Nguy cơ khủng hoảng nợ?

Nền kinh tế thế giới sẽ thoát khỏi đại dịch, nhưng các khoản nợ sẽ lớn hơn nhiều và tình trạng bất bình đẳng gia tăng có thể cản trở tăng trưởng trong dài hạn. Đây là một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ.
nguy co khung hoang no Khủng hoảng nợ gia tăng trên toàn cầu
nguy co khung hoang no WB cảnh báo nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu
nguy co khung hoang no
Đại dịch vẫn đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên thế giới

Theo đại diện Viện Tài chính Quốc tế, nợ toàn cầu đã tăng hơn 15 nghìn tỷ USD vào năm ngoái lên mức kỷ lục 277 nghìn tỷ USD, tương đương 365% sản lượng thế giới. Nợ từ tất cả các lĩnh vực - từ hộ gia đình đến trái phiếu chính phủ đến trái phiếu doanh nghiệp, đều tăng, đây là con số tương đối chính xác được công bố dựa trên dữ liệu của IIF có trụ sở tại Washington - bao gồm các tổ chức tài chính uy tín hàng đầu thế giới.

Cùng với đó, bất bình đẳng cũng gia tăng vì đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến người nghèo. Tại Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Phi và người gốc Tây Ban Nha có tỷ lệ tử vong cao hơn người da trắng; cùng với đó, những người lao động lương thấp trong các ngành như giải trí và khách sạn còn phải gánh chịu hậu quả của việc sa thải.

Theo ông Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel cho biết, đại dịch đã bộc lộ rõ nét sự bất bình đẳng và theo nhiều cách đã làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng đó. Trong khi các quốc gia giàu có như Hoa Kỳ đã hỗ trợ công dân của họ với số lượng lớn viện trợ từ Chính phủ, thì các quốc gia nghèo hơn đã không thể làm được điều đó. 46 quốc gia kém phát triển nhất thế giới chỉ chiếm 0,002% trong số 12,7 nghìn tỷ USD chi tiêu cho kích thích công được đưa ra trong cuộc chiến chống lại Covid-19.

Giáo sư đại học Harvard Kenneth Rogoff, cựu Kinh tế trưởng của IMF cho biết, trên nhiều khía cạnh, chúng ta có thể thấy sau đại dịch này là một chuỗi tiến trình kéo dài nhiều thập kỷ nhằm giảm bớt bất bình đẳng toàn cầu, nhất là đối với các quốc gia nghèo nhất.

Tuy nhiên, một điểm sáng đã bừng lên là tốc độ phát triển vắc-xin chống Covid-19 và sự phát triển nhanh chóng của y học từ xa là những phát triển rất đáng được ghi nhớ. Nhà kinh tế học Nicholas Bloom của đại học Stanford cũng đã chỉ ra những cơ hội tăng năng suất khi người lao động dành nhiều thời gian hơn để làm việc ở nhà - một xu hướng phổ biến sau đại dịch.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, Hoa Kỳ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác cũng đang trải qua bất bình đẳng gia tăng và nợ công ngày càng tăng. Khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh dịu đi, hai khuynh hướng đó có thể kết hợp để tạo ra các vấn đề lớn cho nền kinh tế toàn cầu.

Ông Carmen Reinhart, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho biết, Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng một cách rõ rệt và điều này cũng làm nảy sinh vấn đề khác liên quan đến rủi ro tài chính. Chẳng hạn, nhiều hộ gia đình Hoa Kỳ có thu nhập thấp hơn đang phải gánh rất nhiều nợ và có thể sẽ bị mất nhà khi các quy định “cấm trục xuất” hiện nay hết hiệu lực.

Các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể bị ảnh hưởng và nhiều khả năng sẽ xảy ra một làn sóng phá sản lớn.

Vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn đối với một số nền kinh tế thị trường mới nổi và các quốc gia nghèo hơn. Nguy cơ của một cuộc khủng hoảng nợ kèm theo những hậu quả có thể xảy ra trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đã mắc nợ quá nhiều trước đại dịch và thu nhập bị sụt giảm rõ rệt, đồng nghĩa với việc họ sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Theo Ủy ban Ngân sách Liên bang Mỹ, thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ sẽ đạt 2,3 nghìn tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9/2021 - tương đương hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội.

Theo cựu Kinh tế trưởng Nhà Trắng Christina Romer, Hoa Kỳ và các quốc gia giàu có khác sẽ bắt buộc phải hành động để kiềm chế nợ chính phủ tăng cao khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã qua đi. Nước Mỹ thời điểm này chủ yếu cần phải giảm bớt gánh nặng nợ nần để có thể sẵn sàng đối phó với cuộc khủng hoảng, đại dịch tiếp theo hoặc bất cứ điều gì đó.

