Quản lý gia sản là quản lý tài sản của cá nhân/gia đình nhằm đảm bảo tài sản (bao gồm vật, tiền, chứng khoán và các quyền tài sản…) được giữ gìn và sinh lời. Như vậy, quản lý gia sản là một trong những cách thức để đạt được kế hoạch tài chính của mỗi cá nhân/gia đình, là một nội dung quan trọng của quản lý tài chính cá nhân.
Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng có xu hướng gia tăng rõ rệt. Sự gia tăng về thu nhập cũng là cơ hội để người dân để ý hơn đối với việc quản lý tài sản của mình nhằm đảm bảo tài sản được duy trì và tăng trưởng.
![]() |
Nhu cầu quản lý tài sản của giới nhà giàu hiện nay khá đa dạng |
Nhu cầu quản lý gia sản của cá nhân, gia đình khá đa dạng, bao gồm nhu cầu đầu tư, tiết kiệm, nhu cầu tài chính cho tương lai con cái, nhu cầu bảo toàn và quản lý tài sản, nhu cầu đảm bảo độc lập về tài chính và nhu cầu về quyền thừa kế tài sản.
Ngân hàng ngoại “nhanh chân”
Thời gian gần đây, số lượng người giàu và siêu giàu tại Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng, mang đến nhiều cơ hội cho dịch vụ quản lý tài sản nhờ sự tiện lợi và hữu ích. Hầu hết những người này có nhu cầu được quản lý tài sản hợp lý, an toàn và hiệu quả.
Trong khi trước đây, nhiều ngân hàng nội mới chỉ dừng lại ở những gói dịch vụ ưu đãi rời rạc, nhỏ lẻ như phát hành thẻ VIP, ưu đãi hạn mức tín dụng, tổ chức chương trình tri ân…thì nhiều ngân hàng ngoại sớm có mặt tại Việt Nam như ANZ, HSBC… đã đón đầu xu hướng, nhanh chân tận dụng tiềm năng để biến thành các cơ hội kinh doanh, thu nhiều lợi nhuận.
Các ngân hàng này thường tập trung vào phân khúc những người giàu có tại các thành phố lớn. Theo đại diện của một ngân hàng, phần lớn những người thành đạt ở Việt Nam rơi vào độ tuổi 35-50, là những người trẻ trung, năng động và nhanh nhạy trong kinh doanh, đầu tư.
Đối tượng này thường có 5 nhu cầu cốt lõi khi sử dụng dịch vụ quản lý tài sản: Đầu tiên là chọn giải pháp tiết kiệm đầu tư phù hợp để bảo vệ cuộc sống gia đình; kế đó là các nhu cầu liên quan đến tương lai của con cái, nhu cầu độc lập về tài chính khi về hưu và nhu cầu thiết lập quyền thừa kế tài sản…
Với cách tiếp cận như thế, các ngân hàng đã đưa ra gói dịch vụ quản lý tài sản và hoạch định tài chính cho khách hàng. Các nhân viên ngân hàng này chủ động gặp gỡ khách hàng để tìm ra nhu cầu, xác định mức độ chấp nhận rủi ro, năng lực tài chính… Cuối cùng, họ sẽ hoạch định tài chính phù hợp và tương ứng nhất với nhu cầu, mục tiêu ưu tiên, cho từng giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của khách hàng.
Ngân hàng nội dần vào cuộc
Một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, cách đây vài năm mặc dù là dịch vụ quản lý tài sản có rất nhiều tiềm năng và còn nhiều dư địa nhưng nhiều ngân hàng Việt Nam vẫn vấp phải nhiều rào cản khi niềm tin của khách hàng vào các ngân hàng nội địa không cao.
Nhiều khách VIP, người có tài sản lớn không dám để ngân hàng quản lý tài sản và hoạch định đầu tư. Bên cạnh đó, tâm lý phải công bố tài sản sở hữu, tính bảo mật cũng khiến nhiều khách hàng e ngại.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi xếp hạng uy tín của nhiều ngân hàng thương mại trong nước ngày càng được nâng cao, số lượng khách hàng giàu có, thu nhập cao đã bắt đầu tin tưởng, tìm đến các ngân hàng nội để tư vấn, sử dụng dịch vụ quản lý tài sản. Trong xu hướng này, nhiều ngân hàng “nội” đã nhanh tay thiết kế các gói giải pháp dành cho các khách hàng VIP với nhiều tiện ích và nhu cầu phù hợp.
Như ở trường hợp của VPBank, phân khúc khách hàng ưu tiên của ngân hàng này đã tăng 35% trong năm 2020. Số khách hàng mới gia nhập phân khúc này cũng tăng hơn gấp 2 lần so với thời điểm một năm trước đó.
Ông Gauraw Srivastava, Giám đốc VPBank Diamond cho rằng, ở góc độ xa hơn, việc quản lý tài sản cho khách hàng có tài sản không chỉ đơn thuần là kiếm lợi tức đầu tư mà giá trị nằm ở chỗ phải có kế hoạch tài chính cụ thể và các dịch vụ cộng thêm mang đến giá trị gia tăng.
“Khách hàng phân khúc này có nhu cầu tương đối phức tạp và rất quan tâm tới đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu niêm yết và các kênh đầu tư thay thế. Họ cũng có yêu cầu cao về dịch vụ ngân hàng cao cấp,” ông Gauraw Srivastava, Giám đốc VPBank Diamond cho hay.
Đại diện ngân hàng đang phục vụ hơn 85.000 khách hàng ưu tiên và quản lý hơn 5 tỷ USD giá trị tài sản cho biết thêm VPBank cũng đang phát triển phân khúc, nâng cao khả năng thấu hiểu khách hàng, chất lượng tư vấn và các sản phẩm, giải pháp tinh tế.
“Chúng tôi đang lấn sâu hơn vào phân khúc này, với mục tiêu mang đến dịch vụ tư vấn được cá nhân hóa tuyệt đối tới từng khách hàng. Từ đó, chúng tôi nỗ lực tiếp nối những thành công trong việc xây dựng những đề xuất giá trị dành riêng cho từng khách hàng trong những năm gần đây,” ông Gauraw nói.
VPBank Diamond vào đầu tháng Ba vừa qua cũng đã “nâng cấp” dịch vụ khách hàng ưu tiên của mình. Theo đó, khách hàng VPBank Diamond sẽ có một đội ngũ chuyên gia tư vấn quản lý tài sảnriêng với trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản để hỗ trợ khách hàng thực hiện hóa các mục tiêu tài chính.
Những khách hàng thuộc phân khúc khách hàng ưu tiên cũng sẽ được phục vụ một cách trọn gói các dịch vụ về ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm, tín dụng, quản lý tài sản.... với các đặc quyền cao cấp hơn về nhiều loại dịch vụ khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là đầu tư kiếm lãi cao hơn.
“Đây chính là kết quả cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chúng tôi, với mục tiêu mang đến những giải pháp phù hợp cho mọi phân khúc khách hàng thông qua các hoạt động chăm sóc, tri ân khách hàng, quản lý thanh khoản hay đáp ứng nhu cầu bảo vệ tài sản,” ông Gauraw nói.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/bung-no-nhu-cau-giu-tien-cua-nha-giau-dich-vu-quan-ly-tai-san-len-ngoi-114579.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.