Cuối năm chợt nhớ, chợt nghĩ...

Sài Gòn những buổi chiều cuối năm thường ám ảnh tôi bằng những bàn chân cuống cuồng và những cái nhìn bịn rịn...

Mảnh đất tụ hội mưu sinh lập nghiệp này, cứ Tết đến thì ai cũng vội vã quay về quê cũ, bỏ lại bao con đường thưa thớt khác hẳn ngày thường. Lạ thật, lúc cái mới đang tới thì cứ nhớ nôn nao cái cũ. Ngậm ngùi lắm nhưng cũng rộn ràng lắm, một phút giây ngơ ngác gió phương Nam để nghĩ về chuyện chưa xa, người chưa quên.

cuoi nam chot nho chot nghi

Sài Gòn ngày chưa Tết, loay hoay trong thương nhớ xa vời, tôi thường lạc vào những suy tư âm thầm. Tôi nghĩ về những mảnh đời lấm láp trong xóm trọ. Tôi nghĩ về những chuyến xe đò chộn rộn tình tha hương. Tôi nghĩ về những khát vọng to lớn còn ẩn khuất đâu đó dưới mái tranh buồn tủi. Mùa xuân thênh thang lắm, không thể không nghĩ về những cánh chim bay cao, bay xa. Đất nước mình còn nghèo, kề vai với thế giới thênh thang cũng còn muôn điều lo nghĩ. Rồi lại thấy nhói lên nhiều câu hỏi ngổn ngang: Lau lách hai bờ um tùm thì còn đâu sức chảy dòng sông? Cỏ dại bạt ngàn thì làm sao màu hoa được thắm? Chừng nào nạn tham nhũng ở Việt Nam mới chấm dứt nhỉ? Nhưng dẫu sao, vẫn tin ngày mai đang trước mặt… Bóc tờ lịch cuối cùng một năm, chút bẽ bàng giúp tôi tin vào sự kỳ diệu của cuộc sống, chút chua chát giúp tôi tin vào sự nảy nở của tương lai.

Đôi khi gặp những cuộc đời rất phi thường, tôi tự hỏi sức mạnh nào đã giúp họ làm được như thế, sống được như thế? Bỏ ra nhiều tác động ngoại cảnh, tôi nhận ra bước tiến đầu tiên và điểm tựa sau cùng của các số phận mãnh liệt đều từ niềm tin. Không giống kẻ cầu may chỉ mờ mịt trông chờ phép lạ xuất hiện tình cờ, người có niềm tin luôn thấy thực tế hiện tại và vẻ đẹp tương lai.

Nếu ai đó thắc mắc, niềm tin có hình dạng như thế nào và niềm tin từ đâu đến, thì tôi chịu thua. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi người, tùy vào tâm trạng của mỗi người, niềm tin sẽ hiện ra theo từng kiểu màu sắc và biểu tượng khác nhau. Khi chúng ta nhìn thấy một ngư phủ buông neo trên sóng nước, chắc chắn ông ấy không thể đoán định bao giờ đàn cá đến, mà công việc của ông ấy vẫn được duy trì một cách hứng khởi vì ông ấy có niềm tin vào mảnh lưới.

Không có niềm tin, con người sẽ ra sao nhỉ? Thì vẫn sống, nhưng sống dần, sống mòn, sống tẻ nhạt, sống lặng thinh. Và nói đúng hơn, nếu không có niềm tin, con người chỉ còn như một thực thể kéo dài sự tồn tại trong nhàm chán và vô vị. Niềm tin không thay thế lương thực được, niềm tin cũng không sờ mó được và niềm tin chẳng thể nào mang biếu nhau như một món quà phổ thông.

Thế nhưng, niềm tin có khả năng cộng hưởng và chia sẻ. Những người nông dân cùng có niềm tin ở đất đai canh tác thì họ cùng gặt hái những vụ mùa bội thu. Những nhà nghiên cứu cùng có niềm tin vào tri thức thì họ khai sáng những chân trời khoa học. Niềm tin không thể cân đong và cũng không thể mua bán, mà niềm tin có thể giúp chúng ta thấy ngày hôm nay đã tốt đẹp hơn ngày hôm qua và ngày mai còn đáng hy vọng hơn nữa. Người có niềm tin bao giờ cũng biết cách thắp lên một que diêm ngay trong cõi âm u mà những kẻ không có niềm tin vẫn đang nguyền rủa bóng tối!

Tôi vẫn nghĩ rằng, con người phải tin vào một thứ gì đó để sống. Bởi lẽ, mỗi ngày trôi qua bên ô cửa thường bỏ lại một vệt nắng nuối tiếc, mà màn đêm luôn đặt ra những dày vò nghiệt ngã cho bất cứ ai chưa tìm ra nguyên cớ gì để chào đón bình minh sắp tới. Những hoàng hôn lặp lại dễ khiến chúng ta hoảng hốt, do vậy ai cũng cần niềm tin để chống đỡ những bất trắc khó lường.

