![]() | Tôn vinh vẻ đẹp của tạo hóa |
![]() | Âm hưởng sắc màu về một thời hào hùng |
![]() |
Họa sĩ Nam Sơn (1890-1973) |
Trước đó, hồi tháng 3/2018, bức tranh lụa "Thôn nữ Bắc kỳ" của họa sĩ vẽ trong thời gian 1935-1936 đã được chốt giá 205.000 Euro (gần 6 tỷ đồng) tại sàn đấu giá nổi tiếng Aguttes tại Paris (Pháp). Sau đó không lâu, cùng trên sàn đấu giá nổi tiếng này, tranh lụa "Thiếu nữ cầm quạt" của Nam Sơn đã được bán với giá 440.000 Euro (gần 12 tỷ đồng Việt Nam), tăng hơn rất nhiều lần so với giá ước đoán ban đầu là 50.000 đến 80.000 Euro. Đây là tác phẩm có giá cao nhất của họa sĩ Nam Sơn trên thị trường giao dịch công khai của thế giới.
Nếu ai hiểu biết lịch sử hội họa Việt Nam và quan tâm đến vị trí của nền hội họa Việt Nam trên trường quốc tế, hẳn sẽ biết rằng không phải bây giờ tranh của họa sĩ Nam Sơn mới nổi tiếng và các sáng tác của ông được “truy tìm gắt gao” trong giới sưu tầm và thưởng ngoạn hội họa thế giới. Bởi vì, vào những năm đầu của thế kỷ trước, cái tên Nam Sơn của hội họa Việt Nam đã vang lên ở các cuộc Triển lãm lớn ở Pari (Pháp), ở Roma (Italya) những năm 1930-1932: Tại triển lãm mỹ thuật quốc tế Paris năm 1932, bức tranh sơn dầu "Chân dung mẹ tôi" của Nam Sơn - họa sĩ đầu tiên của Việt Nam đã nhận giải thưởng Huy chương Bạc trên trường quốc tế.
Cũng năm đó, tại triển lãm hội họa ở Roma, tranh khắc gỗ "Cò trắng và cá vàng" của Nam Sơn đã nhận Bằng khen. Trước đó, năm 1930, bức tranh "Chợ gạo trên sông Hồng" (mực tàu trên vải) dự triển lãm Hội họa Paris của ông cũng đã được mua và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Pháp, bên cạnh các họa sĩ nổi tiếng thế giới khác. Cho đến nay, bức tranh đại diện cho hội họa Việt Nam được trưng bày tại bảo tàng nổi tiếng này vẫn là duy nhất.
Ngược dòng thời gian, còn nhớ vào những năm 20 của thế kỷ trước, có một cuộc gặp gỡ vô cùng thiêng liêng, như là số phận dành cho hội họa Việt Nam đã xảy ra giữa danh họa nổi tiếng của nước Pháp Victor Tardieu và một họa sĩ lúc đó chưa hề có tiếng là chàng thanh niên Hà Nội tên là Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ.
Lúc ấy, người họa sĩ tài hoa của nước Pháp sau khi giành giải thưởng nghệ thuật của Nhà nước Pháp, được một chuyến công du thưởng ngoạn Đông Dương để lấy tư liệu sáng tác. Đến mảnh đất của xứ sở thuộc địa lúc đó gọi là "An Nam", với tâm hồn nghệ sĩ, ông bắt đầu yêu cái xứ sở bé nhỏ, yên bình, cảnh sắc đẹp tuyệt vời, con người hiền hậu. Ông nhận làm bức tranh tường lớn cho Đại học Y khoa. Người ta giới thiệu phụ việc cho ông một thanh niên nhanh nhẹn, thông minh, biết nghề hội họa, dù làm việc ở nơi khác, nhưng chàng thanh niên đã khá nổi tiếng trong việc vẽ tranh minh họa, vẽ bìa sách giáo khoa, bìa sách cho các nhà văn nổi tiếng.
Tardieu nhờ chàng thanh niên Hà Nội phụ tá việc làm tranh tường. Đôi khi chàng thanh niên làm mẫu cho ông vẽ các nhân vật Việt Nam trong tranh. Ngày nghỉ, chàng thanh niên giúp ông đi thăm thú các danh lam thắng cảnh, đền đài miếu mạo ở Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận. Ông nhìn thấy ở người họa sĩ trẻ một khả năng hội họa đặc sắc và đặc biệt là một khát vọng mãnh liệt về việc mang nghệ thuật hội họa phương Tây về cho xứ Việt.
