Không để thể chế trói buộc sự phát triển
09:18 | 26/02/2021
Vấn đề trọng tâm nhất của phát triển giai đoạn tới là xây dựng thể chế cho phát triển cấu trúc mới và thị trường các nhân tố sản xuất phát triển, trong các chủ thể kinh tế thị trường, khu vực tư nhân phải được coi là quan trọng nhất.
![]() | Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại NSNN |
![]() | Thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân |
![]() | Thể chế tốt là nền tảng quan trọng nhất |
Tư duy mới, quan điểm mới
![]() |
PGS.TS. Trần Đình Thiên |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa kết thúc, một Đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Đây là thời điểm mà nội hàm tầm nhìn, định hướng phát triển trong giai đoạn tới đề cập trong Nghị quyết Đại hội XIII phải được nghiên cứu, quán triệt một cách nghiêm túc để việc thực thi thực sự hiệu quả.
Theo đó, Nghị quyết đã nêu rõ định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Nghị quyết cũng xác định 3 đột phá chiến lược mà đột phá thứ nhất là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về mặt logic, để nền kinh tế thị trường phát triển đầy đủ thì cần hai yếu tố. Thứ nhất là nền tảng của thị trường là các thị trường, đặc biệt là các thị trường nhân tố sản xuất phải phát triển. Thứ hai là chủ thể của thị trường, tạo ra động lực cho thị trường, đó là kinh tế tư nhân.
Nghị quyết cũng đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề có thể không mới, nhưng với tư duy, quan điểm rất mới; nếu được thực thi đồng bộ, thống nhất và triệt để sẽ làm thay đổi cấu trúc phát triển của kinh tế Việt Nam, thực sự chuyển nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập.
Theo đó, việc xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn tới. Đặc biệt yêu cầu “phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh” lần đầu tiên được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII.
Có nền tảng tốt thì đất nước sẽ phát triển
Văn kiện Đại hội XIII đã xác định và nhấn mạnh, phải phát triển đồng bộ các thị trường, đặc biệt là thị trường đầu vào - thị trường các nhân tố sản xuất. Thị trường ổn, đồng bộ thì phát triển tốt; nếu không đồng bộ thì không thể hiệu quả. Có thị trường tốt thì mới khuyến khích cạnh tranh tự do, sòng phẳng, không phân biệt đối xử và đề cao tính sáng tạo.
Hiện nay các thị trường này phát triển chưa đồng bộ và quản lý không tốt. Vì vậy trong nội hàm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, Nghị quyết làm rõ cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Vấn đề phát triển thị trường nhân tố sản xuất đã được nói đến trong nhiều năm qua, nhưng vì sao vẫn chưa phát triển, trong khi thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường tiêu dùng lại phát triển dễ dàng? Có phải ý thức về phát triển thị trường các nguồn lực kém, nên bây giờ các thị trường như thị trường đất đai, điện... vẫn méo mó? Có phải cơ chế phân bổ nguồn lực không tuân theo nguyên tắc thị trường, cơ chế xin - cho hành chính, kế hoạch tập trung đang làm các thị trường vận hành thiếu đồng bộ? Đặc biệt có phải hệ thống pháp luật, chính sách cho thị trường các nhân tố cũng chưa đầy đủ, minh bạch, khó tiên liệu, nhiều quy định còn cứng nhắc, bất hợp lý?...
Những vấn đề này phải được thảo luận nghiêm túc, càng sớm, càng tốt để các bước thực hiện ngay sau đây đảm bảo thống nhất về tư duy, hành động.
Các thị trường nhân tố sản xuất cần được cải thiện về nhiều mặt theo hướng cởi mở, tự do hóa hơn nữa để mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao hơn, đảm bảo sự công bằng về khả năng tiếp cận và lợi ích của đông đảo doanh nghiệp và người dân hơn. Đơn cử như khi thị trường đất đai phát triển, sẽ giải quyết được nguồn lực, nhân lên gấp bội nguồn lực quốc gia. Đơn cử khi một mảnh đất ruộng được công nhận là tài sản, có thể huy động nguồn lực gấp nhiều lần, nguồn lực ở đây không chỉ là tiền mà là vật liệu xây dựng, nhân lực và cả trí lực... Nguồn lực được nhân lên; khi đó tăng trưởng thêm 1-2% không phải là vấn đề cần phải tranh luận nhiều.
![]() |
Kinh tế tư nhân ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế |
Không để thể chế trói buộc sự phát triển
Kinh tế tư nhân là cơ sở cho tăng trưởng là tương lai đất nước. Vì vậy, cách nhìn về cấu trúc kinh tế thị trường Việt Nam phải thay đổi, cần phải khẳng định kinh tế tư nhân là nền tảng, với trụ cột là tập đoàn kinh tế quốc gia mạnh. Việt Nam chỉ thành cường quốc kinh tế khi dựa vào tập đoàn bản địa. Và trong các chủ thể kinh tế thị trường, khu vực tư nhân phải được coi là quan trọng nhất.
Chúng ta hãy nhìn lại xem, diện mạo đất nước những năm gần đây thay đổi nhiều. Suốt từ Bắc tới Nam, những bãi cỏ lau có lác, những vùng đất trắng cát sỏi khi xưa giờ đã là nhà máy, là khu công nghiệp, là những khu du lịch, là khu đô thị văn minh gắn với các tập đoàn tư nhân. Ở vùng bãi lầy Đình Vũ khi xưa giờ là tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast. Trên bãi đất trống Vân Đồn trước đây nay đã là sân bay quốc tế. Và trên vùng cát trắng Chu Lai nay là khu công nghiệp phức hợp Thaco… Tất cả đều gắn với sự phát triển và đầu tư của các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Kinh tế tư nhân đang có đà phát triển rất tốt mà công lớn là nhờ ở đường lối chính sách đã coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cùng với những hành động cụ thể và quyết liệt để giải tỏa các nút thắt phát triển. Nhưng chúng ta thiếu một chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt thực sự vì chưa chú trọng phát triển doanh nghiệp về chất, mới chỉ phát triển được về số lượng. Để có được lực lượng doanh nghiệp Việt, bên cạnh số lượng cần chất lượng doanh nghiệp, cần có những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn sánh vai với cường quốc năm châu. Rất hay là Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đến vấn đề này.
Việt Nam không thể thành cường quốc kinh tế bằng những tập đoàn nước ngoài mà phải dựa vào tập đoàn bản địa. Nếu doanh nghiệp Việt bám vào chuỗi của doanh nghiệp nước ngoài để bứt lên thật sự không dễ dàng. Vì thế, cần xác định cấu trúc dựa trên nền tảng kinh tế tư nhân, được tổ chức theo chuỗi, có trụ cột là các tập đoàn kinh tế Việt Nam mạnh. Nếu không có các trụ đỡ, trụ bám này thì doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó sống, khó lớn.
Giải quyết được vấn đề này là giải quyết được toàn bộ thị trường. Các tập đoàn tư nhân lớn đang tạo những nền tảng phát triển kinh tế của đất nước và họ chính là động lực mạnh nhất để Việt Nam bứt phá. Quan trọng vẫn là nội lực, phải chuẩn bị cho tốt nội lực để có thể làm chủ vận mệnh của mình, để không phụ thuộc, lệ thuộc vào quốc gia khác hay nhóm lợi ích khác.
Thế giới thời đại 4.0 thay đổi nhanh, đòi hỏi chúng ta phải chuyển đổi thể chế kinh tế mau lẹ và thích ứng nhanh, mạnh. Chúng ta không thể để thể chế trói buộc sự phát triển.
PGS.TS. Trần Đình Thiên