Ngân hàng Việt Nam hấp dẫn hàng đầu khu vực
09:54 | 08/03/2021
Ngân hàng Việt Nam thuộc diện hấp dẫn nhất khu vực. Đó là đánh giá của định chế tài chính J.P.Morgan (Mỹ) về cơ hội đầu tư tại Việt Nam mới đây.
![]() | Ngân hàng kỳ vọng bứt phá năm 2021 |
Theo J.P Morgan, các ngân hàng Việt đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tốt nhất khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, môi trường vĩ mô thuận lợi và nền tảng tăng trưởng GDP cao sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng, cải thiện lợi nhuận cho các ngân hàng. Các cổ phiếu được J.P Morgan khuyến nghị quan tâm là TCB (Techcombank), ACB (Á Châu) và VPB (VPBank).
Một số tổ chức khác cũng ủng hộ sức hấp dẫn của các cổ phiếu ngân hàng. Tiêu biểu Công ty chứng khoán KIS Việt Nam mới đây đã nâng khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VCB của Vietcombank với giá mục tiêu 116.000 đồng/cổ phiếu. Đó là nhờ quá trình mở rộng quy mô cho vay bán lẻ của ngân hàng, chiếm khoảng 45% tổng dư nợ cho vay trong 2020, tăng 25% trong khoảng 5 năm gần đây và hướng tới mục tiêu đạt 65% trước 2025. Điều này có thể giúp NIM của VCB mở rộng thêm từ 10-25 điểm phần trăm và nâng tỷ trọng lợi nhuận ngoài lãi so với tổng thu nhập thêm 4 điểm phần trăm trong giai đoạn dự báo 2021-2025.
![]() |
Các ngân hàng Việt đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng và ROE tốt nhất khu vực ASEAN |
NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay, song có điều chỉnh phù hợp với diễn biến của nền kinh tế. Tuy nhiên hạn mức tín dụng sẽ không cào bằng mà sẽ phân bổ cao hơn cho các ngân hàng có chất lượng hoạt động tốt, có tỷ lệ nợ xấu thấp... Techcombank đang có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao nhất 16,1% và tỷ lệ nợ xấu thấp, chỉ khoảng 0,5%.
Việt Nam vẫn đang là một quốc gia có dân số trẻ là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng khai khác các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại trong kỷ nguyên số. Theo J.P Morgan, Việt Nam có lượng người dùng ứng dụng ngân hàng ngày tương đối cao, nhưng vẫn ở mức thấp trong khu vực châu Á. Điều này cho thấy vẫn còn dư địa mở rộng phạm vi áp dụng kỹ thuật số. Các ngân hàng như VPBank, Techcombank và Vietcombank có lượt người tải xuống ứng dụng cao hơn đáng kể. J.P. Morgan kỳ vọng họ sẽ khai thác tốt lợi thế này.
Covid -19 đang để lại nhiều hệ lụy xấu và ngân hàng nào chủ động ứng phó với các rủi ro của đại dịch sẽ có cơ hội trụ vững và sớm tăng trưởng nhanh trở lại. Trong quý 4/2020, Vietcombank đã bất ngờ gia tăng chi phí dự phòng rủi ro. “Chúng tôi tin rằng Vietcombank đã trích lập đầy đủ cho các tài sản có khả năng suy giảm chất lượng do Covid-19. Trong 2021, chúng tôi kỳ vọng dự phòng tín dụng sẽ giữ nguyên ở 9.700 tỷ đồng. Từ năm 2022 trở đi, dự báo nghiệp vụ dự phòng sẽ trở về trạng thái bình thường với mức giảm dự phòng tín dụng đáng kể khi ngành hàng không phục hồi”, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam nhận định.
Thêm một vấn đề nữa là tăng vốn, triển vọng trong giai đoạn 2021-2025 sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn. Nghị định 121/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung nhóm ngân hàng TMCP do nhà nước nắm giữ cổ phần trên 50% vào danh mục các doanh nghiệp được nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần. Qua đó mở hành lang pháp lý cho một số ngân hàng có vốn nhà nước có thể tăng vốn mà không làm giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước. Từ đó giúp cải thiện hệ số CAR, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
J.P Morgan kỳ vọng tốc độ tăng trưởng EPS bình quân trong giai đoạn 2020-2023 của ngành Ngân hàng Việt Nam đạt mức 16%. Điều này sẽ dẫn tới kỳ vọng giá cổ phiếu tăng từ 8-42% trong suốt năm nay và có thể là cao hơn trong 3 năm tới. Do đó, mặc dù giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng 11% so với đầu năm, cao hơn mức tăng của VN-Index là 6% và tăng 30% trong 3 tháng qua, ngành Ngân hàng vẫn được khuyến nghị tăng tỷ trọng.
Nam Minh