Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước, tuy nhiên trong quý I/2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó nam giới chiếm 51,0% và số người trong độ tuổi từ 25 - 54 chiếm gần hai phần ba.
Lao động thành thị bị ảnh hưởng nhiều nhất
Trong tổng số 9,1 triệu người chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.
![]() |
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo thành thị, nông thôn, các quý giai đoạn 2019-2021 |
Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% lao động khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng, trong khi đó con số này ở nông thôn là 10,4%.
Nhóm lao động thất nghiệp chịu tác động mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiếp đó là lao động có việc làm (15,5%), chỉ có 4,3% lao động không hoạt động kinh tế còn chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch này.
Xét theo 3 khu vực, ít chịu tác động nhất của đại dịch là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 7,5% lao động cho biết chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Đứng thứ hai là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5% lao động bị ảnh hưởng. Lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm tỷ lệ 20,4%.
Sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch Covid-19 làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020, đồng thời khiến nhiều người lao động, đặc biệt phụ nữ, trở thành lao động có việc làm phi chính thức.
Ông Nguyễn Huy Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, lực lượng lao động quý I/2021 giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Xu thế tăng về số lượng lao động của năm sau so với cùng kỳ các năm trước đã không còn là điều hiển nhiên. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/ 2021 là 51,0 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
“So sánh với quý trước, sự sụt giảm của lực lượng lao động là xu thế thường quan sát được trong nhiều năm kể cả những năm trước khi xảy ra đại dịch, do tâm lý ‘tháng Giêng là tháng ăn chơi’ của nhiều lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ngay trước Tết Nguyên đán đã làm thay đổi xu thế tăng thường thấy so với cùng kỳ các năm trước”, ông Phạm Hoài Nam cho hay.
Đáng chú ý, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2021 là gần 1,1 triệu người, giảm 137,0 nghìn người so với quý trước và tăng 12,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2021 là 2,42%, giảm 0,21 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập người lao động tăng
Một điểm sáng của thị trường lao động, việc làm quý I/2021, theo báo cáo, là thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2021 đạt 6,3 triệu đồng, tăng 339 nghìn đồng so với quý trước và tăng 106 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp sự bùng phát của đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2021 vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước và tăng ở cả 3 khu vực kinh tế.
![]() |
Thu nhập bình quân tháng người lao động theo khu vực kinh tế, quý I/2020 và quý I/2021 |
Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần của lao động nữ (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 5,2 triệu đồng); thu nhập bình quân lao động khu vực thành thị cao hơn 1,5 lần lao động khu vực nông thôn (tương ứng 7,9 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng).
Tổng cục Thống kê cho biết, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ; việc tận dụng nhóm lao động này trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh dịch Covid-19.
“Hiện nước ta vẫn còn 3,5 triệu lao động sản xuất sản phẩm nông nghiệp với mục đích chủ yếu để bản thân và gia đình sử dụng. Khoảng 93,5% lao động tự sản tự tiêu không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và hơn một nửa trong số họ đang trong độ tuổi lao động. Đây là nguồn tiềm năng vô cùng phong phú có thể tận dụng để phát triển. Vì vậy, Nhà nước cần triển khai những chính sách dành riêng để thu hút đối tượng này tham gia thị trường lao động, một mặt góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội nói chung và một mặt giúp cải thiện đời sống của người lao động”, báo cáo khuyến nghị.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/quy-i2021-van-con-91-trieu-lao-dong-bi-anh-huong-tieu-cuc-boi-covid-19-113663.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.