![]() |
Ông Tạ Quang Tiến (ngoài cùng bên trái) tại buổi lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba |
Cơ hội từ nghề "tay trái"
Bước chân vào lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) ngân hàng từ tháng 10/1968, người thanh niên trẻ Tạ Quang Tiến khi ấy chưa có chuyên môn về CNTT, chỉ coi là nghề tay trái nhưng càng học lại càng thấy CNTT hợp với năng lực, làm việc thấy thích, cứ mày mò tự học và trau dồi kiến thức về CNTT và ngoại ngữ mỗi ngày để có đủ trình độ làm việc.
Để rồi ở độ tuổi tam thập nhi lập, ông Tạ Quang Tiến được đề bạt Giám đốc Nhà máy tính 2 tại TP.HCM từ năm 1980 đến 1983. Trở về Hà Nội đi học ngoại ngữ và trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, bảo vệ thành công luận án tiến sỹ. Đầu năm 1987 ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Trung tâm Tính toán, sau đổi tên thành Trung tâm Tin học, Cục Công nghệ Tin học Ngân hàng, và nay là Cục Công nghệ thông tin.
Bên cạnh công tác chuyên môn, với quan điểm coi các phong trào hoạt động là môi trường rèn luyện, qua đó bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, ý chí cách mạng và tinh thần trách nhiệm tại đơn vị, ông Tạ Quang Tiến đã tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể Nhờ vậy, ông còn được giữ cương vị Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn Ngân hàng Trung ương từ rất sớm.
Khi "bén duyên" với CNTT ngân hàng, ông Tạ Quang Tiến cho biết, những ngày đầu ông và các cộng sự cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là những năm 1970-1980 đất nước còn đang chiến tranh, lãnh đạo ngành Ngân hàng đã rất tích cực đưa CNTT vào hoạt động ngân hàng nhưng nhiều người cho rằng CNTT là cái gì đó xa vời, đắt đỏ và tốn kém, không muốn thay đổi; trong Ngành chưa tạo được tiếng nói chung giữa người làm kỹ thuật và người nghiên cứu CNTT; nguồn vốn đầu tư của vào CNTT cũng rất eo hẹp; nền tảng cơ sở pháp lý về CNTT và giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng nói riêng cũng như toàn quốc chưa được ban hành; lực lượng lao động về kỹ thuật CNTT còn thiếu.
Trong khi đó, các ngân hàng thanh toán với nhau phần lớn bằng thủ công, có khi một khoản thanh toán từ tỉnh này đến tỉnh kia phải mất nửa tháng, trong thành phố phải 3-4 ngày mới đến nơi, ngân hàng thiếu tiền mặt nghiêm trọng, lạm phát có lúc lên đến gần 3 con số, lãi suất ngân hàng tăng cao.
Khó khăn là vậy, nhưng ông Tạ Quang Tiến đã cùng với tập thể đội ngũ cán bộ kỹ thuật CNTT ngân hàng tận dụng được thời cơ vượt qua được thách thức. Sau này, khi nhắc lại kỷ niệm, ông luôn nở nụ cười và gọi đó là "trong nguy có cơ". Bởi sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, bước vào thời kỳ đổi mới năm 1990, lãnh đạo NHNN có chương trình đổi mới toàn diện ngành Ngân hàng với 4 nhiệm vụ, trong đó đổi mới công nghệ là nhiệm vụ xuyên suốt. Trong đó, cải tiến hệ thống thanh toán của ngân hàng đã được đặt ra và là một trong những trọng tâm để hiện đại hóa ngân hàng. Cùng lúc đó, thị trường chuẩn bị mở cửa, Mỹ bỏ cấm vận, các tổ chức tài chính quốc tế vào Việt Nam trong đó tiên phong có Ngân hàng Thế giới (WB).
