Nguyễn Quang Thạch (sinh năm 1975, quê Hà Tĩnh), là người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn cách đây gần 20 năm. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống giáo dục, ông nội anh từng đưa thầy giáo Tây về dạy học ở địa phương, em ông nội bán ruộng để làm nơi cho trẻ học, bố anh là sĩ quan quân đội, 20 năm dạy học miễn phí nên Nguyễn Quang Thạch sớm ảnh hưởng văn hóa đọc và sống hết lòng vì người khác của người cha, người ông của mình.
Quan sát từ cuộc sống và xuất phát bản thân có hoàn cảnh nghèo khó, anh biết nhiều người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận với sách. Đặc biệt với những gia đình nghèo, phải “chạy” cơm từng bữa thì còn mấy ai quan tâm đến sách. Những suy nghĩ đó cùng truyền thống gia đình coi trọng sự học, sự đọc đã thôi thúc anh thực hiện việc không ai tin: đưa sách về hết các vùng nông thôn Việt Nam, giúp 15 triệu trẻ em hết “cơn đói sách”.
![]() |
Gần 20 năm qua, anh Thạch luôn nỗ lực hết mình để hiện thực hóa ước mơ đưa sách về hết các vùng nông thôn Việt Nam, giúp 15 triệu trẻ em hết “cơn đói sách” |
“Trong quá trình thực hiện Sách hóa nông thôn, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi tâm huyết của mình được tất cả mọi người ghi nhận và ủng hộ. Tôi đã hoàn thành chuyến đi bộ Hà Nội - Sài Gòn với 1.750 km để kêu gọi toàn xã hội giúp 15 triệu trẻ em nông thôn được nghe và đọc sách. Chương trình sau đó đã tạo nên bộ khung cho hệ thống thư viện dân sự với 5 loại tủ sách đã được nhân rộng trên gần 30 tỉnh thành”, anh Nguyễn Quang Thạch chia sẻ.
Từ năm 1997 khi còn là sinh viên, chàng trai gốc Hà Tĩnh tên Nguyễn Quang Thạch đã ấp ủ và lên ý tưởng thực hiện chương trình Sách hóa nông thôn. Quan sát từ cuộc sống và xuất phát bản thân có hoàn cảnh nghèo khó, anh Thạch biết nhiều người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận với sách. Đặc biệt với những gia đình nghèo, phải “chạy” cơm hàng ngày thì còn ai quan tâm đến sách. Những suy nghĩ đó cùng truyền thống gia đình coi trọng sự học, sự đọc đã thôi thúc anh Thạch thực hiện việc không ai tin. Sau 10 năm ấp ủ, Nguyễn Quang Thạch ban đầu đã dùng tiền tiết kiệm cá nhân rong ruổi khắp các làng quê để thành lập tủ sách dòng họ. Dấu mốc đầu tiên là năm 2008, tủ sách dòng họ Đỗ Xuân ở thôn An Mỹ, xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình do Nguyễn Quang Thạch khởi xướng, vận động được thành lập. Từ đây, mô hình tủ sách dòng họ được nhân rộng ở nhiều nơi khác của tỉnh Thái Bình với hàng ngàn cuốn sách.
Kể từ đó, Sách hóa nông thôn bắt đầu tạo được tiếng vang lớn, đồng thời anh Thạch cũng không bị người đời nhìn với ánh mắt là “kẻ gàn dở” hoặc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Ít người biết, Nguyễn Quang Thạch là cử nhân tiếng Anh, đã từng trải qua nhiều vị trí, công việc khác nhau ở cơ quan nhà nước và tổ chức quốc tế. Thậm chí, anh xin nghỉ việc ở Bộ Giao thông - Vận tải để chuyên dành tâm sức thực hiện chương trình Sách hóa nông thôn. Tính đến thời điểm hiện tại, với sự chung tay của hơn hàng trăm nghìn thành viên xã hội là cha mẹ học sinh, thầy cô giáo, người Việt sinh sống ở nước ngoài... Sách hóa nông thôn đã xây dựng được trên 9.000 tủ sách qua các loại tủ sách gồm: Tủ sách Dòng họ, Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Lớp em, Tủ sách Lớp học, Tủ sách Hậu phương chiến sĩ và Tủ sách Giáo xứ giúp 400.000 người dân nông thôn, trong đó hơn một nửa là các em học sinh được tiếp cận sách. Các tủ sách từ chương trình này hiện đã có mặt ở 27 tỉnh trên cả nước.
Theo anh Nguyễn Quang Thạch, để có được thành công của Sách hóa nông thôn, bản thân anh phải có cách tiếp cận đi từ dân sự đến chính quyền. Thời kỳ đầu, anh Thạch xây dựng các tủ sách dòng họ bằng tiền túi và sự hỗ trợ của một số cá nhân (từ 2007 đến 2009). Với những kết quả cùng lợi ích nhìn thấy rõ, anh Thạch đã truyền thông rộng rãi để nhận về sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng. “Dân góp tiền mua sách, chính quyền địa phương ủng hộ phương thức xã hội hóa thư viện, mở cửa lớp học để đưa ông thầy sách vào lớp” - Nguyễn Quang Thạch chia sẻ. Bên cạnh đó, Nguyễn Quang Thạch cũng nhập cuộc bằng nhiều cách “khác người” để Sách hóa nông thôn có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Sách hóa nông thôn Việt Nam của Nguyễn Quang Thạch đã được trao Giải thưởng Quốc tế xóa mù chữ do Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO). Theo đại diện Tổ chức UNESCO về lĩnh vực giáo dục, Sách hóa nông thôn Việt Nam đã tập trung xây dựng thư viện ở các vùng nông thôn khó khăn để giúp những người biết chữ rèn luyện khả năng đọc. Hơn nữa, chương trình thành lập được hơn 9.000 thư viện trên khắp các vùng nông thôn của Việt Nam với số tiền quỹ ít ỏi và dựa trên việc quyên góp sách. Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam đã được Viện nghiên cứu học tập suốt đời của UNESCO đưa thành mô hình tham khảo để chia sẻ toàn cầu.
Điều khiến người ta khâm phục hơn ở Nguyễn Quang Thạch, đó là anh bị hỏng mắt trái từ 20 năm trước vì chấn thương võng mạc, nay không còn khả năng hồi phục, dạo gần đây anh cũng có dấu hiệu suy giảm sức khỏe. Tốt nghiệp Đại học Vinh (khoa tiếng Anh) năm 1999, cuộc đời Nguyễn Quang Thạch có lẽ sẽ cứ phẳng lặng, êm đềm trôi qua khi anh có một công việc ổn định với mức lương thu nhập đáng mơ ước của nhiều bạn trẻ khi ấy. Thế nhưng, tuổi trẻ với bao nhiêu ước mơ, hoài bão, với một kế hoạch lớn lao, mơ ước xây dựng 300.000 tủ sách và giúp cho 15 triệu trẻ em nông thôn có cơ hội được tiếp cận với sách - tinh hoa tri thức của nhân loại, anh đã từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của trái tim.
“Tôi sẽ tiếp tục kêu gọi sách cho hàng triệu trẻ em nông thôn Việt Nam. Nếu không đi bộ được nữa, tôi sẽ đi xe lăn xuyên Việt” - Nguyễn Quang Thạch cho biết.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nguoi-tan-hien-voi-sach-hoa-nong-thon-115383.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.