Còn tại châu Á, Hồng Kông là nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi kinh tế suy thoái trầm trọng và đang đối mặt với một chặng đường dài và gập ghềnh để phục hồi sau khi kết thúc một năm 2020 đầy biến động nữa. Cũng giống như đầu năm ngoái, người dân Hồng Kông lạc quan rằng nền kinh tế của họ sẽ sớm bắt đầu thoát khỏi ngõ cụt. Các chuyên gia phân tích đã từng dự đoán rằng nền kinh tế sẽ phục hồi sau nhiều tháng bị đè nặng bởi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2019, nhưng những kỳ vọng đó đã nhanh chóng bị tiêu tan khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Giờ đây, khi mọi thứ đã trở nên tốt hơn, các quan chức Hồng Kông đang đặt cược vào nền kinh tế sẽ phát triển vào năm 2021.

Ông Simon Lee, giảng viên cấp cao tại trường kinh doanh của đại học Hồng Kông cho biết, tình hình của đại dịch vẫn còn nhiều biến động, nhưng thành phố đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi. Xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 11 do nhu cầu từ Trung Quốc, trong khi theo dữ liệu được công bố mới đây cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 11 đã được cải thiện rõ rệt.

Theo dự báo của các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát, kinh tế Hồng Kông sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay, đây là một sự thay đổi mạnh mẽ từ mức sụt giảm ước tính 6% vào năm 2020 và mức giảm 1,2% vào năm 2019.

Ông Alicia Garcia Herrero, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Natixis SA cho biết, Hồng Kông sẽ có tăng trưởng tích cực trong năm 2021 với sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm. Về tốc độ, nó sẽ phụ thuộc vào việc có thể mở biên giới sớm như thế nào, đặc biệt là với đất liền.

Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông Paul Chan cũng dự báo mức tăng trưởng tích cực cho cả năm, và chìa khóa cho triển vọng đó là việc triển khai tiêm vắc-xin toàn cầu, cho phép việc đi lại được dễ dàng hơn. Hồng Kông đã đạt được thỏa thuận mua vắc-xin từ các nhà cung cấp chính vào tháng 12/2020.

Bà Aries Wong, giảng viên đại học Baptist Hồng Kông cho biết, vắc-xin chắc chắn sẽ mang lại lượng lớn khách du lịch và tăng tiêu dùng cá nhân. Tất nhiên, nó còn phụ thuộc vào sự sẵn sàng và hiệu quả của vắc-xin.

Sau hai năm suy thoái kinh tế, hỗ trợ tài khóa cũng đang giảm dần. Chính phủ đã cung cấp khoảng 318 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 41 tỷ USD) cứu trợ do đại dịch và đã cảnh báo thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên mức cao kỷ lục hơn 300 tỷ HKD trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào ngày 31/3/2021.

Bà Carrie Lam, Giám đốc điều hành đặc khu Hồng Kông đang tìm kiếm một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc nhằm để thúc đẩy nền kinh tế. Trong một bài phát biểu về chính sách kéo dài hai giờ đồng hồ vào tháng 11 vừa qua, bà đã đề cập đến đại lục và đề xuất các chương trình thúc đẩy tương tác kinh tế, chẳng hạn như kế hoạch việc làm cho thanh niên để khuyến khích thanh niên Hồng Kông làm việc tại Trung Quốc.

Iris Pang, Chuyên gia Kinh tế trưởng về Trung Quốc của ING Bank NV cho biết, người Hồng Kông mong muốn Chính phủ tạo nhiều cơ hội để họ có thêm các cơ hội kinh doanh ở đại lục.

Con rồng Đông Nam Á Singapore cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nền kinh tế của Singapore suy giảm ít hơn dự kiến vào năm 2020 nhờ các hoạt động thương mại đã tăng lên trong quý IV sau khi Chính phủ nới lỏng các hạn chế liên quan đến dịch bệnh.

Nền kinh tế Đông Nam Á này đã giảm 5,8% vào năm 2020 so với năm trước. Con số này vẫn khả quan hơn so với dự báo chính thức về mức giảm hàng năm từ 6% đến 6,5%. Trong quý cuối cùng của năm ngoái, nền kinh tế Singapore đã suy giảm 3,8% so với một năm trước. Tuy nhiên, đây vẫn là một sự cải thiện so với mức giảm 5,6% cùng kỳ năm ngoái. Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa hàng quý, tổng sản phẩm quốc nội hoặc GDP của Singapore đã tăng 2,1% trong quý IV (chậm lại so với mức tăng 9,5% trong ba tháng trước đó).

Singapore đã thực hiện giãn cách xã hội vào đầu tháng 4 và bắt đầu dỡ bỏ chúng từ đầu tháng 6 - mặc dù một số biện pháp vẫn được duy trì, chẳng hạn như bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Điều đó cho phép hầu hết các hoạt động kinh tế tiếp tục trở lại. Công nghiệp sản xuất hàng hóa tăng 3,3% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế tạo tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; Lĩnh vực xây dựng ghi nhận mức suy giảm trong quý thứ tư liên tiếp, nhưng mức giảm 28,5% so với cùng kỳ năm trước được coi là tốt hơn quý trước; Các ngành sản xuất dịch vụ cũng tiếp tục giảm trong quý 4 liên tiếp, ghi nhận mức giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào thương mại của Singapore đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hầu hết các hoạt động kinh tế sụt giảm vào năm ngoái khi các quốc gia trên toàn cầu áp dụng các biện pháp khóa cửa để làm chậm sự lây lan của Covid-19.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nguy-co-khung-hoang-no-111523.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.