Giảm mức độ đầu tư
Mới đây, HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư “Dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng”, sử dụng vay vốn ngân hàng Thế giới (WB). Trong đó, đáng chú ý UBND thành phố đã đề xuất dừng đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT, thay vào đó tập trung phát triển hệ thống xe buýt chất lượng cao.
Được biết, hệ thống xe buýt nhanh BRT thí điểm là hợp phần 2 trong 5 hợp phần của “Dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng”. Dự án này sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2021. Theo đó, hợp phần này sẽ thực hiện thí điểm hệ thống xe buýt nhanh, gồm 1 tuyến buýt BRT và 2 tuyến bổ trợ kết nối du lịch tại Hội An và Bà Nà. Theo ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, hợp phần 2 là hợp phần quan trọng để phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt ở địa phương. Sau khi, dự án được phê duyệt năm 2013, tất cả 8 gói thầu của hợp phần này đã được phê duyệt bản vẽ thi công, triển khai đấu thầu, ký hợp đồng và thi công.
![]() |
TP. Đà Nẵng sẽ tập trung cho hệ thống xe buýt chất lượng cao |
Tuy nhiên, đến nay hợp phần này mới chỉ đạt 33% khối lượng thi công, gồm toàn bộ hạ tầng cho xe buýt trợ giá thành phố. Riêng hạng mục xây dựng hệ thống bán vé thông minh, tín hiệu giao thông ưu tiên; cải tạo các nút tổ chức giao thông còn lại và nhà chờ trên dải phân cách để phù hợp với cơ sở xe buýt nhanh chưa hoàn thành. Trong khi, khoảng thời gian còn lại của dự án chưa đầy 3 tháng sẽ không kịp triển khai đấu thầu, thi công, mua sắm và hoàn thành nghiệm thu đưa hệ thống xe buýt chất lượng cao vào hoạt động... Đặc biệt, qua đánh giá rà soát nhận thấy, việc đưa xe buýt nhanh vào thí điểm trong giai đoạn hiện nay sẽ có những bất cập do dự báo sản lượng hành khách của BRT chưa đạt yêu cầu, chưa có bãi đỗ xe cá nhân, thói quen tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng của người dân chưa cao…
Trong khi đó, chi phí trợ giá BRT sẽ tăng cao hơn nhiều so với trợ giá xe buýt thường và kéo dài, tạo gánh nặng cho ngân sách và phản ứng dư luận xã hội không tốt về hiệu quả đầu tư. Từ những vướng mắc trên, HĐND TP. Đà Nẵng cũng đã thống nhất giảm mức độ đầu tư, tạm ngưng triển khai đấu thầu và thi công các công trình, hạng mục mới liên quan đến BRT. Trong đó, bao gồm hệ thống vé, giao thông thông minh, tín hiệu giao thông ưu tiên, tổ chức giao thông tại các nút, nhà chờ dải phân cách, nhà chờ trên vỉa hè ưu tiên phục vụ cho xe buýt nhanh…
Chuyển sang chất lượng cao
Như vậy, sau khi điều chỉnh, dừng đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT, tổng mức đầu tư của “Dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng” sẽ giảm từ 358,319 triệu USD xuống còn 267,50 triệu USD. Trong đó, vốn vay của WB giảm từ 274,954 triệu USD xuống còn 160,5 triệu USD; vốn đối ứng tăng từ 83,365 triệu USD lên 107 triệu USD. Mặc dù, điều chỉnh giảm quy mô của dự án, song nhìn chung dư luận đều rất ủng hộ chủ trương này của thành phố.
Bởi, trên thực tế hiện nay trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng đang có hệ thống xe buýt trợ giá, song hoạt động cũng rất trầy trật. Trong đó, nguyên nhân khiến các “thượng đế” vẫn ngó lơ với các xe buýt có trợ giá, do thói quen người dân địa phương chưa thích ứng với loại hình vận chuyển này. Người dân Đà Nẵng vẫn thường sử dụng xe máy, đặc biệt trong khu vực nội thị. Bên cạnh đó, tình trạng tắc đường, kẹt xe của thành phố chưa quá nghiêm trọng, quãng đường di chuyển không quá xa so với các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh...
Ngay khi công bố thông tin ngừng phát triển xe buýt BRT, nhiều ý kiến người dân tại Đà Nẵng đã bày tỏ sự ủng hộ. Bởi, thực tế tại một số đô thị lớn trong cả nước, mặc dù đã đầu tư rất nhiều cho hệ thống xe buýt nhanh BRT, song vẫn không cải thiện được tình trạng kẹt xe, gây lãng phí ngân sách. Chưa kể, đến nay hạ tầng giao thông của Đà Nẵng hiện còn nhiều bất cập, việc khớp nối các tuyến xe buýt nội đô chưa đồng bộ, chưa tạo ra được thói quen người dân tham gia phương tiện công cộng.
Theo đại diện Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng, chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống xe buýt nhanh BRT trên địa bàn thành phố là chủ trương đúng đắn nhằm góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, chống ùn tắc giao thông, đồng thời góp phần xây dựng văn minh đô thị, phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều người dân chưa có thói quen sử dụng phương tiện vận tải khách công cộng để đi lại. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho vận tải khách công cộng chưa đồng bộ. Bởi vậy, việc xây dựng hệ thống xe buýt nhanh BRT trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn này là chưa hợp lý. Trước mắt, thành phố nên tập trung đầu tư phát triển xe buýt trợ giá, xe buýt chất lượng cao hiện có.
Việc hệ thống xe buýt nhanh BRT ở Đà Nẵng không như kỳ vọng, cũng là bài học cho các đô thị khác trong cả nước. Đơn cử, như hệ thống xe buýt nhanh BRT tại Hà Nội được đầu tư cả nghìn tỷ đồng, với kỳ vọng sẽ giảm mật độ lưu thông của các phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông. Song, đến nay đã hơn 3 năm đưa vào sử dụng song hiệu quả của hệ thống xe buýt nhanh ở thủ đô vẫn không như kỳ vọng. Mặc dù, chiếm dụng hạ tầng giao thông lớn, song hệ thống xe buýt nhanh BRT vẫn rất vắng khách, hiệu quả thu lại không xứng với số vốn đã đầu tư, gây lãng phí nguồn ngân sách không nhỏ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/vi-sao-xe-buyt-nhanh-lai-cham-113944.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.