Chàng thanh niên ngỏ lời muốn ông giúp đỡ về việc mở trường dạy hội họa. Ban đầu, ông chối từ, vì nghĩ xứ sở thuộc địa này còn xa lắm với nền nghệ thuật hội họa rực rỡ phương Tây. Thế rồi, vào đầu năm 1923, chàng họa sĩ trẻ đó đã xuất hiện tại đấu xảo Hà Nội với triển lãm gồm bốn bức tranh là: "Nhà nho xứ Bắc", "Ông già Kim Liên", "Cô gái Bắc Kỳ" và "Tĩnh vật", bằng nghệ thuật tranh sơn dầu mà trước đó chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Những bức tranh được dư luận đánh giá cao và hoàn toàn thuyết phục ông thầy khó tính. Và ông đã đồng ý sẽ ở lại Việt Nam cùng người họa sĩ trẻ mở trường.
Một đề cương, chương trình đào tạo do người học trò soạn, thầy góp ý, đã được vị toàn quyền Đông Dương lúc ấy thông qua vào tháng 10/1924. Đây là trường đại học nghệ thuật đầu tiên được các nhà bảo hộ mở tại xứ Đông Nam Á.
Để chuẩn bị cho việc khai giảng vào năm 1925, họa sĩ Victor Tardieu trở lại Pháp cùng người học trò lúc ấy với cương vị giúp việc và trợ giảng, hai thầy trò lo việc tuyển giáo viên và mua sắm trang thiết bị cho nhà trường. Gần một năm ở giữa thành Paris tráng lệ, chàng họa sĩ trẻ được giới thiệu vào học tại hai trường mỹ thuật nổi tiếng của nước Pháp: trường Mỹ thuật Quốc gia Pháp và trường Nghệ thuật trang trí Quốc gia Pháp. Cuộc gặp gỡ những họa sĩ nổi tiếng của Pháp cùng một số họa sĩ nhiều nước đến tu nghiệp đã hoàn thiện vốn kiến thức tự học qua sách vở và vốn kiến thức về hội họa phương Đông của họa sĩ Nam Sơn.
Từ đây, ông vững vàng thêm trong vị thế mới: người cộng sự đắc lực, người góp công số một trong việc mở trường Mỹ thuật Đông Dương, góp phần đào tạo một thế hệ họa sĩ tài năng, tạo ra một mùa xuân rực rỡ của hội họa Việt Nam.
![]() |
“Thiếu nữ cầm quạt” tranh của họa sĩ Nam Sơn |
Nhìn lại những đóng góp cho sự nghiệp đào tạo các thế hệ họa sĩ Việt Nam tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, người ta ghi nhận công lao to lớn của họa sĩ Victor Tardieu - ông đã từ biệt gia đình giữa kinh đô ánh sáng, dấn thân cho sự nghiệp giảng dậy ở một đất nước bé nhỏ, xa lạ với ông hơn mười năm, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội (năm 1937). Bên ông, người học trò, người bạn nhỏ, người đồng sự đắc lực của ông đã giúp ông làm những phần việc quan trọng nhất: tuyển sinh, giảng dạy, quản lý.
Khóa cao đẳng hội họa đầu tiên (1925-1930) và 17 khóa học sau đó đã sinh ra cho Việt Nam những họa sĩ tài danh mà sau này làm rạng rỡ cho lịch sử hội họa xứ Việt. Đó là các tên tuổi như: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Công Văn Trung, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Hoàng Lập Ngôn, Trần Đình Thọ, Phạm Tăng, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Tạ Thúc Bình, Phan Kế An...
Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp đào tạo họa sĩ, Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ đã được ghi nhận là một trong những họa sĩ đặc sắc nhất của đất Việt. Ông đã để lại cho hậu thế hơn 400 tác phẩm hội họa, trong đó có những tác phẩm xuất sắc được thế giới ghi nhận như đã nói ở trên. Những tác phẩm của danh họa một phần vẫn nằm trong bí mật, được các nhà sưu tập thế giới truy lùng. Còn những đóng góp đặc sắc của họa sĩ trong cương vị người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đào tạo ra hàng trăm họa sĩ tài hoa và là điểm tựa phát triển cho toàn bộ sự nghiệp Mỹ thuật toàn đất nước đã được các thế hệ học trò và giới hội họa trong và ngoài nước ghi nhận.
Bây giờ, tên tuổi ông cùng nhiều học trò tiếp tục vang lên sau tiếng búa gõ của các sàn giao dịch bán tranh trên khắp thế giới. Những bức tranh của họ - những họa sĩ tiêu biểu của xứ Việt mãi là những tài sản vô giá…
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nam-son-va-nhung-mua-xuan-hoi-hoa-viet-111565.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.