![]() |
Cần có quy định quản lý, hạn chế sử dụng các chất F-gas |
Hội thảo là một phần của chương trình “Khảo sát về thúc đẩy khung chương trình biến đổi khí hậu tại Việt Nam theo Sổ tay quy tắc thực hiện Thỏa thuận Paris” mà JICA đã triển khai từ tháng 7/2020, nhằm giúp Việt Nam trao đổi kinh nghiệm về quản lý khí F-gas với các nước khác như Nhật Bản, Úc, Singapore và Malaysia.
Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ với đối tác Việt Nam về những thách thức và nỗ lực của họ trong việc quản lý khí F-gas, nhất trí rằng các nước châu Á cần chung tay thực hiện các hành động giảm dần khí Hydrofluorocarbons (HFC) - một loại khí F-gas phổ biến - để đáp ứng các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Kigali sửa đổi và đóng góp vào Thỏa thuận Paris.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, đánh giá cao sự hỗ trợ của JICA, nhắc lại điều 92 của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định trách nhiệm và yêu cầu chính đối với Bộ TN&MT với tư cách là cơ quan đầu mối, đồng thời nêu rõ các bộ, ngành liên quan cần có các hành động cụ thể để loại bỏ dần các chất làm suy giảm tầng ôzôn và giảm dần khí HFC. Việc học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản và các nước khác sẽ giúp chúng ta đưa ra các biện pháp kiểm soát khí HFC hiệu quả và đặc biệt là khuyến khích khu vực tư nhân chuyển sang sử dụng nhiều hơn các công nghệ thân thiện với môi trường.
Tại hội thảo, ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, cho rằng kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc áp dụng các công nghệ thích hợp để thu hồi và tiêu hủy khí F-gas sẽ giúp ích cho các công ty Việt Nam khi Chính phủ triển khai các biện pháp quản lý khí F-gas nghiêm ngặt.
Khí HFC được sử dụng rộng rãi như một chất làm lạnh trong máy điều hòa không khí gia dụng và công nghiệp, tủ lạnh, vệ sinh thiết bị điện tử có độ chính xác cao, chất tạo lực phun, uretan dùng trong vật liệu xây dựng...
Khí HFC có khả năng gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu cao hơn nhiều so với khí CO2 và nếu được giải phóng, khí này sẽ tồn tại trong bầu khí quyển trong suốt hàng chục năm.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, năm 2019, lượng tiêu thụ khí HFC của Việt Nam lên đến 3.772,621 tấn trong khi lượng HFC thải ra là 33,69 tấn.
![]() |
Toàn cảnh hội thảo |
Tại Việt Nam, HFCs đã được đưa vào thị trường như một lựa chọn thay thế cho nhiều ứng dụng (như điều hoà không khí thương mại/công nghiệp, làm lạnh gia dụng và thương mại, làm lạnh trong lĩnh vực vận tải) và nhu cầu về HFC đang tăng nhanh.
Giai đoạn trước năm 2020, Việt Nam không ghi nhận hoạt động sản xuất HFC; năm 2020 có ghi nhận hoạt động sản xuất chất HFC (R134a, R410a, R32...). Lượng tiêu thụ HFC của Việt Nam năm 2020 là hơn 6.000 tấn, tăng đáng kể so với các năm trước.
Để giải quyết được tồn tại này, các chuyên gia đề xuất, Nhà nước cần hoàn thiện văn bản pháp lý và chính sách cụ thể các quy định cho phép việc sản xuất, nhập khẩu sử dụng theo một lộ trình cụ thể để quản lý, hạn chế sử dụng các chất HFC hoặc thải ra môi trường.
Việt Nam cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; thúc đẩy công tác đào tạo, nân cao trình độ kỹ thuật, nhận thức, tay nghề cho đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường qua quản lý môi trường chất lạnh bằng các chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn, bổ sung.
Chính phủ cũng cần tăng cường trang thiết bị cho việc quản lý, thu hồi, tái chế và tiêu huỷ môi chất lạnh, qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các chủ sở hữu thiết bị. Biện pháp mạnh nhất là Nhà nước phải thành lập một tổ chức hoặc một bộ phận có đủ trình độ chuyên môn để quản lý các đơn vị sử dụng F-gas. Thêm vào đó là cần nguồn tài chính hỗ trợ bền vững cho việc quản lý F-gas.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/can-co-quy-dinh-quan-ly-han-che-su-dung-cac-chat-f-gas-114113.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.