Chống gian lận xuất xứ: Bảo vệ doanh nghiệp trong nước

Theo Tổng Cục Hải quan, toàn ngành đã thường xuyên mở các đợt cao điểm thực hiện kế hoạch chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, trong đó, kiểm tra sau thông quan là chủ đạo.
chong gian lan xuat xu bao ve doanh nghiep trong nuoc Không thể lơ là với gian lận xuất xứ
chong gian lan xuat xu bao ve doanh nghiep trong nuoc Gian lận xuất xứ hàng hóa - hậu quả nhãn tiền
chong gian lan xuat xu bao ve doanh nghiep trong nuoc Chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp: Sức ép ngày càng lớn

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do. Đây vừa là cơ hội để hội nhập nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới, trong đó công tác chống gian lận xuất xứ được cho là trọng tâm trong năm 2021 của Tổng Cục Hải Quan. Ngay trong những tháng đầu năm 2021, Hải quan đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vi phạm xuất xứ, hàng giả, hàng nhái. Điều này ảnh hưởng rất lớn không những người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong việc xuất khẩu.

chong gian lan xuat xu bao ve doanh nghiep trong nuoc
Các đơn vị hải quan dùng các biện pháp nghiệp vụ kiên quyết đẩy lùi nạn gian lận thương mại

Trong những năm gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, giả mạo nguồn gốc, xuất xứ diễn ra thường xuyên.

Đơn cử ngày 16/3/2021, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT) TP. Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra “kho hàng” tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm có địa chỉ số 19 Nhân Hòa, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội phát hiện và thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm mang nhãn hiệu Bi Bop không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc và có dấu hiệu làm giả xuất xứ. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện 16.029 sản phẩm mang nhãn hiệu Bi Bop như Bi Bop professional a washing color, Bi Bop professinal a washing black, Bi Bop professional và nhiều sản phẩm mỹ phẩm khác đang được lưu trữ, giá trị ước tính khoảng hơn 4 tỷ đồng.

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện trên sản phẩm có nhãn gốc bằng chữ nước ngoài không có xuất xứ của hàng hóa, có mã vạch là đầu số 49 (của Nhật Bản). Sản phẩm được dán nhãn phụ thể hiện tên và địa chỉ của công ty và ghi “Made in Japan”, nhưng sau khi kiểm tra lại thông tin thì công ty không có thật. Ngoài ra, nhãn thể hiện trên bao bì ngoài (thùng to đựng nhiều sản phẩm) lại là “Made in China”. Toàn bộ các sản phẩm tại đây đều có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật. Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ vi phạm về giả mạo nguồn gốc xuất xứ bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý.

Trên thực tế, khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều Hiệp định thương mại tự do bên cạnh lợi ích mang lại, những chiêu thức gian lận xuất xứ cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách nhằm hưởng ưu đãi thuế quan của hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Một số nhóm đối tượng sản xuất hàng hóa ở nước ngoài cũng đã lợi dụng đưa hàng hoá vào Việt Nam với sự gian lận xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế dành cho nước thành viên của Hiệp định hoặc là tiêu thụ trong nội địa để thu lợi bất chính. Hành vi gian lận này đã khiến nhiều ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Tổng Cục Hải quan, toàn ngành đã thường xuyên mở các đợt cao điểm thực hiện kế hoạch chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, trong đó, kiểm tra sau thông quan là chủ đạo. Thực tế cho thấy, vi phạm điển hình trong các vụ việc do Cục Kiểm tra sau thông quan phát hiện là việc doanh nghiệp nhập khẩu toàn bộ linh kiện để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh hòng “đội lốt” hàng Việt Nam. Trong năm 2020, Cục này đã kiểm tra hơn 100 doanh nghiệp có nghi vấn, phát hiện, điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật về gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa của một số doanh nghiệp.

Tính đến cuối năm 2020, toàn Ngành đã phát hiện 45 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ. Đồng thời, thực hiện tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12 nghìn bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm… thu gần 78 tỷ đồng. Đặc biệt, lực lượng kiểm tra sau thông quan còn phát hiện hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu (chứng nhận xuất xứ) của cơ quan, tổ chức để các doanh nghiệp sử dụng xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Đáng lo ngại là tình trạng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba. Mặt khác, có trường hợp sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các FTA khi làm thủ tục hải quan. Với hàng loạt chiêu thức của các đối tượng, DN trong việc gian lận xuất xứ hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khiến cho công tác phát hiện, đấu tranh càng trở nên khó khăn hơn.

Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp năm 2021, trong đó chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành triển khai nhiều giải pháp để đấu tranh với hành vi vi phạm. Xác định phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, lừa dối người tiêu dùng là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của ngành hải quan trong năm 2021.

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; bảo vệ thị phần chính đáng của các doanh nghiệp trên thị trường thế giới… Tổng cục yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, giám sát, điều tra xác minh làm rõ hành vi vi phạm liên quan đến xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan để kiên quyết đẩy lùi tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ uy tín của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/chong-gian-lan-xuat-xu-bao-ve-doanh-nghiep-trong-nuoc-112696.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.