Không hề mang bóng dáng của tín ngưỡng, niềm tin chỉ thực sự được khơi dậy và được bồi đắp trong chính mỗi người khi ý thức đầy đủ giá trị bản thân. Và mỗi niềm tin nhất định rộn ràng song hành với một mục đích cụ thể. Người nghèo khó có niềm tin về sự no ấm, người lẻ loi có niềm tin về sự sum vầy, người chia biệt có niềm tin về sự trùng phùng.

Thông thường, càng thử thách thì niềm tin càng hiện diện rực rỡ. Thế nhưng, tôi dám chắc niềm tin không phải lúc nào cũng được sinh ra từ đổ vỡ, thiệt thòi hoặc mất mát. Khi một niềm tin bắt đầu nhen lên ngọn lửa ấm trong trái tim, thì chúng ta cảm nhận được cường độ mạnh mẽ của niềm tin ấy, để phân định đâu là niềm tin bằng cảm xúc và đâu là niềm tin bằng trí tuệ. Chính hai loại niềm tin tưởng chừng rất khó rạch ròi kia đã tạo ra những tính cách khác nhau, những đẳng cắp khác nhau và những kỳ tích khác nhau trong xã hội! Có những con người rong ruổi suốt cuộc đời với những niềm tin bằng cảm xúc và có những con người thong dong suốt cuộc đời nhờ những niềm tin bằng trí tuệ.

Niềm tin bằng cảm xúc thường đến rất nhanh và tan biến cũng rất nhanh. Niềm tin bằng cảm xúc được chi phối bởi những yếu tố bên ngoài chúng ta. Ví dụ, niềm tin vào kết quả chiến thắng của một trận cầu, như niềm tin vào lợi ích mỹ mãn của một thương vụ, hầu hết đều ngắn hạn. Ngược lại, niềm tin dài hạn hơn là niềm tin bằng trí tuệ giúp chúng ta không ỷ lại vào người khác, không trông cậy vào duyên hờ, không mong ngóng vào thần thánh. Vì niềm tin bằng trí tuệ được xác lập trên sự trầm tĩnh tự vấn và sự thấu hiểu sâu sắc.

Đơn giản hơn, niềm tin bằng trí tuệ là niềm tin vào chính mình. Những người có niềm tin ấy hoàn toàn rành mạch việc bản thân đang làm gì, bản thân đang muốn gì, mọi người xung quanh đang vui buồn ra sao, thời đại đang chuyển động thế nào… Và tất nhiên, họ không dễ bị xao xác, không dễ bị chao đảo, không dễ bị ngã quỵ mặc cho giông bão bất chợt nổi lên!

Trong kho tàng ca dao của người Việt, niềm tin là một đề tài được đề cập kỹ lưỡng, chứng tỏ cha ông chúng ta cũng muốn con cháu có được cẩm nang sống vững vàng. Hai câu “Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” có thể xem như một quan niệm đáng giá ngàn vàng để đối mặt với mọi trở ngại. Và hiện nay, thỉnh thoảng tôi nghe nơi nọ nơi kia đã có lời ra tiếng vào lo lắng giới trẻ không có niềm tin. Chưa hẳn vậy, niềm tin mỗi giai đoạn mỗi khác.

Cái đáng băn khoăn là làm sao người Việt ở thế kỷ 21 có nhiều niềm tin dài hạn hơn niềm tin ngắn hạn. Ngay cả trong tình yêu, cũng phải chọn niềm tin bằng trí tuệ. Phẩm chất của người yêu mới đáng nâng niu, mới thành niềm tin “đường dài ngựa chạy biệt tăm, người thương có nghĩa trăm năm cũng về”.

Niềm tin muôn hình vạn trạng. Có niềm tin “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” để thoát khỏi những ngày đói khổ trước mắt, thì cũng có niềm tin “Ra sông lấy sóng mà yêu/Đi đường gặp núi lấy đèo mà tin” để chuẩn bị cho những cuộc chinh phục xa xôi. Và những niềm tin hướng thiện nhất, bền bỉ nhất luôn giống như báu vật cho hành trang mỗi người!

Sài Gòn cuối năm thưa vắng người, nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác ngày 30 Tết trôi qua rất vội vàng. Có thể hối hả một công việc chuẩn bị cho năm mới, hoặc có thể âu lo một món nợ phải trả trước giao thừa, thì ngày cuối năm luôn gói ghém ưu tư từng người.

Tiếng cười trong trẻo sắp được mặc áo mới của trẻ thơ, tiếng gậy trúc khua bên thềm hoa nở của cụ già, hay những lời hẹn hò qua điện thoại của trai gái… len lén thức dậy bên tôi những mơ mộng yên lành ngày cuối năm. Vui hay buồn không rõ, náo nức hay xao xác cũng không rõ, nhưng ngày cuối năm vẫn thấy cần lắng lòng nghĩ cho mình. Nghĩ cho riêng mình thôi, mà biết đâu cũng đang nghĩ cho người khác.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cuoi-nam-chot-nho-chot-nghi-111527.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.