![]() |
Ông Tạ Quang Tiến ngắm nhìn những bức hình kỷ niệm tại nhà riêng |
Một cuộc họp đặc biệt
Ông Tạ Quang Tiến nhớ lại, chiều cuối năm 1994, ông nhận được giấy mời họp do Phó Thống đốc Đỗ Quế Lượng chủ trì. Ông Nguyễn Quang Thép, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế khi ấy đã báo cáo với Phó Thống đốc Đỗ Quế Lượng về nội dung làm việc với đoàn cán bộ của WB với Ngân hàng Việt Nam, trong đó có việc WB muốn tài trợ cho Việt Nam khoản vay khoảng 30 triệu USD để xây dựng hệ thống thanh toán.
Chủ trương đã được thông qua, sau đó nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật về hệ thống thanh toán của WB sang Việt Nam làm việc. Ban lãnh đạo NHNN giao cho TS. Tạ Quang Tiến thay mặt NHNN tiếp và làm việc với đoàn. Từ thực tế ở Việt Nam, thanh toán trong nền kinh tế qua ngân hàng do các ngân hàng thương mại thực hiện nên ông Tiến đã nêu quan điểm đề nghị WB ngoài tài trợ vốn vay cho NHNN thì tài trợ thêm cho 4 ngân hàng quốc doanh. Ý kiến này không được ông ViNit Naia, Trưởng đoàn cán bộ của WB chấp nhận, vì WB chỉ tài trợ vốn vay cho Ngân hàng Trung ương để xây dựng hệ thống thanh toán, chưa có ngân hàng thương mại của nước nào được WB cho vay.
Cuộc thảo luận gay cấn chưa có lối thoát thì đến giờ nghỉ trưa. Ông có đề xuất buổi chiều tạm dừng thảo luận để hai bên báo cáo xin ý kiến lãnh đạo của mình. Ông tranh thủ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm. Sau khi nghe ông trình bày, Thống đốc rất đồng tình và chỉ đạo kiên trì đàm phán theo hướng đề nghị WB tài trợ vốn vay cho cả các ngân hàng thương mại quốc doanh, nếu họ chưa đồng ý thì báo cáo lại để lãnh đạo NHNN sẽ có văn bản đề nghị lên cấp cao của WB.
Sáng hôm sau, bước vào cuộc đàm phán, mới gặp nhau ở cửa phòng họp, ông ViNit Naia đã tươi cười bắt tay và chúc mừng, thông báo rằng cấp cao WB chấp thuận cho cả các ngân hàng thương mại vay vốn. Tuy nhiên, WB không trực tiếp ký hợp đồng với các ngân hàng thương mại, mà thực hiện theo nguyên tắc WB ký hiệp định vay vốn với NHNN, các ngân hàng thương mại ký hợp đồng vay lại với NHNN. Việc theo dõi thanh toán giải ngân cho các tiểu dự án và trả nợ cũng thông qua NHNN.
Khó khăn bước đầu đã được tháo gỡ nhưng xây dựng hệ thống thanh toán của Ngân hàng Việt Nam theo mô hình nào là câu hỏi rất lớn đặt ra. Vượt qua hết trở ngại, đầu năm 1996, Hiệp định tín dụng tài trợ vốn vay 49 triệu USD được ký kết giữa NHNN Việt Nam và WB. Dự án đầu tư vốn vay cho 7 tiểu dự án “Hiện đại hóa Ngân hàng và hệ thống thanh toán". Trong đó, “Thanh toán điện tử liên ngân hàng” được triển khai trước. Đầu năm 1999 tiểu dự án này đã hoàn thành hồ sơ đấu thầu và được Thủ tướng ra quyết định phê duyệt cho phép NHNN tổ chức đấu thầu quốc tế. Nhà thầu Hyundai đã được lựa chọn vì có điểm trúng thầu cao nhất.
