ECB có điều chỉnh chương trình kích thích Covid-19 vì lợi suất trái phiếu tăng?

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên điều chỉnh chương trình kích thích Covid-19 của mình, thống đốc ngân hàng trung ương Đức nói, cho rằng các quan chức ECB cần cảnh giác trước sự gia tăng gần đây của lợi suất trái phiếu.

Trước đó vào cuối tháng Hai, các thành viên của ECB cũng đã thảo luận về việc lợi suất trái phiếu chính phủ tăng trong khu vực đồng chung, cho rằng đây là diễn biến không phù hợp và phải được can thiệp, đồng thời nhấn mạnh ảnh hưởng của nó có thể khiến chi phí đi vay đối với các chính phủ châu Âu tăng lên và gây rủi ro đến sự phục hồi kinh tế trong khu vực.

ecb co dieu chinh chuong trinh kich thich covid 19 vi loi suat trai phieu tang

ECB đã cố gắng kiềm chế chi phí đi vay trong bối cảnh đại dịch xảy ra, bằng việc triển khai chương trình mua trái phiếu chính phủ, được gọi là PEPP. Nhưng những động thái gần đây trên thị trường trái phiếu có thể ngăn cản những nỗ lực đó và thúc đẩy nhiều hành động hơn từ tổ chức có trụ sở tại Frankfurt này.

“Chúng tôi có nhiều cách thức để can thiệp vào vấn đề này”, Jens Weidmann, thống đốc ngân hàng trung ương Đức nói, đề cập đến hành động chính sách trước việc tăng lợi suất trái phiếu.

“PEPP đi kèm với sự điều hành linh hoạt và chúng tôi có thể sử dụng sự linh hoạt này để đối phó với các tình huống như vậy”, ông nói thêm.

Kể từ lần đầu tiên được công bố vào tháng 3/2020, chương trình mua tài sản khẩn cấp đại dịch của ECB đã được kéo dài thời gian và tăng về giá trị. Nó hiện được thiết lập để kéo dài đến tháng 3/2022, tổng trị giá lên tới 1,85 nghìn tỷ euro (2,23 nghìn tỷ USD).

Tuy nhiên, dữ liệu đã chỉ ra rằng việc mua nợ của ECB đã giảm trong những tuần gần đây và các nhà phân tích đang đặt câu hỏi về lý do đằng sau sự sụt giảm mua ròng này.

Khi được hỏi liệu ECB có tiếp tục đẩy mạnh việc mua lại để đối phó với chi phí đi vay đang tăng cao hơn hay không, Weidmann cho biết: “Tất nhiên đây là một yếu tố cần được bàn, như một sự linh hoạt mà chúng tôi có trong việc thực hiện PEPP”.

“Nhưng bước đầu tiên là cần phân tích nguyên nhân gốc rễ và cũng để xem chúng có ảnh hưởng gì đến mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là ổn định giá cả”, ông nói thêm.

Cuộc họp tiếp theo của ECB sẽ diễn ra vào ngày 11/3.

Weidmann là người luôn ủng hộ sự can thiệp ít hơn từ ngân hàng trung ương. Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư, Weidmann nhắc lại những rủi ro khi mua lớn các khoản nợ của chính phủ.

“Những giao dịch mua như vậy cũng đi kèm với rủi ro, đặc biệt vì chúng có thể làm mờ ranh giới giữa chính sách tiền tệ và tài khóa”, ông nói.

“Vấn đề quan trọng đối với chúng tôi lúc này là chính sách tiền tệ phải duy trì hài hòa so với tài trợ của chính phủ. Điều này bao gồm việc đảm bảo duy trì các ưu đãi cho tài chính công hợp lý”, ông nói thêm.

Trong bối cảnh này, các quan chức ECB bày tỏ rằng họ có thể không cần mua trái phiếu chính phủ đúng như mục tiêu đề ra. Phát biểu vào tháng 12, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết "không cần sử dụng hết room".

Các hành động kích thích trong tương lai sẽ phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch cũng như lạm phát. Trong đó, nhiệm vụ chính của ECB là giữ lạm phát ở mức “gần nhưng dưới 2%” trong trung hạn.

Dữ liệu tháng Một cho thấy lạm phát đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch xảy ra, lên 0,9%.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ecb-co-dieu-chinh-chuong-trinh-kich-thich-covid-19-vi-loi-suat-trai-phieu-tang-112199.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.