Cấu trúc vốn còn bất hợp lý
Dẫn kết quả một số cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong năm 2020 về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI cho biết, bên cạnh việc thu hẹp thị trường đầu ra, gián đoạn chuỗi cung ứng thì đại dịch Covid-19 cũng đã khiến gần 50% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn, dòng tiền kinh doanh. Đặc biệt, khi đợt dịch lần thứ 3 tiếp tục bùng phát trong quý I/2021 và đợt dịch lần thứ 4 xảy ra những ngày gần đây đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Thực tế cũng cho thấy, việc dựa quá nhiều vào vốn vay, trong đó chủ yếu vay qua các tổ chức tín dụng thay vì vốn chủ sở hữu khiến cho các doanh nghiệp dễ dàng gặp rủi ro hơn liên quan đến nguồn vốn. Theo ông Vinh, trong bối cảnh đại dịch, nguồn vốn của doanh nghiệp cần phải xem xét lại ở cả góc độ cơ cấu mục tiêu và cách thức huy động vốn. Bởi lẽ, hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng phụ thuộc vào nguồn vốn huy động và dòng vốn trả lại của các doanh nghiệp, nên khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ cũng sẽ ảnh hưởng tới khả năng cung ứng vốn của các tổ chức tín dụng.
![]() |
Các doanh nghiệp có thể tận dụng kênh thuê tài sản để tiết kiệm vốn đầu tư |
Bên cạnh đó, không thể nới lỏng các quy định an toàn của hệ thống tài chính để tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, bởi lẽ điều này sẽ làm suy yếu hệ thống ngân hàng, tăng rủi ro cho hệ thống. Đó cũng chính là lý do nhiều DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vì không đáp ứng đủ điều kiện tín dụng.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Câu lạc bộ Các Nhà Kinh Tế (VEC) cho rằng, nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, cơ cấu vốn của doanh nghiệp còn bất hợp lý, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 20-30%, còn lại là nguồn vốn vay tín dụng chủ yếu từ các ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và các FTA thế hệ mới nói riêng như EVFTA, CPTPP sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng tạo làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất và cung ứng sang các nước đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu các cơ hội đầu tư, kinh doanh và làn sóng dịch chuyển này.
Theo đó, doanh nghiệp phải chủ động nguồn vốn để hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, cần thay đổi thói quen sử dụng nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, phải tái cấu trúc lại nguồn vốn và sử dụng vốn theo hướng phát triển bền vững.
Nhiều kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp
Ngoài việc huy động vốn từ chủ sở hữu và tín dụng ngân hàng, theo ông Đặng Đức Thành, giải pháp cơ bản về phía doanh nghiệp là phải huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu và cổ phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều tiềm năng do nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã hình thành các doanh nghiệp tư nhân lớn, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động cao, phạm vi kinh doanh mở rộng ở thị trường quốc tế. Mặt khác các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam vì tiềm năng tăng trưởng vẫn khá cao, trong khi lãi suất cũng hấp dẫn hơn so với các quốc gia phát triển.
Tuy nhiên những doanh nghiệp có quy mô nhỏ khó có thể phát hành trái phiếu. Những doanh nghiệp này có thể cân nhắc tìm đến những quỹ đầu tư hoặc các công ty đầu tư mạo hiểm vì đây là những trung gian tài chính sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào nhóm đối tượng này, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới nếu các dự án có tính khả thi cao.
Bên cạnh phát hành trái phiểu, phát hành cổ phần để huy động vốn cũng có rất nhiều ưu điểm, giúp doanh nghiệp có thể huy động được lượng vốn lớn để mở rộng và phát triển.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng các hình thức huy động vốn khác như thuê tài sản hoặc hình thức tài trợ thương mại quốc tế. Việc thuê tài sản sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, điểm mấu chốt nhất là doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản trị, năng lực cạnh tranh bởi đó là những yếu tố cốt lõi nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn vốn, từ nguồn vốn tín dụng hay phát hành trái phiếu, cổ phiếu…
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường vốn Việt Nam hiện có rất nhiều lợi thế để phát triển. Có thể kể như khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, nền tảng kinh tế vĩ mô khá vững chắc, triển vọng phục hồi và phát triển khá tốt. Quy mô thị trường, lượng giao dịch ngày càng lớn, chỉ số P/E ở mức hấp dẫn so với các thị trường khu vực. Cùng với đó, thu nhập của người dân tăng nhanh, ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm tới thị trường chứng khoán dẫn đến dòng vốn từ cá nhân đi vào thị trường nhiều hơn.
Chính vì vậy, để có thể tận dụng được những lợi thế trên, doanh nghiệp cần cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, đa dạng hóa nguồn vốn, ứng dụng công nghệ thông tin tính toán cấu trúc vốn tối ưu. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro bài bản hơn, xây dựng và thực thi chiến lược “Kinh doanh số”.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường vốn Việt Nam hiện có rất nhiều lợi thế để phát triển. Có thể kể như khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, nền tảng kinh tế vĩ mô khá vững chắc, triển vọng phục hồi và phát triển khá tốt. Quy mô thị trường, lượng giao dịch ngày càng lớn, chỉ số P/E ở mức hấp dẫn so với các thị trường khu vực. Cùng với đó, thu nhập của người dân tăng nhanh, ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm tới thị trường chứng khoán dẫn đến dòng vốn từ cá nhân đi vào thị trường nhiều hơn. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-can-chu-dong-tai-cau-truc-nguon-von-114391.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.