![]() |
Ông Tạ Quang Tiến (thứ 10 từ trái sang phải) tại chương trình giao lưu, đối thoại giữa các thế hệ lãnh đạo Ngành với tuổi trẻ Ngân hàng Việt Nam (Ảnh: Vân Anh) |
Những tình huống bất ngờ
Tuy nhiên, trước giờ ký hợp đồng, các quan chức bộ ngành, nhà thầu và các ngân hàng, các công ty được mời đến tham dự đã có mặt đông đủ thì nhận được lệnh khẩn cấp từ Văn phòng Thủ Tướng yêu cầu Ngân hàng dừng ký hợp đồng. Sau khi bị hoãn lại, Văn phòng Đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới thông báo có đơn kiện về kết quả đấu thầu. Những tháng liên tiếp sau, thay vì triển khai dự án lại phải tập trung viết giải trình và dự nhiều cuộc họp liên quan đến đơn kiện.
Trong các cuộc họp, NHNN đã trả lời đầy đủ tất cả các câu hỏi của đơn kiện và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, việc tổ chức đấu thầu do NHNN tổ chức đúng theo pháp luật Việt Nam và các qui định của WB và đơn vị trúng thầu là công ty công nghệ thông tin hàng đầu của Hàn Quốc với kinh nghiệm xây dựng nhiều hệ thống công nghệ thông tin ở xử sở Kim Chi trong đó có nhiều ngân hàng; Hệ thống kỹ thuật công nghệ nhà thầu chào là công nghệ hiện đại tiên tiến nhất thời điểm bấy giờ dựa trên nền tảng công nghệ “Mở”… Sau đó, Thủ tướng đã đồng ý cho NHNN được ký hợp đồng với nhà thầu Hyundai để triển khai dự án.
Tuy nhiên con đường gian nan triển khai dự án có những cản trở không phải từ kỹ thuật, trong đó có đơn thư khiếu kiện gửi cho WB. WB phải lập một Ủy ban điều tra về gian lận trong đấu thầu xem xét lại những vấn đề mà đơn kiện nêu ra. Cuối cùng Ủy ban điều tra gian lận trong đấu thầu của WB kết luận nội dung của đơn kiện không có cơ sở, nên đã đồng ý để NHNN tiếp tục công việc. Tuy mọi khiếu kiện đều được làm sáng tỏ, nhưng phải chậm mất sáu tháng sau dự án mới được ký hợp đồng và triển khai.
Sau những gian nan, thử thách, ông Tạ Quang Tiến, cuối năm 2000, hệ thống “Thanh toán liên Ngân hàng” đã hoàn thành về mặt kỹ thuật, thực hiện chạy thử nghiệm xong nhưng chưa thể đưa vào vận hành được, vì Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý trong việc sử dụng chứng từ và chữ ký điện tử trong hạch toán kế toán và thanh toán Ngân hàng. Do đó, ngoài việc tập trung khẩn trương hoàn thành dự thảo quy trình vận hành hệ thống thanh toán liên Ngân hàng, Thống đốc NHNN đã có tờ trình và được Thủ Tướng cho phép Ngân hàng được áp dụng chứng từ và chữ ký điện tử cho hệ thống Thanh toán điện tử Ngân hàng.
Sau khi đầy đủ các cơ sở pháp lý, ngày 2/5/2001 tiểu dự án “Thanh toán điện tử Liên Ngân Hàng” đã hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào sử dụng. Tiếp theo là các tiểu dự án của các ngân hàng thương mại cũng hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến năm 2002 toàn bộ 7 tiểu dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và bước sang giai đoạn 2...
“Vạn sự khởi đầu nan” là những gì ông Tạ Quang Tiến nhớ về quá trình tham gia hiện đại hóa hệ thống thanh toán liên ngân hàng. Bởi triển khai dự án với hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao, cơ sở hạ tầng viễn thông rất kém, thiếu cơ sở pháp lý, kiện cáo vô căn cứ kết quả đấu thầu gây khó khăn, kéo dài thời gian triển khai dự án…nhưng với sự quyết tâm cao của anh chị em được phân công thực hiện dự án dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo NHNN thời bấy giờ, dự án đã hoàn thành một cách ngoạn mục. Đến nay nó đang phát huy hiệu quả, ngày càng được nâng cấp hoàn thiện, cải tiến công nghệ tốt hơn, phục vụ đắc lực cho hoạt động ngành Ngân hàng nói riêng và phát triển nền kinh tế nói chung.
