Không lo lợi suất tăng?
10:00 | 31/05/2021
Phát biểu với Reuters, Isabel Schnabel - Thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng, nền kinh tế khu vực đồng euro đã đạt đến một bước ngoặt và sự gia tăng gần đây trong chi phí đi vay phản ánh các yếu tố cơ bản đã được cải thiện. Phát biểu của bà cho thấy bà không hề lo ngại việc lợi suất tăng có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng.
Sự gia tăng liên tục của chi phí vay mượn trong khu vực có thể khiến ECB phải tăng tốc Chương trình mua tài sản khẩn cấp để ứng phó với đại dịch (PEPP) trong tương lai tại cuộc họp ngày 10/6 tới, trong khi một nhóm các nhà hoạch định chính sách cũng đang kêu gọi cần có một dòng kích thích ổn định do lo ngại rằng sự phục hồi có thể bị chùn bước.
Tuy nhiên, bà Schnabel - Trưởng bộ phận hoạt động thị trường của ECB vẫn tỏ ra khá bình thản trước sự gia tăng của lợi suất trái phiếu khi cho rằng điều đó đã được dự kiến và các điều kiện tài chính vẫn thuận lợi, phù hợp với cam kết tháng 12 của ECB.
![]() |
Ảnh minh họa |
“Lợi suất tăng là một diễn biến tự nhiên tạo một bước ngoặt của sự phục hồi - các nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn, kỳ vọng lạm phát tăng và kết quả là lợi suất danh nghĩa tăng”, Schnabel nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn. “Đây chính xác là những gì chúng tôi mong đợi và những gì chúng tôi muốn xem”.
“Các điều kiện tài chính vẫn thuận lợi”, bà lập luận và lưu ý rằng lãi suất thực tế hoặc được điều chỉnh theo lạm phát nhìn chung là ổn định.
Hiện đang trỗi dậy mạnh mẽ từ cuộc suy thoái kép, nền kinh tế khu vực đồng tiền chung euro được dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 4% trong năm nay khi lĩnh vực dịch vụ phục hồi sau đại dịch Covid-19, mặc dù sẽ mất một năm nữa để tăng trưởng trở lại mức trước khủng hoảng.
Phản ánh sự phục hồi nhanh chóng này, lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 10 năm - một tiêu chuẩn cho khối tiền tệ 19 quốc gia - đã đạt mức cao nhất hai năm trong tháng này. Sự gia tăng lợi suất, mặc dù không được coi là quá mức, đã đến ngay cả khi ECB đang mua khoảng 100 tỷ euro nợ mỗi tháng và các nhà đầu tư lo ngại rằng bất kỳ dấu hiệu thoái lui nào cũng có thể dẫn đến tình trạng bán tháo trên diện rộng.
Giảm bớt lo ngại về sự gia tăng của chi phí vay mượn, Schnabel cũng phản bác lời kêu gọi của các nhà hoạch định chính sách bảo thủ về việc giảm mua trái phiếu, cho rằng khái niệm “giảm bớt” hoặc giảm dần Chương trình PEPP với tổng quy mô 1,85 nghìn tỷ euro là không phù hợp với mục đích của nó.
“Chúng tôi luôn phải sẵn sàng giảm hoặc tăng mua tài sản theo lời hứa của chúng tôi là giữ cho các điều kiện tài chính của khu vực đồng euro thuận lợi”, bà nói. “Sự phục hồi vẫn phụ thuộc vào việc tiếp tục hỗ trợ chính sách. Việc sớm rút lại các biện pháp hỗ trợ cả về tài chính lẫn tiền tệ sẽ là một sai lầm lớn”, Schnabel nói thêm và lưu ý rằng, phần lớn nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp.
Vấn đề là với tốc độ hiện tại, ECB sẽ hết hạn ngạch mua trái phiếu khẩn cấp trước khi Chương trình chính thức kết thúc vào tháng 3 năm sau. Vì vậy hạn ngạch cần được tăng lên hoặc khối lượng mua vào hàng tháng phải giảm xuống. Nhưng đó là vấn đề sau này, Schnabel nói, lập luận rằng “hỏa lực” còn lại của PEPP là “khá lớn” và vấn đề không hạn chế việc ra quyết định.
Với việc lạm phát được thiết lập để duy trì dưới mục tiêu gần 2% của ECB ngay cả sau khi các biện pháp khẩn cấp dừng lại, sẽ cần nhiều biện pháp kích thích hơn thông qua các công cụ khác, như Chương trình mua tài sản trước đây của ECB, hoặc các công cụ lãi suất hay thanh khoản.
“Có khả năng là khi PEPP kết thúc, chúng tôi sẽ không đạt được (mục tiêu) của mình”, Schnabel nói. “Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ có khả năng thích ứng cao sau PEPP”.
Mai Ngọc