![]() |
Nhân dịp Hội nghị cán bộ ngân hàng ngày 23/2/1952, Bác Hồ đã gửi thư cho cán bộ ngân hàng. Bức thư của Bác ngắn gọn, súc tích song chứa đựng nhiều bài học sâu sắc và những lời căn dặn quý báu của Bác đối với các cán bộ ngành Ngân hàng.
Thứ nhất, về tính khoa học trong công tác hoạch định chính sách
Trong thư, Bác đi thẳng vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong công tác kinh tế - tài chính đã được Chính phủ thống nhất thông qua, bao gồm:
“ - Tǎng thu giảm chi, thống nhất quản lý tài chính,
- Xây dựng ngân hàng và quản lý tiền tệ,
- Phát triển mậu dịch.
Công tác tài chính là then chốt...”.
Cần thấy rằng, Hội nghị cán bộ ngân hàng diễn ra ít lâu sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951) đề ra chủ trương, chính sách mới về kinh tế-tài chính và trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 15/SL ngày 6/5/1951 về việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Mục đích của các công việc trọng tâm nêu trên cũng đã được Hồ Chủ tịch khẳng định ngay trong nội dung thư, theo đó, “Chấn chỉnh 3 công tác ấy là để chuẩn bị điều kiện thiết thực cho kế hoạch sản xuất và tiết kiệm nǎm nay, tức là để đẩy mạnh công cuộc kháng chiến kiến quốc”.
Từ đó, Bác đề nghị “các cán bộ nên thật thà kiểm thảo:
- Mọi người đã nắm vững chính sách và phương châm của Chính phủ chưa?
- Trong khi thi hành chính sách và phương châm ấy, đã đi đúng đường lối quần chúng chưa? Cách tổ chức và lề lối làm việc đã hợp lý chưa”?
Có thể thấy, từng câu chữ trong thư của Bác đều thể hiện sự rõ ràng, rành mạch trong tư duy của một nhà hoạch định và thực thi chính sách: yêu cầu tiên quyết của các cán bộ ngân hàng là phải nắm chắc, nằm lòng các chính sách và đường hướng của Chính phủ; coi đây là kim chỉ nam cho mọi hành động của mình; trên cơ sở đó, vạch ra các kế hoạch, chương trình hành động và tổ chức thực thi các kế hoạch này một cách nghiêm túc, hợp lý, hiệu quả. Hồ Chủ tịch là một tấm gương điển hình cho tác phong làm việc khoa học, tư duy logic, không chủ quan, cảm tính, tự do, tùy tiện.
Thứ hai, về công tác kiểm điểm
Trong thư, Bác đặt câu hỏi cụ thể đối với từng đối tượng cán bộ; mỗi cán bộ cần xác định rõ mục tiêu và cách thức hành động để đạt được kết quả đối với lĩnh vực công tác của mình; đồng thời “Trong khi kiểm điểm công tác ngành mình, các cán bộ nên nhìn vào toàn bộ chính sách kinh tế tài chính của Chính phủ. Nên mạnh dạn phát biểu ý kiến, thật thà trao đổi kinh nghiệm – để kiện toàn ngành mình và phối hợp chặt chẽ với ngành khác, nhằm mục đích thực hiện đầy đủ kế hoạch sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ nǎm nay”.
Công tác kiểm điểm trong chính quyền cũng như trong công tác Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm phát huy ưu điểm, nhận diện những thiếu sót, khuyết điểm, đề ra kế hoạch khắc phục khuyết điểm. Đây là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ngay trong thư, Bác luôn đề cao tinh thần trung thực, thẳng thắn, mạnh dạn trong việc kiểm điểm.
Đây cũng chính là thực hiện dân chủ cơ sở trong Đảng, trong đó đề cao tinh thần phê bình và tự phê bình. Việc thực hiện nghiêm túc phê bình sẽ nâng cao tính hăng hái và trách nhiệm của các đảng viên, tăng cường sự đấu tranh của đảng viên với những biểu hiện tiêu cực ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thứ ba, về việc không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn và tư cách đạo đức
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Với tinh thần ấy, trong thư gửi cán bộ ngân hàng, Bác viết: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách”. Trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, cán bộ ngân hàng nói riêng và các cán bộ công chức nói chung luôn phải trau dồi và nêu cao đạo đức cách mạng để xây dựng đội ngũ cán bộ tài đức vẹn toàn, vừa “hồng” vừa “chuyên”.
*
* *
Những bài học và lời căn dặn từ bức thư của Hồ Chủ tịch năm nào đã được toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động thuộc Ngân hàng Nhà nước nói chung và Vụ Quản lý ngoại hối nói riêng thấm nhuần và vận dụng thực tiễn.
Đối với công tác hoạch định chính sách
Ngay tại Sắc lệnh thành lập số 15/SL ngày 6/5/1951 đã nêu hai trong số 6 nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là “Quản lý ngoại tệ và thanh toán các khoản giao dịch với nước ngoài” và “Đấu tranh tiền tệ với địch”. Trong suốt giai đoạn hình thành và phát triển của Ngân hàng Nhà nước, cán bộ, đảng viên Vụ Quản lý ngoại hối luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao trong từng thời kỳ:
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ và giai đoạn đầu giành độc lập, công tác quản lý ngoại hối được triển khai song song cùng hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ huy động các nguồn vốn ngoại tệ từ bên ngoài, bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế cũng như đáp ứng cho các nhu cầu trả nợ đến hạn và nhập khẩu hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và đời sống. Cùng với nỗ lực đổi mới về cơ cấu tổ chức và chế độ, thể lệ, cơ chế hoạt động tiền tệ, quản lý ngoại hối thì hoạt động tín dụng, tiền tệ đã vận động đúng chức năng, giảm lạm phát và từng bước ổn định giá trị đồng tiền.