![]() |
Ông Tạ Quang Tiến chụp ảnh lưu niệm cùng Bí thư Đoàn Ngân hàng Trung ương (Ảnh: Mai Hương) |
Ghi nhận một cuộc đời nhiệt huyết
Sau khi triển khai thành công dự án “Hiện đại hóa Ngân hàng và hệ thống thanh toán”, ông Tạ Quang Tiến vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, trở thành 1 trong 10 Giám đốc công nghệ thông tin (CIO) xuất sắc nhất Đông Dương. Ông cũng vinh dự được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam” của NHNN, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ” của Bộ Khoa học - Công nghệ và kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thông tin và Truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông - là bộ huy hiệu đầu tiên trao cho người ngoài ngành.
Ông thường nói vui, đưa CNTT vào hoạt động nghiệp vụ ngân hàng cũng giống như tập cho người ta ăn ớt. Mới ăn người ta thấy khó, nhưng quen rồi mà thiếu thì không ngon miệng. Cũng giống như việc mình là người đi đầu, hướng dẫn, thuyết phục sử dụng CNTT để đến bây giờ CNTT đã trở thành công cụ hằng ngày và là hơi thở của cuộc sống. Nhờ vào những đóng góp trên, thành quả của chặng đường 70 năm của ngành Ngân hàng từ khi thành lập đến nay có thêm nhiều "bông hoa" đẹp.
Vì vậy, những cán bộ Ngân hàng đi trước như ông Tạ Quang Tiến luôn mong mỏi thế hệ tiếp bước sẽ luôn nhiệt huyết, yêu ngành, cố gắng phấn đấu, việc mình làm là vì sự nghiệp chung và là trách nhiệm của mình. Ông quan niệm rằng, điều quan trọng khi làm nghề CNTT không phải là chức danh, tên tuổi hay nhãn mác mà là sự nhiệt huyết, yêu ngành và có trách nhiệm với công việc. Vì vậy, trong suốt quá trình công tác, ông Tiến rất coi trọng việc xây dựng, đào tạo và định hướng về nhân sự CNTT cho ngành Ngân hàng.
Vì niềm tin yêu với thế hệ tiếp bước, sau khi nghỉ hưu, ông vẫn đều đặn lên lớp giảng về Quản lý kinh tế tại các trường Đại học, hướng dẫn nghiên cứu khoa học tại Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, trở thành Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin và được mời tham gia vào phá những vụ án rửa tiền qua việc phân tích logic một nghiệp vụ, sử dụng công nghệ lỗ hổng...
Tạm gác lại những tâm tư về một nghề được coi là khô khan như CNTT, ở cuộc sống đời thường, ông Tạ Quang Tiến lại mang trong mình tình yêu với nghệ thuật thơ ca. Ông từng xuất bản đến 3 tập thơ, “Hoa vườn nhà” năm 1998, “Tiếng hoa vàng” (2000) và “Cún con” (2001), nhiều truyện ngắn, ảnh, các bài báo vẫn xuất hiện đều đặn trên những trang báo.
Sau buổi trò chuyện cởi mở, chân thành với ông Tạ Quang Tiến, thế hệ trẻ chúng tôi học được nhiều ở ông. Những ký ức của ông về quá trình ứng dụng CNTT trong hoạt động ngân hàng cũng như hệ thống thanh toán làm cho thế hệ trẻ của ngành Ngân hàng hôm nay càng thêm thấm câu nói "Đừng nên hỏi tại sao bạn sống mà nên hỏi ta phải sống thế nào mới hạnh phúc" như những gì nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ tin học ngân hàng đã làm và trải qua.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nguoi-tron-tinh-ven-nghia-voi-cong-nghe-ngan-hang-113489.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.