đang có nhiều ưu thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhưng nếu muốn tận dụng được thì phải giải quyết bài toán bảo quản và chế biến.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chỉ ra, phần lớn các mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam là rau quả tươi, đã qua chế biến, đông lạnh chiếm tỷ lệ thấp. Công nghệ chế biến, bảo quản của các doanh nghiệp Việt cũng còn đang hạn chế, chủ yếu là rửa rau quả bằng nước lạnh để loại bỏ vi khuẩn và phun khí ozone để bảo quản. Trong khi đó, các nước đã có nhiều công nghệ mới hơn để có thể tăng vòng đời của sản phẩm lên rất nhiều.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cũng cho biết, mỗi doanh nghiệp đều có kinh nghiệm bảo quản khác nhau, tùy theo công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay việc bảo quản rau quả còn hạn chế, không được dài ngày, đa phần phải vận chuyển bằng hàng không. Trong khi vận chuyển bằng hàng không vào các nước xa như EU khá đắt, các chuyến bay cũng hạn chế nên doanh nghiệp này cho biết chờ đợi mọi thứ bình thường mới đẩy mạnh mặt hàng rau xuất khẩu.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia nhận định, các thị trường lớn, giàu tiềm năng đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước nhưng cũng đi kèm với yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, quy trình chế biến, đóng gói. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần hướng tới việc đồng bộ quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói để đáp ứng nghiêm tiêu chuẩn của từng thị trường và đặc biệt là nâng cao chất lượng của sản phẩm.

Ngoài ra trong bối cảnh dịch bệnh, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhieu-cua-sang-cho-xuat-khau-rau-qua-115487.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.