![]() | Thừa Thiên - Huế: Triển khai hiệu quả hoạt động tín dụng trong “Năm doanh nghiệp” |
![]() | Thừa Thiên - Huế cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế |
![]() |
Đoàn tiếp quản Ngân hàng Thừa Thiên - Huế |
Góp phần đắc lực cho công cuộc kháng chiến
Tháng 6/1951, Ngân hàng Quốc gia Thừa Thiên được thành lập tại một địa điểm nằm sâu trong rừng già chiến khu Dương Hòa. Nhiệm vụ của ngân hàng lúc bấy giờ là thu chi tiền tệ, thu chi ngân sách, tổ chức cho nhân dân vay vốn phát triển sản xuất. Hoạt động ngân hàng đã góp phần đắc lực đưa công cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Năm 1954, khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, lực lượng cách mạng tập kết ra Bắc, đồng thời cũng chuyển tiền bạc, tài liệu ra miền Bắc. Lúc này, sứ mệnh của Ngân hàng Quốc gia Thừa Thiên và Ngân hàng Phân khu E cũng kết thúc.
Năm 1966, Ban Kinh tế, tài chính Khu ủy Trị Thiên được thành lập gọi tắt là Ban Kinh tế. Nhiệm vụ của Ban là tổ chức thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ, vận động nhân dân ủng hộ nuôi quân, thu mua lương thực, thực phẩm, đảm bảo cung cấp cho lực lượng chiến đấu từng địa bàn, khu căn cứ và có dự trữ. Đến năm 1969, Ban kinh tế được tăng cường thêm cán bộ rút lên từ đồng bằng và số cán bộ từ miền Bắc vào, trong đó có các cán bộ ngành Ngân hàng được cử vào để chuẩn bị phát hành tiền mới của Mặt trận giải phóng. Sau hiệp định Paris, nhiệm vụ của số cán bộ ngân hàng lúc này là nghiên cứu chính sách vùng giải phóng để triển khai hoạt động ngân tín, tìm hiểu cơ sở kinh tế và hoạt động ngân hàng chuẩn bị bộ khung tại chỗ cho việc tiếp quản khi giải phóng.
Ngay sau ngày giải phóng Thừa Thiên - Huế (26/3/1975), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cử một đoàn cán bộ vào Huế để tiếp quản. Ông Ngô Tuấn Kiệp được Ủy ban nhân dân cách mạng Thừa Thiên - Huế cử phụ trách Ngân hàng Thừa Thiên - Huế. Lúc này, để có đủ lực lượng cán bộ làm việc, một số cán bộ ngân hàng đi B năm 1968 đã được thu nhận làm nhiệm vụ tiếp quản các ngân hàng cũ và chuẩn bị thành lập ngân hàng mới. Bên cạnh đó, một số nhân viên ngân hàng cũ có trình độ đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ cũng được tiếp nhận.
Ngày 5/5/1975, Ngân hàng Thừa Thiên - Huế khai trương hoạt động. Nhiệm vụ quan trọng trước tiên của ngân hàng là phải tập trung chỉ đạo việc huy động vốn để có nguồn cho vay. Năm 1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Các ngân hàng cũng được hợp nhất thành Ngân hàng tỉnh Bình Trị Thiên.
Đổi mới toàn diện và phát triển
Năm 1986, sau hơn 10 năm giải phóng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có bước phát triển tích cực. Hoạt động của ngành Ngân hàng trong thời kỳ này nằm trong tình trạng chung của cả hệ thống vẫn còn mang nặng tính bao cấp. Từ thực trạng trên, đòi hỏi phải chuyển hoạt động ngành Ngân hàng sang mô hình phù hợp với những chuyển đổi mới của nền kinh tế.
Trước tình hình đó, ngành Ngân hàng Bình Trị Thiên đã nhanh chóng triển khai mô hình mới trên địa bàn nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động và sự chuyển hướng của nền kinh tế, góp phần ổn định tiền tệ, giảm lạm phát. Trong một thời gian ngắn, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đã sắp xếp ổn định bộ máy để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống các chi nhánh ngân hàng thương mại.
Tháng 7/1989, sau khi tái lập tỉnh, song song với việc ổn định hoạt động của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước theo chức năng mới, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn từng bước được hoàn chỉnh. Những yếu tố cộng hưởng đó đã giúp các chi nhánh triển khai chuyển đổi mô hình, nhanh chóng thích nghi với cơ chế hoạt động mới, hoạt động hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tín dụng được mở rộng đến mọi thành phần kinh tế: năm 1989, dư nợ cho vay tăng 0,62 lần so với năm 1988, năm 1990 tăng 1,68 lần so với năm 1989.
Mô hình và mạng lưới tổ chức của ngành Ngân hàng những năm tiếp theo không ngừng được hoàn thiện và mở rộng để đáp ứng yêu cầu phát triển. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống các tổ chức tín dụng được phát triển rộng khắp trên địa bàn. Hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng được đồng bộ, các nghiệp vụ ngân hàng đều được tin học hóa, nhiều tiện ích và dịch vụ ngân hàng được đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều chính sách, chương trình tín dụng được triển khai đã giúp cho nhiều đối tượng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để sản xuất kinh doanh.
Việc tăng cường công tác huy động vốn và đầu tư tín dụng đã phục vụ đắc lực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt các chương trình, dự án lớn đều có nguồn vốn của ngân hàng đầu tư vào.
Có thể nói, cùng với sự phát triển chung của toàn Ngành, ngành Ngân hàng Thừa Thiên - Huế đã trải qua quá trình xây dựng và từng bước trưởng thành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế hệ cán bộ công chức ngành Ngân hàng Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục cùng nhau nỗ lực vươn lên, chung sức, chung lòng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm thêm lịch sử truyền thống vẻ vang của Ngành.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nganh-ngan-hang-thua-thien-hue-tu-khang-chien-den-thoi-ky-doi-moi-114147.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.