Nhiều khán giả yêu sân khấu cho rằng, thời gian qua, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống với tính giải trí, ứng dụng công nghệ hiện đại bằng một tư duy mới mẻ đã tạo cho tác phẩm nghệ thuật sân khấu sự cuốn hút riêng có, chinh phục được nhiều đối tượng người xem.
Không dừng ở một dịp hay một sự kiện, xét trong bối cảnh các loại hình giải trí đang rất đa dạng và phong phú, để thu hút được khán giả đến với sân khấu nghệ thuật, bên cạnh giữ được các yếu tố gốc, người làm nghệ thuật đã biết làm mới tác phẩm sân khấu, phù hợp với xu hướng thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Ngoài ra, các đơn vị nghệ thuật đã đổi mới mạnh mẽ và ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học - công nghệ mới vào trong các vở diễn; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu biểu diễn nghệ thuật hiện nay.
![]() |
Cây gậy thần - vở diễn đầu tiên có xiếc và cải lương cùng xuất hiện trong một tác phẩm sân khấu đã để lại ấn tượng với khán giả |
Để lại ấn tượng với công chúng gần đây là vở diễn Cây gậy thần (tác giả Hoàng Luyện, NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng đạo diễn). Đây là vở diễn đầu tiên có xiếc và nghệ thuật cải lương cùng xuất hiện trong một tác phẩm sân khấu, dàn dựng dựa trên huyền tích về mối giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Thưởng thức vở diễn, bên cạnh những dấu ấn khắc họa chân dung Thánh Chử, một tấm gương sáng về trung - hiếu - tiết - nghĩa, người xem còn thấy được công lao to lớn của ngài trong việc tạo dựng nền tảng giao thương giữa bộ tộc Việt với cư dân bốn biển.
Nhờ kết hợp các kỹ xảo đặc trưng của nghệ thuật xiếc, hàng loạt cảnh diễn trong Cây gậy thần trở thành những điểm nhấn độc đáo. Không chỉ có những pha treo người, nhào lộn, giữ thăng bằng... điển hình của nghệ thuật xiếc, để phù hợp với tiết tấu của vở diễn, toàn bộ các bài vọng cổ cải lương trong Cây gậy thần được hòa âm phối khí trên nền nhạc jazz khá vui tươi và sôi động, được thể hiện bởi các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Một tác phẩm khác gần đây cũng cho thấy sự sáng tạo trong cách thể hiện là vở kịch Trương Chi - Mỵ Nương (kịch bản và đạo diễn NSƯT Phùng Tiến Minh) do các nghệ sĩ Nhà hát kịch Hà Nội thể hiện. Vở diễn dựa trên cốt truyện cổ tích nổi tiếng, nói về mối tình dang dở của nàng Quận chúa Mị Nương sắc nước hương trời, am hiểu cầm kỳ thi họa và chàng Trương Chi mồ côi cha mẹ, sống trên chiếc thuyền nhỏ cũ rách với dung mạo xấu xí bất thường. Hai con người vốn thuộc hai thế giới hoàn toàn khác biệt, người là con quan quyền quý giàu sang, người là phận dân đen với cuộc sống hẩm hiu. Những tưởng sẽ không có thứ gì xoá nhoà được ranh giới khác biệt ấy. Thế rồi, với tiếng sáo cùng giọng hát Trời ban và một tâm hồn đẹp, Trương Chi đã khiến Mị Nương phải đem lòng say đắm. Nàng mê tiếng hát ấy, tiếng sáo ấy đến mức ngày đêm tương tư và mong được se duyên cùng chàng Trương Chi.
Thông qua câu chuyện tình bi thương giữa Trương Chi - Mỵ Nương, vở kịch này phê phán sự phân biệt giai cấp gây ra bi kịch, khiến mọi người không thể hòa hợp, đồng điệu. Không chỉ vậy, Trương Chi - Mỵ Nương còn đề cập tới nhận thức của con người, sự tự thán, nhìn nhận về bản thân. Điều đáng nói, là tích truyện xưa nhưng đạo diễn NSƯT Phùng Tiến Minh thổi vào vở kịch Trương Chi – Mỵ Nương hơi thở hiện đại qua lời thoại và âm nhạc. Ở phần lời thoại, ngoài ngôn từ giao tiếp thông thường, tác giả lồng những câu nói hài hước, trào phúng thường được giới trẻ sử dụng trên mạng xã hội. Về phần âm nhạc, trong những phân cảnh thể hiện tình yêu, nỗi nhớ nhung, đau đớn của hai nhân vật chính, giọng hát của Bùi Anh Tuấn và Hương Ly vang lên với loạt ca khúc như: Nơi tình yêu bắt đầu (Tiến Minh), Vì yêu là nhớ (Quang Hùng)... đã làm nhiều khán giả bất ngờ và thích thú.
Trước đó có thể kể đến Mỵ - vở diễn nghệ thuật lấy ý tưởng từ tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc biểu diễn. Mỵ được đạo diễn bởi biên đạo múa Tuyết Minh, với 3 phần Lời yêu trên đỉnh núi, Con ma nhà Thống Lý và Chạy đi. Xem vở diễn này khán giả cảm nhận rõ bức tranh với những gam màu đầy xúc cảm, phẩm chất cao đẹp, sức sống mãnh liệt và khát vọng tự do cháy bỏng của những người con nơi núi rừng Tây Bắc.
Thông qua ngôn ngữ của âm nhạc, nghệ thuật múa đương đại, kỹ xảo của xiếc, nghệ thuật sắp đặt, vở Mỵ đã giới thiệu đến người thưởng thức bản sắc văn hóa dân tộc Mông của Việt Nam vốn rất độc đáo và đặc sắc. Mỵ ghi điểm với người xem bằng yếu tố mới lạ khi không khai thác sâu nỗi đau, bi kịch của đôi trai gái như sáng tác của nhà văn Tô Hoài. Bên cạnh đó, việc sử dụng các bài hát mới viết riêng của nhạc sĩ Minh Đạo, Lê Minh Sơn cho vở diễn được thể hiện bằng chất liệu dân gian bản địa hay cách thể hiện âm nhạc theo phong cách acapella từ các dụng cụ nấu ăn như dao, thớt, nồi... đã gợi nhiều cảm xúc cho khán giả.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/san-khau-but-pha-tu-su-pha-tron-112139.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.