Ông Eugene Kaspersky, CEO Kaspersky cho biết: “Hiện tại, các nhà nghiên cứu của chúng tôi cũng đang theo dõi chặt chẽ hơn 200 băng nhóm tội phạm mạng thường phát động các cuộc tấn công siêu mục tiêu chống lại các ngân hàng, chính phủ hoặc cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng”.
Dịch bệnh Covid-19 đã làm cho xu hướng sử dụng hình thức làm việc từ xa và trực tuyến nhiền hơn. Lợi dụng xu thế này, tội phạm mạng cũng có những cách thức mới hơn đã làm tăng thêm mối đe dọa an ninh mạng. Chẳng hạn, mục tiêu tội phạm mạng thay đổi từ điện thoại thông minh và thiết bị cá nhân sang hệ thống điều khiển công nghiệp (ICS) và Internet of Things (IoT). Trong những thách thức này, khối doanh nghiệp tư nhân có thể vượt qua trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số một cách an toàn và hiệu quả.
![]() |
Ngân hàng là một trong những mục tiêu chiến lược rà soát và bóc gỡ mã độc bảo vệ an ninh an toàn tài chính quốc gia |
Tại hội thảo quốc tế “Bảo vệ không gian mạng: Liệu công lý có luôn hiện hữu” do Kaspersky tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chia sẻ, Việt Nam đã tiến hành các bước chủ động để bảo vệ không gian mạng quốc gia, bao gồm thiết lập luật, tiêu chuẩn và kế hoạch an ninh mạng quốc gia cho các tổ chức chính phủ và tư nhân. Trong đó đã xây dựng một dự án của Trung tâm An ninh mạng Quốc gia, thuộc Cục An toàn Thông tin Việt Nam có tên “Chiến dịch rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc” nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm mã độc cho Việt Nam. Mục tiêu của chiến dịch này là bảo vệ những ngân hàng, các tổ chức tài chính và các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, thông qua hệ thống đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin…
Đại diện Bộ TT&TT chia sẻ, với mục tiêu hành động vì cộng đồng, hướng tới cá nhân, doanh nghiệp, cung cấp các công cụ kiểm tra, xử lý và bóc gỡ mã độc nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia… chiến dịch được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn trước chiến dịch, gồm việc thống nhất, chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kế hoạch, sự kiện bao hàm. Hiện tại chiến dịch đã bắt đầu bước vào giai đoạn 2.
Giai đoạn trong chiến dịch, kéo dài khoảng 1 tháng bao gồm các công đoạn: Đánh giá hoạt động 10 mạng botnet (những robot hoạt động độc lập) lớn cần ưu tiên xử lý, đánh giá ở mức ISP, xây dựng công cụ hỗ trợ, triển khai công cụ trên diện rộng. Theo đó, người sử dụng sẽ được tải miễn phí các công cụ để kiểm tra và bóc gỡ mã độc ra khỏi máy tính của mình qua website:https://khonggianmang.vn.
Giai đoạn sau chiến dịch, sẽ được đánh giá kết quả và dự kiến thực hiện các chiến dịch tiếp theo. Chiến dịch đã và đang triển khai từng bước, hy vọng sẽ mang lại kết quả khả quan. Việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng cũng như làm sạch mã độc trên không gian mạng Việt Nam là một trong những điều kiện tối quan trọng để phục vụ quá trình chuyển đổi số, và mục tiêu phát triển kinh tế số mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Bên cạnh đó chiến dịch còn góp phần nâng cao mức độ tin cậy của quốc gia trong hoạt động giao dịch điện tử, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước trong thời buổi chuyển đổi số và hội nhập.
Số liệu của Bộ TT&TT, Việt Nam trước đó có khoảng 16 triệu địa chỉ IPv4 (một dạng địa chỉ liên lạc với nhau trên mạng internet), trong đó khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong “danh sách đen” của nhiều tổ chức quốc tế, 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng botnet lớn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Dũng cho biết, chiến dịch rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc đã khiến số lượng IP Botnet giảm gần một nửa và hơn 1,2 triệu máy tính được quét, trong đó phát hiện hơn 400.000 máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại. Chiến dịch này được tiến hành từ tháng 9 đến tháng 12/2020.
Các chuyên gia công nghệ và nhà quản lý thống nhất quan điểm chia sẻ những rủi ro có tính toàn cầu khi nhìn nhận hậu quả của Covid-19 là sự gia tăng phụ thuộc vào công nghệ và thiết bị. Đồng ý rằng hợp tác khu vực, hợp tác cấp cao khu vực tư và công và chia sẻ kiến thức là những yếu tố cần thiết để xây dựng an ninh mạng của một quốc gia. Ông Nguyễn Huy Dũng khẳng định: “không ai có thể đơn độc đối đầu với các mối đe dọa mạng, không ai có thể an toàn khi chỉ có một mình”.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tang-cuong-bao-ve-giao-dich-tren-mang-112294.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.