Tại Đại hội lần thứ VIII của Đảng trong năm 1996, vai trò về quản lý ngoại hối và tỷ giá được nhấn mạnh như một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng: “NHTW có trách nhiệm chính trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, quản lý ngoại tệ và vàng”. Trên cơ sở đó, NHNN đã tiếp tục kiện toàn cơ chế chính sách, pháp luật về ngân hàng trong đó có chính sách về quản lý ngoại hối. Năm 2005, Pháp lệnh Ngoại hối được ban hành đã đặt nền móng cho công tác điều hành chính sách về ngoại hối của NHNN từng bước phù hợp với thông lệ, cam kết quốc tế và phù hợp điều kiện của đất nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế. Cùng với Pháp lệnh Ngoại hối (đã được chỉnh sửa, bổ sung năm 2013), hệ thống các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh ngoại hối trong lĩnh vực quản lý giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng và quản lý dự trữ ngoại hối đã được kiện toàn và thường xuyên bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Những năm gần đây, bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, rủi ro và bất ổn gia tăng trong điều kiện xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn và thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường. Kinh tế trong nước cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tuy nhiên, tập thể Đảng bộ và cán bộ, đảng viên Vụ Quản lý ngoại hối luôn nhận thức rõ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn giai đoạn trước, Vụ Quản lý ngoại hối đã đề xuất nhiều giải pháp quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối, quản lý các giao dịch vãng lai và sử dụng ngoại hối nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế tình trạng đô la hóa; quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nhờ vậy thu hút và giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng; thực hiện quản lý chặt chẽ hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, nhất quán với mục tiêu quản lý nợ nước ngoài của quốc gia; thận trọng từng bước tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam phù hợp với chính sách tiền tệ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước, đưa quy mô dự trũ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục; triển khai các giải pháp đồng bộ, linh hoạt để quản lý thị trường vàng và củng cố kết quả chống “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Đối với công tác kiểm điểm, phê bình và tự phê bình
Thực hiện lời dạy của Bác, NHNN đã ban hành quy chế làm việc của NHNN Việt Nam, trong đó đưa nhiệm vụ theo dõi, đánh giá, kiểm điểm chương trình công tác là một hoạt động thường xuyên, thực hiện theo định kỳ hàng tháng, quý, sáu tháng và cuối năm. Kết quả thực hiện chương trình công tác phải được coi là một tiêu chí quan trọng để xem xét, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Tại Vụ Quản lý ngoại hối, công tác kiểm điểm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức cùng với kiểm điểm đảng viên được thực hiện thường xuyên với tinh thần nghiêm túc, chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch và đúng quy định. Qua công tác kiểm điểm đã kịp thời động viên, khen thưởng những cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác, đồng thời có giải pháp xử lý phù hợp đối với những cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ; qua đó ngày càng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Vụ Quản lý ngoại hối và hiệu quả công việc nói chung.
Tinh thần tự phê bình và phê bình đã được các đảng viên trong Đảng bộ nhận thức và thực hiện nghiêm túc, không ngại va chạm, không nể nang, né tránh trong việc trao đổi ý kiến, góp ý cho đồng nghiệp. Công tác dân chủ tại Đảng bộ cũng được phát huy rất rõ nét trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Nhiều nhiệm vụ lớn, khó đã được hoàn thành với chất lượng cao, đảm bảo thời gian cho phép thông qua việc phát huy trí tuệ tập thể, tổ chức nhiều buổi tọa đàm, trao đổi để cùng làm rõ các vấn đề. Đảng ủy cũng như Ban Giám đốc Vụ luôn lắng nghe ý kiến trao đổi từ phía đồng nghiệp, có tiếp thu, phản hồi và giải thích thỏa đáng kể cả trong công tác chuyên môn cũng như công tác tổ chức nhân sự, đoàn thể.
Đối với việc trau dồi trình độ chuyên môn và tư tưởng đạo đức
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Vụ Quản lý ngoại hối được thực hiện thường xuyên, liên tục, dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng giai đoạn.Ban lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối luôn tạo điều kiện để các cán bộ tham gia các chương trình đào tạo dài hạn trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ.
Đảng bộ bộ phận Vụ Quản lý ngoại hối được nâng cấp từ Chi bộ Vụ Quản lý ngoại hối từ năm 2017 với 03 Chi bộ trực thuộc, số lượng đảng viên chiếm khoảng 70% cán bộ của Vụ. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng bộ Vụ Quản lý ngoại hối đặc biệt coi trọng thông qua các chương trình sinh hoạt chuyên đề; không chỉ dưới hình thức tuyên truyền, phổ biến qua các văn bản, chỉ đạo mà còn được đa dạng hóa dưới các phong phú. Đặc biệt, Đảng bộ Vụ Quản lý ngoại hối cùng với 03 đơn vị: Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo Thống kê, Học viện Ngân hàng tổ chức và tham gia Cuộc thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó, Vụ Quản lý ngoại hối đã đoạt giải Nhất cuộc thi.
Các cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng nói chung và cán bộ đảng viên Vụ Quản lý ngoại hối nói riêng sẽ luôn ghi nhớ, trân trọng bức thư của Hồ Chủ tịch, coi đây là một tài sản vật chất và tinh thần vô giá mà Người đã dành riêng cho các cán bộ của ngành, từ đó tiếp tục học tập và làm theo lời căn dạy của Bác, xây dựng ngành Ngân hàng vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/hoc-tap-va-lam-theo-bac-trong-cong-tac-quan-ly-ngoai-hoi-113719.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.